Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã nêu những nguyên nhân vì sao Việt Nam đã chậm trễ trong việc bảo vệ các thương hiệu nông sản khi xuất khẩu ra thế giới trên VTV4. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu 1: Nguyên nhân Việt Nam đã chậm trễ trong việc bảo vệ các thương hiệu nông sản khi xuất khẩu ra thế giới? Các vướng mắc doanh nghiệp Việt thường gặp trong quá trình bảo vệ thương hiệu nông sản của họ?
Trả lời:
Việt Nam hiện là một trong các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với nhiều sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD. Tuy nhiên đến nay, phần lớn nông sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, nhiều sản phẩm bán ra thị trường thế giới nhưng lại thông qua thương hiệu nước ngoài. So với nhiều nước có thế mạnh xuất khẩu nông sản thì Việt Nam vẫn còn chậm trễ trong việc tạo dựng thương hiệu.
Nguyên nhân đầu tiên là do chúng ta mới chỉ chú trọng vào xuất khẩu thô, không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Do vậy các sản phẩm nông sản dù đi đến được nhiều quốc gia trên thế giới nhưng thế giới vẫn không biết đến thương hiệu của nông sản Việt Nam.
Ví dụ như cà phê, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê, trong đó đứng đầu thế giới về cà phê robusta (còn gọi là cà phê vối) nhưng tại thị trường nước ngoài, cà phê Việt Nam hiện chưa có thương hiệu. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc doanh nghiệp Việt Nam chỉ bán hạt cho các nhà rang xay lớn trên thế giới, sau đó các doanh nghiệp nước ngoài chế biến, đóng hộp với thương hiệu của họ để bán cho người tiêu dùng.
Thứ hai, do những rào cản về pháp lý, đòi hỏi phải đầu tư công sức, tiền bạc để tìm kiếm, thu thập, do mỗi quốc gia có yêu cầu, thủ tục riêng cũng làm nản lòng không ít doanh nghiệp.
Thứ ba là do kinh phí đăng ký tương đối lớn, bao gồm các chi phí cho luật sư ở nước sở tại, cơ quan sở hữu trí tuệ thẩm định đơn đăng ký. Các chi phí tìm hiểu, khảo sát thị trường trước đó cũng không hề nhỏ. Với thực trạng phần lớn doanh nghiệp nông nghiệp của nước ta chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, chi phí tài chính cho những vấn đề này càng trở nên hết sức khó khăn. Chưa kể, không ít doanh nghiệp vẫn còn tư duy “có gì bán nấy”, miễn là có lợi nhuận mà thiếu quan tâm xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Cũng nên lưu ý rằng việc xây dựng thương hiệu nông sản không chỉ dừng lại ở việc thiết kế logo hay khẩu hiệu, mà quan trọng là cần làm cho người tiêu dùng hiểu hơn về đất nước sản xuất ra sản phẩm đó và chuỗi giá trị bền vững, trong đó có những cam kết về chất lượng. Đây là điểm cốt lõi khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Câu 2: Nhận thức và hành động của các doanh nghiệp Việt có thay đổi trong thời gian gần đây về vấn đề bảo vệ thương hiệu? Chậm trễ có phải do ở cấp độ doanh nghiệp hay ở nhà nước hoặc các hiệp hội?
Trả lời:
SHTT ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Các giá trị được tạo ra từ tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và quyền tác giả ngày càng có tỷ phần cao hơn trong cơ cấu giá trị của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình ở cả trong nước và nước ngoài, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu nhằm thâm nhập thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Như đã phân tích ở trên, việc chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ do nhiều yếu tố.
Câu 3: Khi các doanh nghiệp gặp vấn đề tranh chấp, họ phải làm gì?
Trả lời:
Trước tiên, doanh nghiệp cần đánh giá được tính chất của tranh chấp, qua đó lựa chọn được biện pháp giải quyết tranh chấp phù hợp.
Để giải quyết tranh chấp, doanh nghiệp có thể chọn con đường trọng tài thương mại, tòa án hoặc thương lượng. Trong đó, con đường giải quyết tranh chấp bằng thương lượng là con đường ngắn nhất nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo của người thương lượng và khả năng tài chính của đối tác. Thương lượng sẽ (i) tiết kiệm được thời gian (nếu chọn tòa án thì thời gian tố tụng từ sơ thẩm, phúc thẩm,... đến thi hành án không biết sẽ kéo dài đến bao nhiêu năm; còn nếu giải quyết bằng con đường trọng tài thì về mặt lý thuyết, phán quyết của trọng tài vẫn có thể bị tòa án hủy nên vụ việc vẫn có thể kéo dài); (ii) tiết kiệm chi phí (cụ thể là án phí hoặc phí trọng tài, phí luật sư, phí thi hành án...); (iii) khả năng thu hồi tài sản cao hơn và đồng vốn quay vòng trong kinh doanh sẽ nhanh hơn - vì thương lượng thành thì việc thanh toán sẽ có tính tự nguyện cao; (iv) vẫn giữ được mối quan hệ đối tác trong kinh doanh, bảo vệ được uy tín của đối tác cũng như uy tín của mình.
Thậm chí có những vụ tranh chấp hết thời hiệu khởi, thế nhưng với khả năng thương lượng khéo léo nhiều khi doanh nghiệp sẽ thành công. Nhưng thường để thương lượng thành công, việc thương lượng phải đi đôi với các biện pháp khác như khởi kiện ra tòa, ra trọng tài.
Tuy nhiên, hạn chế của việc thương lượng là không thể căn cứ vào biên bản thương lượng mà cưỡng chế thi hành - vì nó không phải là bản án hay phán quyết của trọng tài có hiệu lực pháp luật. Vì thế, cũng có trường hợp doanh nghiệp lợi dụng việc thương lượng để kéo dài thời gian cho qua thời hiệu khởi kiện.