[Baohothuonghieu.com] - Ông Zhenkun Fu, Luật sư Thành viên cấp cao về nhãn hiệu và tranh chấp tại Công ty Luật Stone & Partners, bàn luận các thách thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong sự phát triển của thương mại điện tử.
Ngày nay sự phát triển nhanh chóng của mạng Internet đã góp phần thúc đẩy sự thành công của ngành thương mại điện tử. Ngày càng có nhiều các hoạt động thương mại bị thay thế dần bởi các giao dịch online. Với sự phát triển của thương mại điện tử, sự sáng tạo và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (IP) ngày càng đa dạng và phức tạp hơn so với các giao dịch truyền thống.
Các hình thức xâm phạm sở hữu trí tuệ trong không gian mạng
1.1. Xâm phạm về nhãn hiệu
1.1.1. Đăng ký các nhãn hiệu của người khác làm tên miền
Đăng ký nhãn hiệu của người khác làm tên miền là một trong những hình thức xâm phạm sở hữu trí tuệ trong không gian mạng. Không giống như nhãn hiệu tồn tại liên quan đến các hàng hóa và dịch vụ ở các quốc gia khác nhau, một tên miền dưới dạng .com chỉ có thể được sở hữu bởi 1 chủ sở hữu trên toàn thế giới.
Có hai tình huống liên quan đến đăng ký tên miền. Một là hiện tượng Cybersquatting, là hiện tượng bên xâm phạm đăng ký các nhãn hiệu hoặc thương hiệu thuộc về người khác, đặc biệt những nhãn hiệu hoặc thương hiệu nổi tiếng trước đó, nhằm mục đích bán lại hoặc cho thuê lại chúng để kiếm lời, hoặc để chủ sở hữu phải chuộc lại với mức giá cao; trường hợp thứ hai là sự đối lập trong lợi ích giữa bên đăng ký tên miền và người sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, trong trường hợp này bên đăng ký tên miền không lấy trộm tên miền với ý định xấu, nhưng sự độc nhất của các tên miền và quy tắc “người đến trước được phục vụ” chắc chắn sẽ gây ra xung đột về lợi ích với những người nắm giữ quyền IP.
1.1.2. Xâm phạm nhãn hiệu qua các link mạng
Đường link phù hợp rất quan trọng trên Internet bởi công nghệ tạo link là nền tảng của Internet. Tuy nhiên, bất kỳ ai sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký của người khác hoặc sử dụng các nhãn hiệu nổi tiếng để tạo link liên kết tới trang mạng cá nhân, hoặc khai thác các deep links (liên kết sâu), hoặc sử dụng công nghê khung về đường link để không phải thông qua trang chủ của website được liên kết nhằm tạo ra sự xâm phạm về nhãn hiệu với dấu hiệu không trung thực nhằm kiếm lời từ nhãn hiệu của người khác.
1.1.3. Xâm phạm nhãn hiệu qua công cụ tìm kiếm
Khi người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm kiếm một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nào khác, bên xâm phạm trang mạng sẽ xuất hiện đầu tiên. Việc sử dụng nhãn hiệu như một keyword khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu rõ ràng sẽ cấu thành sự xâm phạm quyền nhãn hiệu của người khác.
1.1.4. Xâm phạm nhãn hiệu trong thương mại điện tử
Trong thương mại điện tử, có những hành vi buôn bán hàng giả hoặc sử dụng từ ngữ và/hoặc hình ảnh trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu khác trong hoạt động quảng cáo - điều sẽ cấu thành sự xâm phạm về nhãn hiệu.
1.2. Xâm phạm về bản quyền
1.2.1. Tái xuất bản một tác phẩm khi chưa được sự đồng ý.
Trừ trường hợp pháp luật quy định khác, bất kỳ hành động tái xuất bản một tác phẩm khi chưa được sự đồng ý của tác giả đều cấu thành sự xâm phạm. Một số hành vi tái xuất bản có khả năng xâm phạm đến quyền về tính toàn vẹn, sự phỏng theo và nguồn gốc của tác phẩm.
1.2.2. Hành vi ăn cắp trên mạng Internet
Các bên xâm phạm sao chép, xem xét hoặc sửa đổi bất kỳ các tác phẩm nào của người khác trên Internet, bao gồm các tác phẩm và tài liệu nghe – nhìn mà chưa được sự đồng ý của tác giả, sau đó xuất bản chúng như thuộc sở hữu của mình.
1.2.3. Internet downloading
Hành vi này liên quan đến việc tải các văn bản, hình ảnh, video, phần mềm online ,…đã đăng ký bản quyền trước đó để kiếm lời cho bản thân.
1.3. Xâm phạm về sáng chế
- Bên xâm phạm ghi số của sáng chế lên sản phẩm anh ta tạo ra hoặc bán, hoặc trên bao bì các sản phẩm mà chưa được sự đồng ý của người sở hữu sáng chế
- Bên xâm phạm sử dụng số của sáng chế trong các quảng cáo hoặc các tài liệu công bố khác mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế, gây ra sự hiểu lầm cho công chúng về việc các công nghệ được cấp sáng chế của người khác.
- Bên xâm phạm sử dụng số của bằng sáng chế tại các hợp đồng mà chưa có sự đồng ý của người sở hữu sáng chế, gây ra sự hiểu lầm cho công chúng về việc các công nghệ được cấp sáng chế của người khác.
- Bên xâm phạm giả mạo hoặc thay thế bằng sáng chế, tài liệu hoặc đơn đăng ký sáng chế của người khác.
1.4. Các xâm phạm khác về quyền IP
Ngoài những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong không gian mạng được đề cập ở trên, có những xâm phạm về giao dịch bảo mật hoặc cạnh tranh không lành mạnh trên Internet.
2. Chế tài xử lý đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong không gian mạng.
2.1. Gửi thư của Luật sư
Đối với các hành vi xâm phạm nhỏ trên không gian mạng, hoặc để sửa bằng chứng và khẳng định quyền của mình thì biện pháp giải quyết tranh chấp là một trong các lựa chọn đầu tiên.
Khi phát hiện ra hành vi xâm phạm, chủ sở hữu có thể gửi thư từ luật sư của mình cho bên vi phạm hoặc bên khác có liên quan.
Việc gửi thư từ Luật sư này trong một phạm vi nhất định có thể chấm dứt hành vi vi phạm và hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên một số bên vi phạm thường phớt lờ thư của Luật sư hoặc từ chối trả lời. Tuy nhiên dù thê nào thì việc gửi thư Luật sư cũng sẽ có ích theo một cách nào đó, đặc biệt trong quá trình giải quyết tranh chấp thuộc một số trường hợp. Sau khi nhận được thư của Luật sư, bên vi phạm thường sẽ dừng hành vi vi phạm cho dù anh ta có thể không trả lời thư đó. Nếu bên vi phạm không chấm dứt hành vi vi phạm thì lá thư này cũng có thể được sử dụng làm bằng chứng cho sự không thiên chí của bên vi phạm và tăng mức phạt cho các hành vi pháp lý sau đó.
2.2. Nộp đơn khiếu nại đến trang thương mại điện tử
Rất nhiều các vụ vi phạm về IP diễn ra trên nền tảng thương mại điện tử và/hoặc trên nền tảng của bên thứ ba. Kể từ khi phát hiện hành vi vi phạm, chủ sở hữu hợp pháp có thể làm đơn khiếu nại đến trang thương mại điện tử đó. Theo Luật thương mại điện tử và Luật nhãn hiệu của Trung Quốc, đơn vị thương mại điện tử có trách nhiệm xóa hoặc block các link vi phạm sau khi xác định hành vi vi phạm trên là đúng.
2.3. Làm đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng
Chủ sở hữu hợp pháp có thể làm đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng có thẩm quyền thông qua Luật sư tại Trung Quốc hoặc Luật sư về mảng IP. Sau đó cơ quan chức năng có thể tiến hành khám xét hiện trường tại nơi ở, kho hàng và/hoặc nhà máy của bên vi phạm, và xử phạt hành chính để bên đó dừng hành vi vi phạm và/hoặc phạt tiền.
2.4. Áp dụng chế tài dân sự
Trong trường hợp biện pháp gửi thư Luật sư và đơn khiếu nại không hiệu quả, hoặc trong trường hợp có sự vi phạm nghiêm trọng, chủ sở hữu hợp pháp có thể áp dụng chế tài dân sự để chấm dứt hành vi vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Chủ sở hữu hợp pháp có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại dựa trên những tổn thất hoặc lợi nhuận bên vi phạm đã kiếm được từ việc vi phạm hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tại Trung Quốc, mức thiệt hại bồi thường tối đa là 5 triệu CNY (tương đương 714.000 USD) đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Đối với hành vi xâm phạm không trung thực, mức phạt thiệt hại sẽ được áp dụng khi mức thiệt hại gấp từ 2 đến 5 lần lợi nhuận bên vi phạm đã đạt được.
Ngày nay, Trung Quốc đã dần cải thiện hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ và dần siết chặt hơn các luật và quy định có liên quan, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài và khiến nơi đây trở thành điểm thu hút các hoạt động sáng tạo toàn cầu. Theo Tạp chí US Foreign Policy từng đăng một bài báo với tiêu đề Ghi nhận của Trung Quốc về Quyền sở hữu trí tuệ đang tốt lên tháng 10/2019. Cơ chế về quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc cũng đã có những thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ trở lại đây; Trung Quốc cũng dẫn đầu thế giới về chất lượng bằng sáng chế, giảm thiểu thiệt hại tối đa trong các vụ việc vi phạm.
Tham khảo dịch vụ của chúng tôi >> Xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ