Những năm gần đây, chính quyền và các cơ quan chức năng cùng nông dân trong tỉnh chung sức xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các mặt hàng này. Một số mặt hàng nông sản đã có thương hiệu vững chắc, có sức cạnh tranh tốt trên thị trường, tạo đà cho nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển.
Nhãn lồng, một đặc sản nổi tiếng của Hưng Yên đã được công nhận thương hiệu.
Những thành công bước đầu
Chủ tịch Hội nhãn lồng Hưng Yên Ngô Hùng Mạnh cho biết, nhãn lồng là một loại quả ngon, đặc sản của Hưng Yên. "Khi còn làm Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tôi rất trăn trở với việc xây dựng nhãn hiệu cho quả nhãn lồng, bởi lúc đó, phần lớn người trồng nhãn chưa hiểu hết giá trị của việc xây dựng nhãn hiệu, trình độ thâm canh còn hạn chế, không đồng đều, diện tích cây nhãn cho quả ngon chiếm tỷ lệ thấp, nằm rải rác ở các hộ... Trong bối cảnh này, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng "vườn bảo tồn gen giống nhãn lồng", nhân và cung cấp cây giống đạt tiêu chuẩn cho nông dân, tổ chức các cuộc vận động cải tạo vườn nhãn tạp, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, sản xuất giống, chăm sóc, điều tiết cho nhãn ra hoa đậu quả... Ðến năm 2004, chúng tôi thành lập Hội nhãn lồng Hưng Yên và bắt tay ngay vào việc xây dựng nhãn hiệu tập thể nhãn lồng Hưng Yên, xây dựng các quy chế, quy trình sản xuất, tiêu chí về trọng lượng quả, độ đường, an toàn vệ sinh thực phẩm... Sau hai năm, Hội nhãn lồng Hưng Yên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể nhãn lồng. Nhãn lồng được quảng bá rộng rãi, chất lượng quả ngon, ổn định, trở thành biểu tượng của ngành nông nghiệp Hưng Yên".
Anh Nguyễn Văn Cảnh, chủ vườn hơn một trăm gốc nhãn lồng, ở phường Lam Sơn, TP Hưng Yên cho biết, xây dựng được thương hiệu nhãn lồng là điều mong ước của những người trồng nhãn. Anh, em trong Hội nhãn lồng Hưng Yên đã tự giác chấp hành quy chế của Hội, nhất và việc tuân thủ các quy trình sản xuất, thường xuyên kiểm tra chéo lẫn nhau, bảo đảm các tiêu chí chất lượng của quả nhãn lồng. Nhãn lồng có thương hiệu, hàng năm cứ đến mùa nhãn, khách hàng đến tận vườn của các hội viên đặt mua với giá cao, thường gấp rưỡi, gấp đôi so với giá nhãn ở thị trường.
Khoái Châu là huyện có phong trào chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi nhanh, mạnh, hiệu quả ở tỉnh Hưng Yên. Huyện có những vùng chuyên canh rộng lớn. Gần 800 ha chuối tiêu hồng ngoài bãi ven sông ở các xã Tứ Dân, Ðại Tập, Ðồng Ninh... Khoảng 700 ha nhãn chín muộn ở các xã Hàm Tử, An Vĩ, Bình Minh; gần 400 ha cây có múi (bưởi, cam, quất) ở các xã Bình Minh, Dạ Trạch, Ðông Tảo... Phó Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu Lê Trọng Bình cho biết, huyện rất quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu cho nông sản. UBND huyện đã ban hành Quyết định số 01/2011/QÐ-UBND phê duyệt "Chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu có sức cạnh tranh trên thị trường"; triển khai đề án "Giống vật nuôi, cây trồng chất lượng cao giai đoạn 2012-2015"... Quy hoạch xây dựng từng vùng sản xuất nông sản, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, đào tạo nghề cho nông dân gắn với vùng sản xuất, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Hằng năm, huyện đầu tư hàng trăm triệu đồng hỗ trợ các địa phương, nông dân quảng bá nông sản thông qua các hội chợ thương mại, hoạt động xúc tiến thương mại, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Huyện đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên xây dựng nhãn hiệu tập thể cho hai loại nông sản: chuối tiêu hồng và gà Ðông Tảo. Việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp đã được nhiều thương nhân, doanh nghiệp biết đến, họ về tận cánh đồng, tận hộ gia đình đặt mua nông sản, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân.
Nuôi gà Đông Tảo tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên).
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên có nhiều loại đặc sản, trong đó nhãn lồng Hưng Yên được xếp thứ 12 trong 50 loại đặc sản trái cây nổi tiếng nhất nước; tương Bần được xếp thứ nhất trong tốp 10 đặc sản nước chấm và gia vị của Việt Nam. Tỉnh đã huy động các nguồn vốn để thực hiện đề tài, dự án có nội dung tập huấn kiến thức về sở hữu trí tuệ, xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận một số đặc sản của địa phương. Hằng năm, tỉnh hỗ trợ kinh phí để giúp duy trì và phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu đã được bảo hộ, in tem nhãn, bao bì, tham gia hội chợ triển lãm... Hai đặc sản của tỉnh Hưng Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu tập thể là nhãn lồng Hưng Yên và tương Bần; một số sản phẩm khác như: gà Ðồng Tảo, chuối tiêu hồng, quất cảnh Văn Giang đang trong quá trình xây dựng nhãn hiệu.
Bảo vệ và phát triển thương hiệu bền vững
Trao đổi ý kiến về việc phát triển thương hiệu nhãn lồng, đồng chí Ngô Hùng Mạnh cho rằng, việc xây dựng thương hiệu đã khó, nhưng việc giữ và phát triển thương hiệu lại càng khó hơn. Bởi lẽ, đặc thù của nền sản xuất nông nghiệp ở Hưng Yên là nhỏ lẻ, việc phát triển sản xuất hàng hóa mới ở trong giai đoạn đầu nên nhận thức về thương hiệu hàng hoá của số đông nông dân vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Hội nhãn lồng Hưng Yên hoạt động chín năm, nhưng đến nay mới có 115 hội viên (khi mới thành lập có 64 hội viên), với diện tích nhãn khoảng 20 ha; trong khi đó, số hộ trồng nhãn của tỉnh hàng vạn hộ, diện tích nhãn hơn 3.000 ha. Hoạt động của Hội, khi mới thành lập khá mạnh, nhưng về sau giảm sút; việc tổ chức sinh hoạt hội ngày càng khó khăn, việc kiểm tra, kiểm soát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa bảo đảm yêu cầu, chủ yếu dựa vào sự tự giác của hội viên. Hội thiếu kinh phí hoạt động nên vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh về bao bì, nhãn mác... Hoạt động của hội nếu tiếp tục suy yếu sẽ dẫn tới việc lạm dụng nhãn hiệu, ảnh hưởng đến việc phát triển thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên.
Chủ tịch Hội chăn nuôi và kinh doanh gà Ðông Tảo Lê Quang Thắng cho biết, Hội chăn nuôi và kinh doanh gà Ðông Tảo tuy mới thành lập và đang trong quá trình xây dựng nhãn hiệu tập thể nhưng đã có sự can thiệp của một số người về nhân sự và hoạt động của Hội... Nhãn hiệu tập thể nông sản có đặc thù là sở hữu chung của một tập thể những hộ nông dân cá thể, nhưng sự gắn kết, ràng buộc còn lỏng lẻo; trong khi đó việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu, có quy chế hoạt động, quy trình chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... rất nghiêm ngặt, cho nên việc giữ và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu rất khó khăn. Do vậy chúng tôi mong trong quá trình xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu không bị "gò, ép" mà là sự tham gia tự nguyện, tự giác của người chăn nuôi gà Ðông Tảo.
Ðể nhãn hiệu, thương hiệu nông sản phát triển bền vững, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên Ngô Xuân Thái cho rằng, hiện phần lớn nông dân chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ đến việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản mà coi đây là việc nhà nước phải làm. Việc quản lý nhà nước về nhãn hiệu hàng hóa, nhất là nhãn hiệu tập thể của nông sản chưa chặt chẽ, còn buông lỏng dẫn đến việc lạm dụng, làm nhái, làm giả, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu... Từ thực tiễn này, tỉnh Hưng Yên đã triển khai các giải pháp: Ðẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông sản; quảng bá vai trò, tác dụng của sở hữu trí tuệ với việc phát triển đặc sản của nông dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, nhãn mác, thương hiệu. Hỗ trợ kinh phí nhiều hơn nữa cho các hội đang sở hữu những nhãn hiệu tập thể của nông sản, đặc sản để duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng các kênh tiêu thụ. Tiếp tục khảo sát, đánh giá khả năng phát triển nhãn hiệu, hoặc chỉ dẫn địa lý của một số đặc sản để xây dựng dự án phát triển phù hợp. Xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến cách thức quản lý trang trại, kỹ thuật nuôi trồng an toàn và chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn Global Gap hoặc sản phẩm hữu cơ. Xây dựng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong trang trại, liên kết cách nhận biết sản phẩm trong chuỗi cung ứng sản phẩm, tham gia chương trình chứng nhận theo tiêu chuẩn truy xuất sản phẩm. Thực hiện thủ tục đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu thương mại sản phẩm trong nước và quốc tế để tránh bị làm nhái, bị mất thương hiệu. Quảng cáo và thông tin minh bạch, đầy đủ về sản phẩm, về nhà sản xuất, về nhận biết sản phẩm cùng với những cam kết hoặc kết quả chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đã đạt được... Bằng các giải pháp đồng bộ, tỉnh Hưng Yên đang cố gắng phát huy thế mạnh các loại loại nông, đặc sản có thương hiệu, tiếp tục xây dựng thành công thương hiệu cho nhiều loại nông sản, cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị cao
Theo dunghangviet.vn