Tính thương mại của quyền sở hữu công nghiệp

[Baohothuonghieu.com] Ở Việt Nam hiện nay, các quy định cơ bản về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung và quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) nói riêng được quy định ở Bộ luật Dân sự (1995). Do đó, quyền SHCN thường được biết đến dưới góc độ dân sự. Trong khi đó, theo cách hiểu của pháp luật các nước và pháp luật quốc tế, quyền SHTT nói chung và quyền SHCN nói riêng ngoài khía cạnh dân sự, còn có tính thương mại. Quyền SHCN thể hiện những đặc tính thương mại sau đây:

Thứ nhất, các đối tượng SHCN là một trong những yếu tố cấu thành hàng hoá, dịch vụ.

Thứ hai, các đối tượng SHCN được ứng dụng trong hoạt động kinh tế - thương mại.

Bằng phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích khi người chủ được sở hữu, họ sẽ đầu tư để biến nó thành một sản phẩm hoặc một quy trình có khả năng ứng dụng trong công nghiệp đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực may mặc (thời trang), chế tạo xe máy, ô tô, hàng điện tử, …. Nhãn hiệu hàng hoá là công cụ cho phép phân biệt một sản phẩm với các sản phẩm tương tự khác. Chỉ dẫn địa lý của sản phẩm cũng đương nhiên mang mục đích thương mại.

Nó tạo ra niềm tin ở người tiêu dùng, đồng thời giúp cho nhà sản xuất phát huy tốt hơn thế mạnh của mình trên thị trường trong nước và quốc tế. Chẳng hạn, người tiêu dùng Châu Âu có một thói quen văn hoá về sử dụng sản phẩm có tên gọi xuất xứ hoặc chỉ dẫn địa lý. Một sản phẩm mang tên địa lý khác với sản phẩm thông thường sẽ được người tiêu dùng sẵn sàng trả giá đắt hơn. Chỉ dẫn địa lý được đặc biệt quan tâm trong các ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp, nhất là các ngành sản xuất ruợu vang và đồ uống có cồn. Giống cây trồng mới được ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp. Mạch tích hợp và thiết kế bố trí mạch tích hợp là cốt lõi của ngành công nghiệp vi điện tử.

Thứ ba, các đối tượng SHCN là một yếu tố thể hiện lợi thế cạnh tranh trong thương mại.

Những cải tạo ra khả năng cạnh tranh của sản phẩm chính là các đối tượng SHCN. Các đối tượng SHCN là công cụ cho phép chủ sở hữu đầu tư nỗ lực để tạo nên và duy trì một lợi thế cạnh tranh, mà một phần dựa trên khả năng sử dụng, cũng như khả năng ngăn cản người khác sử dụng các đối tượng SHCN của mình. Lợi thế cạnh tranh ngày nay không còn nằm chủ yếu ở tài nguyên thiên nhiên hoặc lao động rẻ, mà nghiêng về tiềm lực tri thức và công nghệ, được chứa đựng chủ yếu trong các đối tượng SHCN.

Thứ tư, các đối tượng SHCN là một loại tài sản là "hàng hoá đặc biệt".

Trên thực tế, ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triền, giá trị của một ngành kinh doanh ngày càng ít nằm trong các tài sản vật chất hay tài chính thể hiện trên bản quyết toán, mà nằm trong tài sản vô hình, như: quyền SHTT, giấy phép đại lý, chương trình nghiên cứu… Trong danh sách 100 thương hiệu mạnh nhất thế giới năm 2002 do Tuần báo Buiness Week (Hoa Kỳ) công bố, nhãn hiệu Coca - Cola được định giá tới 69,6 tỷ USD, Microsoft 64 tỷ USD, IBM 51,1 tỷ USD, GE 41,3 tỷ USD, Intel 30,8 tỷ USD, Nokia 29,9 tỷ USD. Còn đối với một số sản phẩm có tên tuổi của Việt Nam, như nhãn hiệu kem đánh răng P/S được chuyển nhượng với giá 7,5 triệu USD (có tài liệu công bố là 8,5 triệu USD), kem đánh răng Dạ Lan 2,5 triệu USD.

Với giá trị kinh tế to lớn, các đối tượng SHCN được sử dụng làm vốn góp trong công ty, làm tài sản thế chấp vay vốn, có thể cho thuê, chuyển nhượng quyền sở hữu, hoặc dùng để định giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán,…

Các đối tượng SHCN trở thành "hàng hoá" thông qua các hoạt động chuyển giao quyền SHCN, theo đó chủ sở hữu có khả năng thu lợi bằng cách cho phép người khác khai thác các đối tượng SHCN được bảo hộ.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 của Nhà nước Việt Nam đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm hình thành từng bước vững chắc thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường sức lao động, thị trường khoa học, công nghệ và các loại thị trường khác của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Về SHTT, Chiến lược nhấn mạnh việc thực hiện chính sách bảo hộ thích đáng, coi lao động trí tuệ và sáng tạo là một loại "hàng hoá đặc biệt” trong nền kinh tế thị trường, phải được trả giá tương xứng và phải được bảo hộ thích đáng.

Thứ năm, quyền SHCN có thẻ bị lạm dụng để cản trở thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế.

Quyền SHCN là độc quyền của chủ sở hữu, do đó đây là một ngoại lệ của nguyên tắc tự do kinh doanh. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến nguyên tắc tự do cạnh tranh và tự do hoá thương mại.

Trên thực tế, các chủ thể quyền và các quốc gia có nhiều cách lạm dụng việc bảo hộ quyền SHCN để cản trở thươngmại. Một số đó là vấn đề quyền chống nhập khẩu đối tượng SHTT được bảo hộ, hay còn gọi là quyền chống nhập khẩu song song.

Theo pháp luật của nhiều nước, chủ thể quyền có quyền ngăn cản người thứ ba nhập khẩu sản phẩm được bảo hộ, bất kể hàng nhập khẩu đến từ nguồn nào, hoặc bất kể hàng nhập khẩu có phải do chủ sở hữu đưa ra thị trường hay không. Nghĩa là, pháp luật của nước này quy định cấm nhập khẩu song song, để bảo vệ thế độc quyền của chủ sở hữu đối tượng SHCN. Tuy nhiên, theo quan điểm của một số nước khác, đặc biệt là các nước đang phát triển, thì đây là sự lạm dụng quyền SHCN để cản trở thương mại.

Bên cạnh việc sử dụng quyền chống nhập khẩu song song,các nước còn có nhiều cách khác để lạm dụng quyền SHCN. Một số quốc gia có nền kinh tế phát triển đã đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ sáng chế và nhãn hiệu hàng hoá ở trong nước  cũng như ở nước ngoài chỉ nhằm mục đích “phòng ngừa". Việc làm đó có thể dẫn đến hậu quả làm hạn chế khả năng sáng tạo của các đối thủ cạnh tranh, do đó vi phạm nguyên tắc tự do cạnh tranh.

Như vậy, trong xu thế tự do hoá thương mại và toàn cầu hoá kinh tế, các rào cản về thuế quan sẽ giảm bớt, nhưng thay vào đó sẽ là các rào cản phi thuế quan ngày càng tinh vi, trong đó có rào cản về quyền SHTT.

Tham khảo thêm >> Đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan