Xử lý hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Giơ cao đánh khẽ!

Xử lý hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Giơ cao đánh khẽ!

Gần đây, cùng với sự bùng nổ của các loại hàng gian hàng giả, việc kinh doanh các mặt hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng đang ngày càng phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Tuy nhiên, do những hạn chế trong quy định về phân định giữa hàng được bảo hộ và hàng vi phạm SHTT cũng như chế tài chưa nghiêm nên số vụ vi phạm phát hiện rất nhiều song việc xử lý lại chồng chéo, thậm chí bế tắc.

Xử lý nửa vời...

Cuối tháng 5-2009, Đội Quản lý thị trường (QLTT) 3A - Chi cục QLTT TPHCM tiến hành kiểm tra chi nhánh Công ty cổ phần Dược phẩm Quảng Bình (số 334 Bắc Hải, phường 6 quận Tân Bình) và một cửa hàng nằm trên đường Tô Hiến Thành, quận 10. Tại đây phát hiện đang trữ, kinh doanh mặt hàng thuốc tân dược nhãn hiệu “PARACETAMOL và Hình” do Công ty CP Dược phẩm Quảng Bình sản xuất có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “PANADOL và Hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam của Công ty Smithkline Beecham P.L.C do Cục SHTT cấp. Do đó, phía Công ty P.L.C đề nghị cơ quan chức năng can thiệp nhằm bảo vệ quyền lợi. Tuy nhiên, làm việc với QLTT, Giám đốc Công ty Dược phẩm Quảng Bình Dương Minh Sen cũng xuất trình giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả cấp và giấy phép lưu hành sản phẩm “PARACETAMOL” 500mg của Cục Quản lý dược.





Ba nhãn hiệu thuốc khác nhau nhưng có hình thức, kiểu dáng giống nhau dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và khó phân biệt hành vi vi phạm quyền SHTT.


Trước sự việc tréo ngoe này, QLTT đành thông báo cho phía Công ty P.L.C việc không xử lý Công ty Dược phẩm Quảng Bình vì không đủ yếu tố quy kết hành vi vi phạm. Đồng thời, dừng biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử phạt, giải tỏa niêm phong, hoàn trả số hàng hóa do lực lượng QLTT tạm giữ cho chi nhánh Công ty Dược phẩm Quảng Bình để hai bên tiến hành thỏa thuận dân sự.

Một cán bộ QLTT trực tiếp thụ lý vụ việc này cho biết, rất khó phân biệt doanh nghiệp nào vi phạm quyền SHTT trong trường hợp này. Nguyên nhân là do Cục Bản quyền tác giả và Cục SHTT có thẩm quyền ngang nhau, nhưng khi cấp quyền sở hữu (về hình thức nhãn hiệu, hình ảnh trên bao bì-PV) không có sự thống nhất nên đã tạo ra hai sản phẩm có hình thức giống hệt nhau, rất khó để phân biệt đơn vị nào vi phạm quyền SHTT.

Trước đó, sau thời gian dài điều nghiên, hạ tuần tháng 9-2008, lực lượng QLTT TPHCM phối hợp với Công an phường Bình Hưng Hòa B tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Nghiệp Phát (lô B22, KCN Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B quận Bình Tân), phát hiện doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh dép mousse xốp có sử dụng nhãn hiệu “hình con cá sấu” trên mặt và quai dép cùng chữ “LOCOSTA”, có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hàng hóa. Dụng cụ để thực hiện việc gắn hình bị phát hiện tại hiện trường gồm 4 bảng phim in hình con cá sấu, 8 khuôn quai, mặt dép dập nổi hình con cá sấu và 3 bảng in lụa hình con cá sấu.

Sau nhiều lần đối chất cùng đơn vị đã đăng ký quyền SHTT nhãn hiệu này là Tập đoàn LA CHEMISE LACOSTE, cuối cùng Công ty Nghiệp Phát thừa nhận các hành vi vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền với nhãn hiệu “LACOSTE kèm “hình con cá sấu” với tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 571 triệu đồng. Với số tang vật và tiền vi phạm lớn, lực lượng QLTT đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ TPHCM để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Công ty TNHH Nghiệp Phát. Tuy nhiên, vụ việc trôi qua gần 1 năm nhưng thông tin vẫn bặt vô âm tính.

Tăng cường công tác phối hợp

Thống kê sơ bộ của Chi cục QLTT TPHCM cho thấy, trong công tác kiểm tra, xử lý lĩnh vực SHTT năm 2008, có 75% trường hợp do chủ thể quyền khiếu nại và yêu cầu xử lý (phần lớn gồm các mặt hàng như mắt kính, túi xách, ba lô du lịch và bóp da hoặc giả da, giày dép, quần áo thể thao), còn 25% số vụ việc còn lại do lực lượng QLTT phát hiện, xác minh chủ thể quyền (phần lớn đều thông qua các đại diện SHTT là những công ty tư vấn luật).

Theo Chi cục phó Chi cục QLTT TP Nguyễn Trung Bính, hiện nay hàng gian hàng giả và hàng vi phạm SHTT được làm rất tinh xảo, mắt thường rất khó phân biệt. Trong quá trình kiểm tra, hàng hóa nghi ngờ là hàng giả, Chi cục QLTT TP thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chủ sở hữu hoặc đại diện SHTT được quyền hợp lệ để phối hợp trong giám định hàng hóa làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm.

Trong khi đó, chỉ các doanh nghiệp, nhà sản xuất chính hãng mới có khả năng nhận biết sản phẩm nào là hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác cung cấp dữ liệu thông tin liên quan đến hàng hóa dịch vụ của các chủ thể quyền trong nước cũng như nước ngoài cho các cơ quan chức năng. Đồng thời, doanh nghiệp có sản phẩm đã đăng ký quyền SHTT phải mạnh dạn tố cáo những doanh nghiệp có hành vi xâm phạm hàng hóa của mình.

Bởi trên thực tế, rất ít doanh nghiệp tự đứng ra tố cáo các doanh nghiệp xâm phạm quyền SHTT với cơ quan chức năng do sợ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu. Mặt khác, về quản lý nhà nước cần tách bạch, thống nhất việc cấp phép-hình thức nhãn hiệu, hình ảnh trên bao bì - giữa các ngành nhằm thống nhất quyền SHTT về một đầu mối. “Có như vậy mới mong góp phần bảo vệ người tiêu dùng cũng như chính nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trên nguyên tắc các bên cùng có lợi”, Phó Chi cục QLTT TP Nguyễn Trung Bính nói.

Theo ggp.org.vn

» Dịch vụ xử lý xâm phạm sở hữu trí tuệ

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan