VFF không nhượng quyền thương mại cho AVG

VFF không nhượng quyền thương mại cho AVG

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Bá Bình - Giảng viên ĐH Luật Hà Nội. Ông Bình hiện đang là nghiên cứu sinh về Luật và nhượng quyền thương mại tại ĐH New South Wales (Sydney, Australia).

Ông đánh giá thế nào về hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam?





Ông Nguyễn Bá Bình.
Ông Nguyễn Bá Bình.

Nhượng quyền thương mại (Franchising) được coi là cách thức tổ chức kinh doanh đã tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực phân phối hàng hóa và dịch vụ trong hầu khắp các ngành và làm thay đổi tình hình kinh tế của hầu hết quốc gia có sự hiện diện của cách thức phân phối này. Nhượng quyền thương mại được cho là xuất hiện đầu tiên ở Mỹ vào năm 1850 nhưng chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam những năm gần đây. Các hệ thống nhượng quyền đồ ăn nhanh nước ngoài như Jollibee, Lotteria và KFC là những nhà nhượng quyền tiên phong ở Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng hấp thu mô hình nhượng quyền và chỉ sau vài năm kể từ khi xuất hiện nhượng quyền thương mại ở Việt Nam đã xuất hiện các nhà nhượng quyền trong nước như Cà phê Trung Nguyên hay Phở 24.

Với chưa đầy hai thập niên tồn tại và phát triển ở Việt Nam, theo khảo sát của chúng tôi thì ở Việt Nam hiện có khoảng gần 100 hệ thống nhượng quyền, số lượng cửa hàng trên từng hệ thống vẫn còn ít và đa phần là thuộc sở hữu của chính nhà nhượng quyền, chứ không phải là cửa hàng được nhượng cho người khác. Dù quy mô hoạt động nhượng quyền ở Việt Nam còn rất nhỏ nếu so với các quốc gia khác như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Malaysia, thì Việt Nam vẫn là một thị trường đầy hứa hẹn đối với hoạt động nhượng quyền. Bản thân sự non trẻ của nhượng quyền ở Việt Nam cũng đã tiềm ẩn sự hứa hẹn Việt Nam là một thị trường chưa được khai phá.

Xin ông cho biết một vài nhận định đối với khung pháp luật Việt Nam về hoạt động nhượng quyền thương mại?

Trước hết cần thấy rằng pháp luật riêng về nhượng quyền thương mại, quy định nhượng quyền thương mại theo đúng bản chất của nó, ghi nhận nó như một hoạt động thương mại riêng biệt chỉ có từ khi chúng ta ban hành Luật Thương mại 2005, trong đó hoạt động nhượng quyền được quy định rõ tại mục 8 chương VI. Sau đó tiếp tục được cụ thể hoá tại Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại, Thông tư 09/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại và Quyết định 106/2008/QĐ-BTC của Bộ Tài chính quy định về mức phí đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

Trước năm 2006, nhượng quyền thương mại ở Việt Nam bị coi như một dạng hoạt động chuyển giao công nghệ và bị điều chỉnh bởi các quy định pháp luật phức tạp, không phù hợp và chồng chéo về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cũng như các quy định chung về hợp đồng.

Sự ra đời của pháp luật nhượng quyền thương mại Việt Nam vào năm 2005 thực sự là bước ngoặt, giúp hỗ trợ sự phát triển của nhượng quyền thương mại. Từ năm 1995 tới năm 2006 chỉ có 23 hệ thống nhượng quyền hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay (5 năm), số lượng hệ thống nhượng quyền thương mại, cả hệ thống nội địa và nước ngoài, đã tăng lên 96, gấp hơn 4 lần so với tổng số hệ thống được hình thành trong 10 năm trước đó.

Về cơ bản, pháp luật về nhượng quyền của Việt Nam là phù hợp với pháp luật các nước, tôi cho rằng điểm yếu lớn nhất của pháp luật nhượng quyền Việt Nam cũng giống như nhiều mảng pháp luật khác của Việt Nam đó chính là vấn đề thực thi. Chẳng hạn, dù pháp luật nhượng quyền quy định về vấn đề đăng ký hoạt động nhượng quyền và công bố vấn đề này nhằm hỗ trợ cho việc thu thập dữ liệu về các hệ thống nhượng quyền, nhưng thực tế thì số liệu được công khai của cơ quan nhà nước phụ trách lĩnh vực này lại rất nghèo nàn và lạc hậu. Hay pháp luật nhượng quyền cũng khó lòng khả thi, thực sự là chỗ dựa vững chắc cho các bên nhượng quyền và nhận quyền nếu như vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không được thực hiện nghiêm minh. Tương tự thế là sự phụ thuộc vào chất lượng hoạt động xét xử của toà án cũng như việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng có liên quan khi có vi phạm, tranh chấp về nhượng quyền thương mại.

Gần đây, trên Báo Tuổi trẻ có đăng ý kiến của Luật sư Trương Xuân Tám cho rằng hoạt động chuyển nhượng thương quyền truyền hình bóng đá giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty truyền thông An Viên (AVG) là hợp đồng nhượng quyền thương mại được quy định tại Điều 248 Luật Thương mại. Ông có đồng tình với nhận định đó không?

Tôi có đọc bài viết liên quan vấn đề bạn hỏi trên Báo Tuổi trẻ số ra ngày 17/1/2012. Trước hết, tôi nghĩ có sự nhầm lẫn về điều luật. Có thể ý của Luật sư Tám muốn dẫn Điều 284 Luật Thương mại 2005, bởi đó mới là điều luật định nghĩa về nhượng quyền thương mại, còn Điều 248 Luật thương mại 2005 là về những hành vi bị cấm trong quá cảnh.

Về vấn đề hợp đồng giữa VFF và AVG có phải là hợp đồng nhượng quyền thương mại không thì thực tế tôi chưa hề được tiếp cận toàn bộ hồ sơ vụ việc. Tuy nhiên, theo các thông tin trên báo chí thời gian gần đây và cụ thể là theo ý kiến trả lời của luật sư Tám thì tôi hiểu rằng đối tượng của hợp đồng được ký giữa VFF và AVG là “thương quyền” các giải bóng đá và “thương quyền” các giải bóng đá được giải thích là “tất cả các quyền ghi âm, ghi hình, sản xuất và sở hữu các bản ghi âm, ghi hình, quyền công bố, phát sóng, khai thác doanh thu dưới mọi hình thức và trên mọi phương tiện như báo hình, Internet, báo in,…” của các giải bóng đá và các sự kiện và thông tin bên lề. Nếu thông tin trên đúng như vậy thì chiếu theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, hợp đồng này không thể coi là hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Theo Điều 284 Luật Thương mại 2005 thì đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại là quyền của bên nhận quyền tự mình tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hoá hoặc dịch vụ theo một hệ thống do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền. Nói đơn giản hơn, việc nhượng quyền thương mại được đề cập tới ở pháp luật Việt Nam hiện hành phải là việc nhượng quyền sử dụng hệ thống (công thức hay mô hình) kinh doanh nào đó của bên nhượng quyền và gắn với nhãn hiệu, tên thương mại của bên nhượng quyền.

Nói vậy để thấy rằng, nếu như hợp đồng giữa VFF và AVG chỉ đơn thuần là hợp đồng chuyển nhượng các quyền ghi âm, ghi hình, sản xuất và sở hữu các bản ghi âm, ghi hình, quyền công bố, phát sóng, khai thác doanh thu dưới mọi hình thức và trên mọi phương tiện như báo hình, Internet, báo in,…” của các giải bóng đá như luật sư Tám dẫn giải và báo chí đã nêu thì rõ ràng hợp đồng này không liên quan và không thể coi là hợp đồng nhượng quyền thương mại. Bởi ở đây VFF không kiến tạo và chuyển giao một hệ thống (mô hình, công thức) kinh doanh nào có gắn với việc sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại của VFF cho AVG cả.

Xin cảm ơn ông! Chúc ông và gia đình năm mới an khang, hạnh phúc!

Theo Sơn Đàm

GDVN/ Bee

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan

Nhượng quyền thời hội nhập

Năm 2015 khép lại với nhiều sự kiện kinh tế quan trọng, có tính bước ngoặt. Những dịch chuyển trong quan hệ kinh tế toàn

Dự án nhà sáng chế nhân tạo

SBLAW giới thiệu bài viết  ngài Ryan Abbott, MD, JD, MTOM, Giáo sư Khoa Luật và Khoa học sức khỏe trường Đại học Surrey, Vương quốc

Tờ khai nhiếu nại nhãn hiệu

SBLAW cung cấp: Tờ khai nhiếu nại nhãn hiệu Bảo hộ thương hiệu trên 60 quốc gia (SB Law) đại diện sở hữu công nghiệp