Theo quy định tại Thông tư số 37/2011/TT- BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ : Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì vấn đề nêu trên được quy định như sau:
1. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 97/2010/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ việc có thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ làm rõ về tình trạng pháp lý của quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể là:
a) Thông tin về quyền sở hữu, quyền sử dụng, chuyển giao quyền đối với đối tượng đang có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo;
b) Phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp liên quan; phạm vi, điều kiện áp dụng các quy định về các trường hợp không bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
c) Khả năng chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, thay đổi phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp liên quan.
2. Dừng xử lý vụ vi phạm khi có phát sinh tranh chấp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 30 Nghị định 97/2010/NĐ-CP:
a) Cơ quan có thẩm quyền xem xét dừng xử lý vụ vi phạm sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm trong trường hợp sau đây:
(i) Khi nhận được văn bản thông báo của cơ quan có thẩm quyền trong thủ tục xác lập quyền đã thụ lý đơn yêu cầu huỷ bỏ, chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ, khiếu nại về phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến đối tượng trong đơn yêu cầu xử lý vi phạm; hoặc quyết định thụ lý của tòa án về vụ việc xâm phạm; hoặc khiếu nại, tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến đối tượng trong đơn yêu cầu xử lý vi phạm;
(ii) Khi thấy vụ việc có nội dung liên quan đến tranh chấp hợp đồng giữa các bên về quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.
b) Thông báo dừng giải quyết vụ việc phải nêu rõ căn cứ, lý do, thời gian dừng giải quyết, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan và được gửi cho bên yêu cầu xử lý vi phạm, bên bị yêu cầu xử lý vi phạm và cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại.
3. Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chủ thể quyền giải trình, cam kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29 Nghị định 97/2010/NĐ-CP và xem xét việc tiến hành xử lý dựa trên các căn cứ sau đây:
a) Bên bị yêu cầu xử lý vi phạm đã nộp đơn yêu cầu huỷ bỏ, chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền thụ lý;
b) Bên bị yêu cầu xử lý vi phạm đã nộp đơn đăng ký bảo hộ đối tượng nêu trong đơn yêu cầu xử lý vi phạm tại cơ quan xác lập quyền sở hữu công nghiệp nhưng chưa có quyết định cấp văn bằng bảo hộ;
c) Bên yêu cầu xử lý vi phạm yêu cầu tiếp tục xử lý và cam kết trách nhiệm bồi thường theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 Nghị định 97/2010/NĐ-CP trong trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị sửa đổi, hủy bỏ, đình chỉ hiệu lực theo quyết định giải quyết tranh chấp của cơ quan có thẩm quyền.
4. Từ chối xử lý vi phạm
Trước khi ra thông báo thụ lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm, nếu cơ quan xử lý vi phạm nhận được văn bản thông báo thụ lý đơn của cơ quan có thẩm quyền nêu tại điểm a khoản 2 Điều này thì cơ quan xử lý vi phạm ra Thông báo từ chối xử lý vi phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 Nghị định 97/2010/NĐ-CP.