CÁC TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ THƯỜNG GẶP ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

CÁC TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ THƯỜNG GẶP ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

CÁC TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ THƯỜNG GẶP ĐỐI VỚI  DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

 Quyền sở hữu trí tuệ là một trong những quyền tài sản vô cùng quý giá của các doanh nghiệp, được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo vệ. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Theo báo cáo đặc biệt 301 của Văn phòng Bộ thương mại Hoa Kỳ (USTR) – báo cáo thường niên đánh giá về tình trạng thực thi và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của quốc gia là đối tác thương mại của Hoa Kỳ, Việt Nam năm thứ 4 liên tiếp vẫn nằm trong danh sách các quốc gia cần theo dõi (Watch List) về sở hữu trí tuệ. Điều đấy cho thấy rõ rằng, Nhà nước cũng như các doanh nghiệp cần dành sự quan tâm đúng mực tới quyền sở hữu trí tuệ để từ đó bảo về một cách hiệu quả các quyền sở hữu trí tuệ - tài sản vô hình đem lại giá trị rất lớn đối với doanh nghiệp.

Theo Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, và Bộ Tư pháp ngày 03/04/2008 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại tòa án nhân dân, các tranh chấp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thành 4 nhóm tranh chấp chính:

(a) tranh chấp quyền tác giả có thể có tính chất thuần túy liên quan quyền nhân thân và/hoặc thuần túy liên quan đến quyền tài sản;

(b) tranh chấp quyền liên quan;

(c) tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp; và

(d) tranh chấp quyền đối với giống cây trồng

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả giới hạn nội dung trong khuôn khổ của 2 loại tranh chấp phổ biết nhất hiện nay là tranh chấp về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp.

A. CÁC LOẠI TRANH CHẤP THƯỜNG GẶP:

I. Tranh chấp về quyền tác giả:

Đối với tranh chấp về quyền tác giả, các tranh chấp thường gặp bao gồm:

a. Tranh chấp giữa các cá nhân xung quanh việc xác định ai là tác giả, đồng tác giả;

b.Tranh chấp xung quanh quyền đặt tên, đứng tên tác phẩm, quyền công bố, quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm gồm ngăn cản người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả

c.Tranh chấp liên quan đến xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, đồng tác giả

d.Tranh chấp giữa tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả liên quan đến vấn đề làm tác phẩm phái sinh

e. Tranh chấp quyền sở hữu quyền tác giả giữa tác giả và tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí cho tác giả, đồng tác giả tạo ra tác phẩm theo quan hệ hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thầu khoán

f. Tranh chấp giữa chủ sở hữu quyền tác giả với người sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao vì lý do việc sử dụng làm ảnh hưởng tới việc khai thác bình thường tác phẩm, gây phương hại đến quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả

g.Tranh chấp giữa chủ sở hữu quyền tác giả với người sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao vì lý do người sử dụng không trả tiền nhuận bút, thù lao hoặc làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả

h.Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng quyền tác giả hoặc tranh chấp về hợp đồng dịch vụ liên quan đến quyền tác giả;

i.Tranh chấp phát sinh do hành vi xâm phạm quyền tác giả theo điều 28 Luật SHTT gồm các hành vi được thực hiện trái phép chẳng hạn như chiếm đoạt, sao chép, phân phối, bán, mạo danh, công bố, truyền đạt tác phẩm đến công chúng, vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện,…

j.Tranh chấp về thừa kế, kế thừa quyền tài sản quy định tại Điều 20 và quyền nhân thân theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tranh chấp bản quyền liên quan đến nhiều loại hình tác phẩm khác nhau nhưng chủ yếu các tranh chấp phổ biến xuất phát từ quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm. Quyền tác giả được xác lập ngay khi mà tác phẩm được định hình, thực tế không cần phải tiến hành các thủ tục đăng ký tác phẩm thì quyền tác giả vẫn được ghi nhận. Nhưng có lẽ cũng bởi vì nhiều tác giả không thực hiện đăng ký bản quyền hoặc do ý thức chưa đầy đủ nên còn có sai sót, chưa chính xác trong việc xác định tác giả, chủ sở hữu cũng như thời điểm hoàn thành tác phẩm khi tiến hành thủ tục đăng ký tại Cục bản quyền tác giả nên khi tranh chấp xảy ra lại khó khăn trong việc chứng minh quyền. Nhắc đến tranh chấp bản quyền có thể kể tên vụ kiện giữa họa sỹ Lê Linh và công ty Phan Thị kéo dài hơn chục năm. Bộ truyện tranh nổi tiếng “Thần đồng đất Việt” ban đầu được đăng ký bản quyền tác giả dưới tên của họa sỹ Lê Phong Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (giám đốc công ty Phan Thị). Sau khi ông Linh không còn làm việc cho công ty Phan Thị thì phát sinh tranh chấp quyền tác giả đối với các hình tượng nhân vật trong bộ truyện này. Phía ông Linh cho rằng việc Phan Thị tiếp tục khai thác hình ảnh từ các hình tượng nhân vật là không vi phạm quyền tác giả, ngược lại phía Phan Thị khẳng định mình mới là chủ sở hữu của các hình tượng nhân vật. Sáng ngày 18/2/2019, Hội đồng xét xử đã đưa ra phán quyết trong vụ việc này, công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng trong Thần đồng đất Việt, xác nhận bà Hạnh không phải là đồng tác giả.

Ngoài ra, tại Việt Nam, các vi phạm liên quan tới bản quyền đối với phần mềm cũng đáng báo động, Theo Ông Gary Gan - Giám đốc Chương trình Tuân thủ Khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc Liên minh phần mềm (BSA) cho biết “Tỷ lệ cài đặt phần mềm không bản quyền của Việt Nam thuộc hàng cao nhất khu vực APAC đạt 78%, tức là 4/5 trường hợp. Để so sánh, nước đạt kết quả tốt nhất ở khu vực APAC là New Zealand với tỷ lệ 18% và nước đứng đầu thế giới là Mỹ với 17%”. Mặc dù con số này đã có xu hướng giảm so với thời gian trước đó nhưng vẫn là con số đáng báo động. Việc sử dụng phần mềm không phép không chỉ gây thất thoát nguồn thu cho Chủ sở hữu cũng như ngân sách nhà nước mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đối với người dùng.

Với xu thế của kỷ nguyên công nghệ số và số lượng người dùng điện thoại thông minh vào topps đầu, Việt Nam là một thị trường tiềm năng và nhiều thách thức với các dịch vụ nội dung sáng tạo hợp pháp. Trong khi số lượng các nhà cung cấp nội dung số hợp pháp đang tăng dần mỗi ngày, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong quản lý tình trạng vi phạm bản quyền trực tuyến. Các trang mạng trực tuyến này không chỉ gây khó khăn cho các nền tảng trực tuyến hợp pháp có thể cạnh tranh. Ví dụ như, vi phạm bản quyền trực tuyến tại Việt Nam đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngành sản xuất phim trong nước và quốc tế do các bộ phim mới thường bị phát tán trên mạng ngay khi phim còn đang chiếu ngoài rạp. Rất nhiều bộ phim bị quay lén chuyên nghiệp trong rạp trước khi bị phát tán trên mạng và toàn cầu thông qua “các đơn vị vi phạm bản quyền trung gian”. Ngoài ra, cũng chính vì vấn đề vi phạm bản quyền số này mà không ít lần VTV đã bị cắt quyền phát sóng các chương trình bóng đá quốc tế…

II. TRANH VỀ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

 Có thể phân chia các tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp thành các loại tranh chấp sau:

(a) Tranh chấp về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý;

(b) Tranh chấp về quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu;

(c) Tranh chấp về quyền tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;

(d) Tranh chấp về quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;

(đ) Tranh chấp về quyền tạm thời đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí giữa người có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí với người đang sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đó hoặc tranh chấp về khoản tiền đền bù giữa chủ văn bằng bảo hộ với người đã sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;

(e)Tranh chấp về quyền sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp giữa chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp với người sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp liên quan đến việc chuyển giao quyền đó cho người khác, mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng mà không được phép của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp;

(g) Tranh chấp về khoản tiền đền bù giữa chủ văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí với người sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí trong khoảng thời gian từ ngày công bố đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ trên Công báo sở hữu công nghiệp đến ngày cấp văn bằng bảo hộ;

(h)Tranh chấp về quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp (bao gồm cả tranh chấp về phần quyền của các đồng chủ sở hữu);

(i) Tranh chấp phát sinh từ các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như quyền độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh bao gồm cả tên miền internet theo các điều 126, 127, 129 và 130 Luật SHTT;

(k) Tranh chấp phát sinh từ các hành vi xâm phạm quyền của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí;

(l) Tranh chấp về trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;

(m)Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp; hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc tranh chấp về hợp đồng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;

(n) Tranh chấp về thừa kế, kế thừa quyền sở hữu công nghiệp, quyền tài sản của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí;

(o) Tranh chấp phát sinh từ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp



Qua thực tiễn trong những năm gần đây, Chúng ta có thể thấy các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tập trung chủ yếu là: hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền SHCN trên hàng hóa, biển hiệu, phương tiện kinh doanh, gần đây đang xuất hiện ngày càng nhiều hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong tên doanh nghiệp, tên thương mại; hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên mẫu nhãn, kiểu dáng bao bì sản phẩm và hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đăng ký sử dụng tên miền trên internet.Thực tế hiện nay cho thấy, các hành vi sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền SHCN tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Các mặt hàng giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT ngày càng đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức trong khi ý thức của người tiêu dùng về sở hữu trí tuệ cũng như khả năng phân biệt hàng thật – hàng giả cũng chưa thực sự cao, đã đang và sẽ gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với uy tín, doanh thu của các sản phẩm chính hãng, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người tiêu dùng.Về phương thức vi phạm, trong những năm gần đây, các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ tiếp thị, phân phối theo phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử (thông qua các trang bán hàng trực tuyến, website bán hàng và đặc biệt là các trang mạng xã hội Facebook, Zalo). Vi phạm trên internet là “không có biên giới, không có rào cản địa lý”. Do đó, việc phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm trở nên hết sức khó khăn. Trong thời gian gần đây, dư luận đang hết sức quan tâm tới vụ việc kho hàng lậu, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Burberry, Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci... cùng dàn máy móc để livestream đã bị phát hiện trong kho hàng lậu có diện tích hơn 10.000 m2 tại TP Lào Cai. Đây là vụ bán hàng giả, lậu liên quan tới thương mại điện tử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Và theo thông tin Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thì  qua rà soát chứng cứ tại hiện trường, từ tháng 10/2018 tới nay, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú, chủ kho hàng chuyên livestream bán hàng lậu, và 5 đối tượng trong nhóm là trên 649 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, xuất phát từ việc Việt Nam tuân theo nguyên tắc “First to file” (Ai nộp đơn trước người đó có quyền) trong thẩm định đơn, đã không ít tranh chấp xảy ra liên quan tới việc xác định Chủ sở hữu đích thực của quyền sở hữu công nghiệp. Pháp luật Việt Nam có đề cập tới việc hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ trên cơ sở Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu tại điểm a khoản 1 điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009. Tuy nhiên, hủy bỏ hiệu lực trên cơ sở này trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Việc đăng ký chiếm quyền, đầu cơ trong lĩnh vực này tại Việt Nam cũng chưa có cơ chế xử lý nghiêm minh nên đã tạo ra lỗ hổng để các bên tiếp tục hành vi này trên thưc tế.

B. THỰC TRẠNG XỬ LÝ CÁC TRANH CHẤP VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Có thể thấy, trong những năm gần đây, việc giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã cớ sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng cũng như chất lượng, đặc biệt là sau khi Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực, theo đó hình sự hóa tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế, việc bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam vẫn chủ yếu được thực hiện bằng cách áp dụng các hình phạt hành chính với hành vi vi phạm, các giải pháp khởi tố hình sự và dân sự gần như không bao giờ được áp dụng hoặc áp dụng không hiệu quả. Nguyên nhân của thực trạng này là do các chủ thể quyền SHTT còn e ngại việc khởi kiện ra Tòa án bởi thời gian khởi kiện bị kéo dài, năng lực của Tòa án trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiêu hạn chế.

Tình trạng hàng hóa giả mạo quyền sở hữu công nghiệp đáng báo động tại Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và sức khỏe của người tiêu dùng. Tình trạng này đã giúp các thực thể trong khu vực “kinh tế ngầm” thu lợi từ thuế trong khi số lượng hàng giả được bán trót lọt ra thị trường đem đến nhiều rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng. Ngoài ra, vấn đề hàng giả cũng làm giảm lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện rõ nhất với các lĩnh vực nhạy cảm về sở hữu trí tuệ, ví dụ như các ngành sử dụng công nghệ tập trung vào hoạt động nghiên cứu & phát triển, năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Với các lĩnh vực này, doanh nghiệp cũng không còn muốn đầu tư vào Việt Nam hoặc giới thiệu các thiết kế mới do lo sợ bị xâm phạm bản quyền, quyền sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, nó cũng đe dọa tới sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Đối tượng buôn bán hàng giả tại Việt Nam đang ngày càng tinh vi hơn về phương pháp và cách thức thực hiện cũng như trong cách sử dụng công nghệ làm giả để tạo ra những sản phẩm có bề ngoài tương đồng với các sản phẩm thật mà người dùng khó có thể nhận ra. Trong khi tình trạng hàng giả vốn tập trung vào các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, ngày càng nhiều hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng trong nước cũng bị làm giả. Tuy nhiên, đi ngược với tình trạng tăng lên nhanh chóng về số lượng vụ vi phạm cũng như độ tinh vi, phức tạp của hành vi xâm phạm, Các lực lượng chức năng có thẩm quyền xử lý các tranh chấp về sở hữu trí tuệ lại chưa đủ mạnh ngang tầm nhiệm vụ được giao trong công tác đấu tranh bảo vệ quyền SHTT. Thực tế trong những năm gần đây cho thấy, Thanh tra Bộ KH&CN chịu sức ép rất lớn về các việc xâm phạm quyền SHTT mà các cơ quan chức năng, thậm chí các lực lượng chức năng ( QLTT, CA,…) ở Trung ương và địa phương hầu như chưa có khả nắm bắt và xử lý các vi phạm về SHTT như: xâm phạm về sáng chế, tên miền, tên doanh nghiệp và trên môi trường mạng ( INTERNET). Việc làm này đã gây ảnh hưởng lớn tới khả năng phát hiện, ngăn chặn cũng xử lý nhanh chóng các tranh chấp trong lĩnh vực này.

III. KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN CƠ CHẾ XỬ LÝ TRANH CHẤP SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Trước hết, cần thường xuyên rà soát, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả và sự phù hợp của các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo hướng bảo đảm tính chất dân sự của quyền sở hữu trí tuệ, dần dần tiến tới xóa bỏ tình trạng hành chính hóa các quan hệ dân sự về sở hữu trí tuệ;

Thứ hai, cần nghiên cứu việc thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ; xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên xét xử các vụ việc về sở hữu trí tuệ. Chỉ khi có tòa án chuyên trách và đội ngũ thẩm phán giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ mới có thể tin tưởng để đưa các tranh chấp ra giải quyết tại tòa và hiệu quả xử lý mới được nâng cao;

Thứ ba, khuyến khnch giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ bằng hình thức trọng tài; đẩy mạnh và tăng cường hoạt động hòa giải các tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Việc giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ bằng hình thức trọng tài có thể giúp cho các bên giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Thứ tư, Mở rộng xã hội hóa đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp về sở hữu trí tuệ: rà soát, bổ sung và củng cố đội ngũ giám định viên tư pháp về sở hữu trí tuệ; khuyến khích việc tham gia cung ứng, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ giám định chuyên môn theo yêu cầu cũng như dịch vụ tư vấn pháp luật phục vụ hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Có thể thấy rằng, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan và giữa Trung ương với địa phương là một trong những chìa khóa quan trọng trong thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, giúp phát huy sức mạnh, nguồn lực của tập thể của toàn lực lượng. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng tại địa phương cần phải quan tâm đúng mực tới việc bố trí nguồn lực (kinh phí, nhân lực), thời gian cho nhiệm vụ thực thi quyền SHCN, cử cán bộ tham gia  các khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực. Các cơ quan chức năng Trung ương có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp chịu trách nhiệm trong việc đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho các cơ quan chức năng đia phương. Từ đó, đồng bộ hóa được chuyên môn cũng như cơ chế xử lý tranh chấp sở hữu trí tuệ cho tất cả các cơ quan từ trung ương tới địa phương.

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan