Các doanh nghiệp Việt hiện đang có xu hướng Tây hoá tên - thương hiệu sản phẩm nhằm đáp ứng tâm lý "sính ngoại" của người tiêu dùng Việt.
Thương hiệu thuần Việt ngắc ngoải?
Chị Nguyễn Lan Hương (ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) kể: "Mới đây đi chợ, tôi thấy tiệm tạp hóa trưng bày kem đánh răng Dạ Lan. Loại kem này, trước đây, nhà tôi dùng thường xuyên. Thế mà, lâu lắm rồi bây giờ mới gặp lại. Dạ Lan "mất tích" cũng hơn chục năm rồi".
Thói quen chung thủy với những hãng sản phẩm thuần Việt từ lâu, chị Ngọc Minh (ở Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) ấn tượng với xà bông Cô Ba. Theo chị Minh, xà bông này đã lưu lại hương thơm trên quần áo rất lâu. Chị cũng thích dầu bôi Cù là hiệu con Cọp nhưng tìm mãi không thấy đâu.
PV Người đưa tin đã tiến hành khảo sát tại một số cửa hàng tạp hóa, siêu thị nhưng không tìm thấy bóng dáng của xà bông Cô Ba, dầu gội Mỹ Hảo, kem đánh răng Dạ Lan, hay dầu Nhị Thiên Đường, dầu Cù là con Cọp... Tìm rất lâu, ở những cửa hàng cũ kỹ, thi thoảng mới thấy một sản phẩm xuất hiện. Vì sao lại như vậy?
Sản phẩm khăn giấy Oreca của công ty CP Huy Phong
Qua tìm hiểu, PV được biết: Công ty TNHH hoá mỹ phẩm Sơn Hải sở hữu thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan trước đây đã hợp tác với Tập đoàn Colgate-Palmolive (Mỹ) để thành lập liên doanh Colgate-Palmolive Sơn Hải. Thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan được chuyển nhượng cho liên doanh với mong muốn thương hiệu này sẽ phát triển mạnh hơn với tên Colgate. Vì liên doanh chủ trương không phát triển thương hiệu ở nội địa nên kem đánh răng Dạ Lan dần dần đã vắng bóng trên thị trường.
Nhưng khi thương hiệu Dạ Lan xuất hiện trở lại, nhiều người tiêu dùng vẫn đón nhận nhiệt tình, dù rất "sốc" vì sự "mất tích" trước đó của nó. Chị Lan Hương là người yêu thích loại kem đánh răng Dạ Lan, tâm sự: "Trong bối cảnh hàng tiêu dùng tràn ngập thị trường, sự xuất hiện trở lại của Dạ Lan đúng là gây "sốc" với cá nhân tôi. Tôi hy vọng, lần xuất hiện trở lại này, Dạ Lan sẽ không "mất tích" nữa".
Bóc mẽ "chiêu trò" Tây hóa thương hiệu
Trao đổi với ông Huy Phong - Giám đốc công ty Cổ phần Huy Phong (Hà Nội) về vấn đề trên, chúng tôi được biết, việc đặt tên, đổi tên cho sản phẩm của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố tâm lý "sính" ngoại của người tiêu dùng được đặt lên hàng đầu.
Sản phẩm khăn ướt care của công ty Diana (KCN Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam)
Cụ thể, doanh nghiệp của ông Phong phải đặt ba cái tên Tây hóa cho một sản phẩm giấy, nhưng phục vụ mục đích khác nhau (giấy vệ sinh, giấy dùng cho bữa ăn, giấy ướt...), đó là Napkin, Oreca và Kent… Nhiều người cho rằng, sản phẩm được sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam gắn tên Tây chẳng khác nào vọng ngoại.
Ông Huy lý giải: Sản phẩm tên thuần Việt gắn với lịch sử ra đời và phát triển của nó như cà phê Trung Nguyên, chè khô Thái Nguyên là hoàn toàn hợp lý. Các sản phẩm phải nhập nguyên liệu để sản xuất thì tên gì cũng được. Trên thực tế, người Việt Nam chưa có thói quen sử dụng giấy ăn cao cấp, nên gắn những cái tên Tây vào, sản phẩm còn là thông điệp hướng người tiêu dùng tới một thói quen lịch sự và đẳng cấp hơn.
Giám đốc Trung Thành, công ty Tư vấn thiết kế (Giảng Võ, Hà Nội) cho biết: Tuỳ theo mặt hàng kinh doanh mà doanh nghiệp đặt tên thuần Việt hay Tây hoá. Có sản phẩm đặt tên Tây hoá bị tẩy chay, nhưng có sản phẩm thì ngược lại được người tiêu dùng hào hứng đón nhận. Những sản phẩm mang tính đại chúng, thu hút người nước ngoài nhiều, bao giờ tên cũng được Tây hoá.
Điều này lý giải tại sao các công ty hoàn toàn thuần Việt hoạt động trong lĩnh vực thời trang lại có xu hướng gắn những cái tên ngoại cho thương hiệu sản phẩm của mình như: Poci, Anlcado, Lariss...
Việc vọng ngoại tràn lan còn được họa sỹ Nguyễn Thế Sơn phản ánh trong hàng loạt những tác phẩm dựa trên thực tế về văn hóa quảng cáo của người Việt như viết biển quảng cáo bằng tiếng Anh "khủng bố" che khuất chữ tiếng Việt.
Trong số đó chiếm phần lớn là những quảng cáo thiên về làm đẹp, thời trang nhằm mục đích tân trang bộ mặt con người Việt Nam hiện đại, nhưng lại dùng hình ảnh cô gái nước ngoài để làm đại diện.
Chị Ngọc Anh (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: Là người tiêu dùng, tôi không quan trọng lắm cái tên sản phẩm thuần Việt hay Tây hoá. Tôi quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Tôi có thói quen mua quần áo của các hãng Việt Nam chất lượng cao như Hoàng Tấn, dệt kim Đông Xuân, len Mùa đông. Cũng theo chị Ngọc Anh thì thương hiệu Việt bây giờ cũng bị Tây hóa ít nhiều. Mới nghe cái tên kêu kêu thấy cũng hay hay, nhưng nghe nhiều quá thì thấy nhàm.
Theo tôi nghĩ, với đại bộ phận người tiêu dùng Việt Nam, tên sản phẩm thuần Việt hay Tây hoá không thành vấn đề, muốn hút khách mua sản phẩm thì phải đảm bảo chất lượng, giá thành hợp túi tiền.
Tên Tây để cho... sang?
|
Linh Nhi nguoiduatin.vn