Bảo vệ bản quyền phầm mềm kiểu "vừa đánh, vừa đàm"

Hệ thống luật pháp Việt Nam để bảo vệ sở hữu trí tuệ đã “tương đối đầy đủ”, các cơ quan thực thi vẫn phải “lựa lời” tuyên truyền khuyến cáo mỗi khi thanh, kiểm tra.

Liên tục từ những tháng giữa năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã có những văn bản luật pháp nhằm siết chặt việc bảo vệ bản quyền phần mềm máy tính (BQPM).

Gần đây nhất là việc ban hành Nghị định 47/NĐ-CP có hiệu lực từ 30/7 thay cho Nghị định 56/NĐ-CP trước đây.

Trong văn bản mới này, ngoài việc xác định hành vi, các mức phạt cũng được tính theo giá trị phần mềm bị vi phạm với mức xử lý lên tới 500 triệu đồng thay vì 15-20 triệu đồng như trước đây. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản khiến việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chuyển biến tích cực nhiều… 





Thanh-tra-BQPM.jpg

Khác với trước đây, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được việc dùng phần mềm không bản quyền là sai và ký ngay biên bản thanh tra. (Ảnh: H.P.)

Đánh giá sau 1 năm thực hiện Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác và điều phối trong bảo hộ tác quyền phần mềm ở Việt Nam, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-DL-TT, đơn vị được giao nhiệm vụ thực thi các luật bảo vệ quyền tác giả và sở hữu trí tuệ, cho rằng, Việt Nam đã có những tiến bộ về nhận thức trong lĩnh vực này.

“Cách đây 2 năm, giải thích vấn đề này người ta khó chịu lắm và thường không nhận. Nhưng hiện nay thì khác hẳn, các doanh nghiệp hầu hết đều nhận ngay là sai và hứa sẽ nhanh chóng đàm phán với chủ sở hữu để mua bản quyền phần mềm”, ông Vũ Xuân Thành cho biết.

Trong các cuộc thanh tra BQPM tiến hành trên cả nước trong năm 2009, hầu hết các đơn vị vi phạm đều ký ngay biên bản của đoàn thanh tra. Nhiều doanh nghiệp sau đó đã trình cả kế hoạch trang bị phần mềm của mình dù chưa kịp… thực thi.

Ông Thành khẳng định việc nâng cao nhận thức từ phía các doanh nghiệp được đánh giá là “cái được lớn nhất” trong cuộc chiến chống vi phạm BQPM thời gian qua. Điều đó dẫn tới việc tỷ lệ vi phạm tại Việt Nam giảm xuống còn 84% và thoát khỏi danh sách 12 nước có tỷ lệ vi phạm BQPM cao nhất.

“Điều đáng chú ý là 84% của Việt Nam không nguy hiểm như 80% hay 70% của một số quốc gia phát triển khác. Lý do vì số máy tính ở Việt Nam hiện nay vẫn còn ít, giá trị thực của các phần mềm bị vi phạm không lớn”, ông Thành nói.

Một bước tiến nữa là nhận thức tự bảo vệ sản phẩm của mình từ chính những doanh nghiệp phần mềm Việt Nam. Có mặt 1 năm tại Việt Nam, Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) đã có thêm nhiều thành viên nội địa, tiến hành nhiều hoạt động hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật cùng các hiệp hội ngành nghề khác để xúc tiến các biện pháp khuyến cáo. Các thành viên của BSA phối hợp với tập huấn các thanh tra viên Sở VH-DL-TT về điều tra vi phạm BQPM.

"Sau 1 năm gia nhập BSA, chúng tôi đã tham gia 2 khóa tập huấn các thanh tra viên Sở VH-DL-TT ở 2 miền Nam - Bắc. Nội dung chủ yếu là chống vi phạm BQPM và nhận biết các sản phẩm phần mềm thật - giả", ông Hà Thân - Tổng giám đốc Công ty Lạc Việt - doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đầu tiên gia nhập BSA, nói.

Chia sẻ quan điểm này, ông Đào Anh Tuấn, Trưởng đại diện Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) tại Việt Nam, cũng khẳng định “những nỗ lực của Việt Nam rất tích cực”. Điều đó thể hiện bằng hoạt động hoàn thiện khung pháp lý và nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế và tăng cường hiệu quả thực thi.

“Điển hình phải kể đến các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh công tác bảo vệ bản quyền phần mềm và bản quyền âm nhạc, Pháp lệnh sửa đổi về xử lý vi phạm hành chính (nâng mức phạt vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lên 500 triệu đồng) và Luật hình sự sửa đổi (sửa đổi và bổ sung các điều khoản về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm quyền tác giả và các quyền liên quan và các tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp)”, ông Tuấn nói.

Theo nghiên cứu của BSA năm 2008, với tỷ lệ vi phạm BQPM hiện nay, Việt Nam tổn thất khoảng 257 triệu USD về công ăn việc làm trong ngành CNTT.

… nhưng vẫn chưa đủ

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ BQPM cũng khẳng định vẫn còn một bộ phận “nhận thức được, nhưng chưa thật thông”, và đây là những cản lực đáng kể. Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều thứ như thói quen, cũng có thể là do kinh tế Việt Nam còn kém phát triển. Thậm chí một bộ phận dư luận xã hội cũng vẫn cho rằng kinh tế còn khó khăn, việc thanh, kiểm tra cũng là có “mức độ thôi”.





Rhodale.jpg

Công ty Rhodale - đơn vị đầu tiên bị kiểm tra và xử lý theo Nghị định 47. (Ảnh. H.P).

Tuy nhiên, những điều đó đặt Chính phủ và các cơ quan nhà nước vào áp lực về việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của quyền sở hữu trí tuệ. Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết và hoạt động mạnh mẽ trong thời gian qua. Công ước Berns đã ký rồi, Việt Nam cũng đã là thành viên của WTO rồi, hệ thống luật pháp hiện nay cũng đã tương đối hoàn thiện với Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định chiến lược và cả Nghị định 47 mới ban hành…

“Với những văn bản pháp luật và nỗ lực đó, cơ quan thực thi bắt buộc phải tuân thủ và làm công việc bảo vệ pháp luật”, ông Thành nói.

 Đại diện BSA cũng chia sẻ: "Thứ nhất, tại sao chúng ta không đặt câu hỏi đắt rẻ này với các hàng hóa thông thường khác? Tại sao chúng ta không nói với các nhà sản xuất ra các hàng hóa thông thường khác đó rằng nếu anh bán đắt, không phù hợp với thực tế thu nhập của nước tôi thì tôi sẽ không mua và/hoặc không sử dụng sản phẩm của anh? Thứ hai, chúng ta cùng thử quan sát mà xem: Không một quốc gia phát triển nào có tỷ lệ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cao, hay nói cách khác, không quốc gia nào có tỷ lệ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nằm trong số các quốc gia phát triển".

Như vậy, có thể kết luận “càng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh hơn thì quốc gia càng thụt lùi” được không? Hay chúng ta sẽ đồng ý với nhau rằng “tương đương với một tỷ lệ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thấp hơn là một mức phát triển cao hơn”?

Vừa kiểm tra, vừa khuyến cáo

Mặt khác, Nghị định 47 mới ban hành cũng chưa triển khai một cách mạnh mẽ, đầy đủ được vì thiếu cơ quan định giá phần mềm thuộc Cục Bản quyền. Nghị định 47 mới ra cũng phải triển khai thử nghiệm khoảng 1 năm, sau đó mới tổng kết để rút kinh nghiệm các mặt mạnh yếu, đánh giá khó khăn để có được đề xuất.





Mô tả ảnh.

Chánh Thanh tra Bộ VH-DL-TT: "Dù khó khăn, chúng ta vẫn phải tuân thủ pháp luật. Chúng tôi có thể không phạt, nhưng việc mua phần mềm thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện". (Ảnh: H.P.)

Ông Thành cho biết khi triển khai hạn chế chờ hướng dẫn, gặp trường hợp “thuận” thì rất dễ. Tức là tạm tính các phần mềm vi phạm đó thành tiền, nếu doanh nghiệp thấy số tiền đó hợp lý, không khúc mắc gì và thừa nhận thì ký vào biên bản vi phạm.

“Còn nếu gặp trường hợp khó thì lại phải đợi cơ quan thẩm định giá. Chứ chúng tôi làm thanh tra, không thể tự “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, kiểm tra xong rồi tự định giá, tự ra biên bản phạt được. Cái khó là ở chỗ đó”, Chánh Thanh tra Bộ VH-DL-TT chia sẻ.

 Vì thế, cơ quan này vẫn ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp phải liên hệ để mua phần mềm, sau đó báo cáo. Sau khi thanh, kiểm tra, nhiều doanh nghiệp đã trang bị phần mềm có bản quyền và gửi văn bản hợp đồng để báo cáo Thanh tra Bộ.

“Dù khó khăn nhưng chúng ta vẫn phải tuân thủ pháp luật. Chúng tôi có thể không hoặc chưa phạt, nhưng việc mua phần mềm là các doanh nghiệp phải thực hiện”, ông Thành nói.

Hải Phương Ghi rõ nguồn "VietNamNet"

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan

BẢNG PHÂN LOẠI NHÃN HIỆU

 BẢNG PHÂN LOẠI NHÃN HIỆU HIỆN NAY LÀ BẢNG THEO CÔNG ƯỚC NICE VÀ CÔNG ƯỚC VIENNE. 1. Phân loại quốc tế về hàng hóa