Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số.
Luật su Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW trả lời báo đầu tư về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam trong môi trường số.
- Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện đã đủ mạnh và chặt chẽ để xử lý những vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ chưa? Theo anh, luật cần được bổ sung những điểm nào?
Trả lời:
Luật Sở hữu trí tuệ đã đóng góp tích cực vào việc bảo hộ tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên, văn bản pháp luật này hiện còn tồn tại nhiều bất cập cần phải khắc phục để hoàn thiện hơn trong việc xử lý những vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Thứ nhất, về quyền nhân thân trong quyền tác giả
Các quyền nhân thân được quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) bao gồm quyền nhân thân không gắn với tài sản (khoản 1, 2 và 4) và quyền nhân thân gắn với tài sản (khoản 3).
Trong đó khoản 4 Điều 19 quy định tác giả có quyền “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Việc sửa chữa, cắt xén tác phẩm mà không nhận được sự đồng ý của tác giả cũng như hành vi xuyên tạc tác phẩm là sự xâm phạm đến sự toàn vẹn tác phẩm và quyền nhân thân của tác giả. Đây là những hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 5 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, quy định về quyền nhân thân này tồn tại một bất cập: Theo khoản 4 Điều 19, cần phải chứng minh sự sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm phải gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả mới bị coi là vi phạm.
Như vậy, giả sử một người thực hiện hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm của người khác (mà không nhận được sự đồng ý của người đó) nhưng lại chứng minh được là hành vi đó không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, thậm chí còn làm cho tác phẩm hay hơn thì không vi phạm khoản 4 Điều 19.
Mặc dù đã có quy định của khoản 3 Điều 20 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan khắc phục bất cập của khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nhưng thiết nghĩ điều này chỉ mang tính lấp “lỗ hổng” tạm thời cho Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Trong tương lai, khi ban hành Luật Sở hữu trí tuệ mới chúng ta nên sửa đổi lại Khoản 4 Điều 19 theo hướng bỏ cụm từ “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Thứ hai, về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Để bảo vệ chứng cứ hoặc ngăn chặn thiệt hại quá mức có thể xảy ra xuất phát từ hành vi vi phạm thì khi khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện, chủ thể quyền tác giả có quyền yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 207 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Theo Điều 206 Luật này, biện pháp khẩn cấp tạm thời được Tòa án xem xét áp dụng theo yêu cầu của chủ thể quyền trong các trường hợp sau: (i) Đang có nguy cơ xảy ra thiệt hại không thể khắc phục được cho chủ thể quyền; (ii) Hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ bị tẩu tán hoặc bị tiêu huỷ nếu không được bảo vệ kịp thời.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng bao gồm: thu giữ; kê biên; niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển; cấm chuyển dịch quyền sở hữu và các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được áp dụng theo quy định của BLTTDS.
Đối với việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hiện nay đang tồn tại sự thiếu thống nhất giữa pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 136 BLTTDS 2015, người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp khoản bảo đảm “tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”.
Trong khi đó, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã giới hạn giá trị của khoản bảo đảm mà bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp không phải là một khoản “tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại” mà bên bị áp dụng có thể phải gánh chịu mà là một khoản tiền bằng “20% giá trị hàng hoá cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc tối thiểu hai mươi triệu đồng nếu không thể xác định được giá trị hàng hóa đó” (khoản 2 Điều 208 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành).
Thiết nghĩ, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nên quy định thống nhất với BLTTDS. Theo đó, khoản bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng. Việc quy định như vậy sẽ giúp bảo vệ tốt hơn cho bên bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.
Thứ ba, về giới hạn số tiền trong yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần
Khi bị hành vi xâm phạm quyền tác giả gây thiệt hại, tác giả có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại tinh thần nhưng phải chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ.
Thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả.
Tùy vào mức độ tổn thất về tinh thần do hành vi vi phạm gây ra, Tòa án quyết định mức bồi thường thiệt hại cho tác giả.
Tuy nhiên, mức bồi thường thiệt hại tinh thần theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) bị giới hạn ở cả mức tối thiểu và mức tối đa. Cụ thể, khoản 2 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) giới hạn mức tối thiểu (5 triệu đồng) và mức tối đa (50 triệu đồng).
Việc giới hạn mức yêu cầu bồi thường tối thiểu 5 triệu đồng là không thật sự hợp lý. Bởi lẽ trong nhiều trường hợp tác giả bị tổn thất về danh dự, uy tín bởi hành vi xâm phạm nhưng họ chỉ yêu cầu một mức bồi thường mang tính tượng trưng sau khi đã được bên vi phạm xin lỗi, cải chính công khai.
Còn nếu tác giả yêu cầu mức bồi thường từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng thì phải chứng minh số tiền yêu cầu này là có căn cứ.
Tuy nhiên, việc chứng minh thiệt hại bao nhiêu và rằng số tiền yêu cầu bồi thường tương xứng với mức độ thiệt hại thực tế là một vấn đề rất khó khăn, nhất là đối với thiệt hại về tinh thần.
Vì vậy,chỉ nên giới hạn số tiền được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với mức tối đa (50 triệu đồng) mà không nên giới hạn đối với mức tối thiểu (5 triệu đồng).
- Đánh giá về mức độ quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trong thời gian vừa qua?
Trả lời:
Quyền sở hữu trí tuệ đang khẳng định vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành một nền kinh tế toàn diện và phát triển bền vững.
Chứng chỉ về quyền sở hữu trí tuệ là vật chứng bảo đảm cho thành công của mỗi doanh nhân tiến vào thị trường thế giới.
Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp nước ta buộc phải tham gia môi trường cạnh tranh quốc tế với cường độ cao, với những yêu cầu chặt chẽ về thực thi các quy định về sở hữu công nghiệp.
Mặc dù đã hội nhập sâu rộng nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thật sự quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT).
Việc vi phạm nhãn hiệu, bản quyền trên mạng xã hội và Internet là một hiện trang nhức nhối, việc bán hang giả, hang nhái, hang vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang đặt ra những vấn đề cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý.
Chính vì vậy, nhận thức của xã hội và doanh nghiệp đối với vấn đề này còn nhiều bất cập.
Khi được chú trọng và khai thác một cách tối ưu, tài sản “vô hình” này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín và khả năng cạnh tranh để nâng cao doanh thu và lợi nhuận.
- Được biết, Liên minh Châu Âu vừa thông qua dự luật thu phí bản quyền đối với Facebook và Google vì hai ông lớn đã sử dụng nhiều tin bài của các tờ báo lớn để thu hút quảng cáo. Anh đánh giá thế nào về động thái này?
Trả lời:
Sau nhiều tranh cãi, dự luật bản quyền online liên quan tới việc quản lý bản quyền thông tin khai thác, chia sẻ trên mạng Internet cũng đã được phê chuẩn tại nghị viện châu Âu.
Luật này hứa hẹn giúp các nghệ sĩ và hãng xuất bản nội dung có nhiều quyền lực hơn, đồng thời đặt thêm gánh nặng chi phí lên các hãng công nghệ. Các công ty truyền thông xã hội dựa trên nội dung của người dùng, như YouTube, Facebook và các trang tổng hợp tin tức, như Google News sẽ bị ảnh hưởng.
Với các tác phẩm có bản quyền, những dịch vụ như YouTube của Google đã áp dụng công nghệ quét và phát hiện nội dung được bảo vệ có trong nội dung được đăng tải.
Vì thế, người giữ bản quyền có thể chọn gỡ nội dung đó xuống, hoặc vẫn cho chạy quảng cáo và chia sẻ doanh thu với người đăng.
Tuy nhiên, với quy định mới, Google và Facebook sẽ bị yêu cầu chặn các nội dung này hiển thị trên nền tảng của mình, dù người nắm bản quyền có yêu cầu hay không.
- Thực tế, Facebook và Google cũng đang kiếm nguồn thu quảng cáo tại Việt Nam bằng các tin bài của các tờ báo lớn trong nước. Liệu Việt Nam có khả năng đưa ra chế tài tương tự như EU?
Trả lời:
Chế tài này có điểm thuận lợi, tuy nhiên, để áp dụng tại Việt Nam thì cần phải nghiên cứu cẩn trọng.
Đặc biệt, các nhà làm luật Việt Nam cần có quá trình nghiên cứu các quy định của EU về vấn đề này, tổ chức các buổi tham vấn và đưa ra quá trình xây dựng luật một cách hợp lý.
Có một đặc điểm là google và facebook có hoạt động mạnh tại Việt Nam, có doanh thu quảng cáo lớn, nhưng vẫn chưa có hiện diện chính thức tại Việt Nam, việc xây dựng và pá dụng các chế tài như EU có hiệu quả và có tính khả thi không cũng là một bài toán khó.
Theo quan điểm của tôi, nếu các ông lớn này trả tiền cho những nhà cung cấp nội dung như luật của EU sẽ là một thay đổi lớn và có lợi cho những cơ quan báo chí Việt Nam.
- Một khi đưa ra chế tài tương tự, liệu Facebook và Google có khả năng nộp phí bản quyền tại Việt Nam không? Vì sao? Khoảng phí bản quyền mà Facebook và Google phải trả cho các trang tin và người làm nội dung Việt Nam ước lượng là bao nhiêu?
Trả lời:
Việc Facebook và Google có khả năng nộp phí bản quyền tại Việt Nam là không dễ dàng.
Trước đây Tây Ban Nha và Đức từng thử nghiệm việc thu phí bản quyền tin tức của các nền tảng công nghệ nhưng đều thất bại.
Tại Đức, Công ty Axel Springer - chủ sở hữu những tờ báo nổi tiếng như Die Welt và Bild, cũng là công ty vận động ủng hộ Chỉ thị bản quyền - từng yêu cầu Google trả phí khi dẫn lại nội dung của họ.
Tuy nhiên, Google đã phản ứng bằng việc không dẫn lại trích đoạn các bài báo của Axel Springer trong kết quả tìm kiếm của họ nữa để không phải trả tiền.
Còn tại Tây Ban Nha, luật bản quyền của nước này buộc các tòa báo phải yêu cầu thanh toán bản quyền, do đó Google cũng chấm dứt luôn hoạt động dịch vụ tin tức của họ tại đây.