Xác định số tiền thu lợi do vi phạm hành chính từ hoạt động sở hữu trí tuệ
Xác định số tiền thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động sở hữu trí tuệ.
Theo quy định tại Thông tư số 37/2011/TT- BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ:
Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì việc xác định số tiền thu lợi bất hợp pháp được quy định như sau:
1. Số tiền thu lợi bất hợp pháp là số tiền mà tổ chức, cá nhân thu được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp mà có.
Số tiền thu lợi bất hợp pháp để thu về ngân sách nhà nước được xác định theo công thức sau:
Số tiền thu lợi bất hợp pháp = Số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ vi phạm đã tiêu thụ x Lợi nhuận.
- Số lượng hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ = Số lượng hàng hóa vi phạm ghi trên chứng từ, tài liệu quy định tại điểm a khoản 2 Điều này - Số lượng hàng hóa vi phạm chưa được tiêu thụ phát hiện được tại thời điểm thanh tra, kiểm tra.
Khối lượng dịch vụ vi phạm đã cung cấp được xác định tương tự như công thức xác định số lượng hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ nêu trên.
- Lợi nhuận = Giá hàng hóa, dịch vụ bán ra - Giá thành hoặc giá nhập hàng.
2. Căn cứ xác định số tiền thu lợi bất hợp pháp
a) Số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ vi phạm được xác định căn cứ vào một trong các chứng từ, tài liệu như: sổ sách kế toán; bảng kê khai nộp thuế; hợp đồng mua bán; hóa đơn tài chính; hóa đơn bán hàng; sổ sách theo dõi bán hàng; sổ theo dõi nhập kho, xuất kho; hồ sơ nhập khẩu (nếu là hàng nhập khẩu) hoặc các tài liệu có giá trị pháp lý khác.
b) Giá thành, giá nhập hàng, giá hàng hóa, dịch vụ bán ra:
(i) Giá thành được tính dựa trên sổ sách kế toán, sổ sách theo dõi, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý khác của cơ sở sản xuất.
(ii) Giá nhập hàng được tính dựa trên hợp đồng, hóa đơn mua bán hàng, tờ khai nhập khẩu hàng hóa, giấy tờ khai báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc các giấy tờ khác có liên quan.
(iii) Giá hàng hóa, dịch vụ bán ra: được tính dựa trên giá niêm yết, giá ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ, giá ghi trên hóa đơn bán hàng, giấy tờ khai báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc các tài liệu có giá trị pháp lý khác có liên quan.
c) Trường hợp không có thông tin về số lượng, giá cả trên chứng từ, tài liệu hoặc không có các chứng từ, tài liệu nêu tại điểm a, b khoản 2 Điều này thì số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ vi phạm, giá thành, giá nhập hàng, giá hàng hóa, dịch vụ bán ra có thể được xác định căn cứ vào bản tường trình, cam kết của đối tượng vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định tại các khoản 2, 3, 6 Điều 28 Nghị định 97/2010/NĐ-CP.