Luật sư của SBLAW đã đưa ra nhận định pháp lý trong bài báo Tranh chấp bản quyền giữa Sky Music và Trung tâm Tác quyền Âm nhạc Việt Nam có dấu hiệu hình sự? đăng trên báo An ninh thủ đô Điện tử.
ANTD.VN -Những ngày qua, thông tin về việc Trung tâm Tác quyền Âm nhạc Việt Nam (VCPMP) tuyên bố sẽ khởi kiện Sky Music về vi phạm bản quyền khiến dư luận xôn xao. Nhiều người đặt câu hỏi, nếu hành vi vi phạm là có thật, pháp nhân vi phạm có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Có hay không hành vi xâm phạm quyền tác giả?
Liên quan đến vụ việc trên, phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Duy Khương – Giám đốc Công ty Luật SBLAW cho rằng, với trường hợp của Sky Music, do là bản ghi âm, ghi hình nên chúng phải gắn liền với các tác phẩm âm nhạc.
Để Sky Music được sử dụng bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động kinh doanh của mình, họ phải đạt được thỏa thuận về chuyển nhượng hoặc chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại các Điều từ Điều 45-48 của Luật SHTT.
Tuy nhiên, trước khi đi vào các thỏa thuận cụ thể, cần phải loại trừ được trường hợp người biểu diễn hoặc tổ chức ghi âm, ghi hình được phép sử dụng tác phẩm âm nhạc không cần phải xin phép, không cần phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc – Luật sư Phạm Duy Khương nhấn mạnh.
Luật sư Phạm Duy Khương - Giám đốc Công ty Luật SBLAW
Do vậy, nếu Sky Music không có chứng cứ chứng minh cho các trường hợp tại Điều 25.e và 25.g của Luật SHTT thì có nghĩa là việc sử dụng tác phẩm để biểu diễn và ghi âm, ghi hình của người biểu diễn, tổ chức ghi âm, ghi hình phải xin phép, phải trả tiền nhuận bút thù lao cho tác giả/chủ sở hữu tác giả.
Hành vi sử dụng tác phẩm mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, không trả thù lao, nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị coi là xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 28.8 của Luật SHTT.
Cũng theo Luật sư Phạm Duy Khương, giả sử chủ sở hữu quyền tác giả đã chuyển nhượng quyền sở hữu tác phẩm cho người biểu diễn hoặc tổ chức ghi âm, ghi hình vàcSky Music thì Sky Music được phép sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình của tác phẩm âm nhạc mà không cần phải quan tâm đến quyền của chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc.
Khi đó, Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan phải được xuất trình để chứng minh cho thỏa thuận hợp pháp của các bên có liên quan bởi vì theo quy định tại Điều 46 của Luật SHTT thì Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan phải được lập thành văn bản.
Chỉ bị xử lý hình sự khi đáp ứng các điều kiện theo quy định
Điều 225 BLHS 2015 sửa đổi về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định, có 2 hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể bị xử lý hình sự bao gồm hành vi “Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình” và hành vi “phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình” – Luật sư Phạm Duy Khương nhận định.
Tuy nhiên, các hành vi nêu trên chỉ có thể bị xử lý hình sự khi đáp ứng một trong các điều kiện về định lượng: Hành vi được thực hiện với quy mô thương mại; hoặc thu lời bất chính từ 50-dưới 300 triêu đồng; hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100- dưới 500 triệu đồng; hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100-dưới 500 triệu đồng…
“Nếu vụ việc trên được xử lý hình sự thì đây có thể sẽ là trường hợp đầu tiên mà một pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự theo quy định của BLHS 2015 sửa đổi” – Luật sư Phạm Duy Khương nói.
VCPMC là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và đã thực hiện hoạt động thu phí sử dụng bản quyền tác phẩm âm nhạc trong một thời gian dài với mức phí được quy định và công bố rõ ràng qua các thời kỳ. Do đó, chỉ cần xác định được số lượng tác phẩm bị xâm phạm và số lượng tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả bị xâm phạm thì có thể dễ dàng tính toán được thiệt hại mà tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả bị thiệt hại.
Luật sư Phạm Duy Khương còn phân tích thêm, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tranh chấp giữa VCPMC và Sky Music. Được biết, Sky Music cũng đã gửi đơn kiến nghị đến Cục quản lý cạnh tranh để yêu cầu xử lý VCPMC về hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, do VCPMC là một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và được thành lập theo đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ nên việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải thanh toán tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc cho các tác giả đã ủy quyền cho VCPMC chỉ là một chức năng của VCPMC nên khó có thể coi VCPMC đang thực hiện hoạt động kinh doanh “phân phối tác phẩm âm nhạc” được.