SHTT, Giải pháp tránh tổn thất khi tranh chấp xảy ra

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, sở hữu trí tuệ (SHTT) và bảo hộ quyền SHTT là vấn đề quan trọng đối với mỗi quốc gia và giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh. Ông Phạm Phi Anh - Phó Cục trưởng Cục SHTT đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này

- Xin ông cho biết lợi ích của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp?

Tôi cho rằng SHTT đã và đang khẳng định vai trò không thể thiếu trong quá trình phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đặc biệt hoạt động SHTT đã thực sự trở thành nhu cầu ngày càng lớn và cấp bách khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đặc biệt đến việc tạo dựng và khai thác các tài sản trí tuệ theo hướng tăng hàm lượng trí tuệ và giảm dần hàm lượng lao động và nguyên liệu trong mỗi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Có thể đưa ra hàng loạt ví dụ về sức mạnh của doanh nghiệp có được từ tài sản trí tuệ như CocaCola, Microsoft, Yahoo, hay Vinamilk, Trung Nguyên, Kymdan, Kinh Đô...

 

Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp thu hồi được vốn đầu tư để  hoàn thành chu trình sáng tạo (từ đầu tư tạo ra công nghệ đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, khai thác công nghệ, thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận và sau đó tái đầu tư cho hoạt động sáng tạo công nghệ). Và một điều quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp đó là bảo hộ SHTT sẽ tránh cho doanh nghiệp những tranh chấp không cần thiết khi sản phẩm trí tuệ đó trở thành hàng hóa trên thị trường.

- Lợi đã rõ ràng, nhưng tại sao các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quan tâm tới như các doanh nghiệp nước ngoài, thưa ông?

Trên thế giới, đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển họ rất chú trọng đến công tác đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo cũng như bảo hộ những sản phẩm trí tuệ đó. Hầu hết các doanh nghiệp đều có bộ phận quản lý SHTT. Bộ phận này có trách nhiệm phát hiện ra những tài sản trí tuệ nào được bảo hộ, theo dõi bước phát triển của các đối thủ cạnh tranh và nghiên cứu các công nghệ, các tài sản trí tuệ của đối thủ cạnh tranh và đề xuất ra hướng phát triển của doanh nghiệp.

Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa chú trọng nhiều đến SHTT và cũng chưa có bộ phận quản lý SHTT, ngoại trừ một số liên doanh với nước ngoài. Điều này thực sự là một khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, nhà khoa học của Việt Nam chưa theo đến tận cùng của một vấn đề, chưa chú trọng tìm tòi theo đuổi xem sáng chế đó cần tiếp tục cải tiến như thế nào...  do vậy mà số sáng chế của các doanh nghiệp, các nhà khoa học của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn.

- Ông bình luận thế nào về nhận định, lý do của tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay là do những bất cập trong việc thực thi pháp luật?

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là tình trạng phổ biến ở Việt Nam, mà các quốc gia khác trên thế giới cũng như vậy. Thực tế hiện nay, quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam bị xâm phạm ngày càng phức tạp. Hàng giả, hàng nhái, hàng lậu… đang được bày bán công khai ở mọi nơi. Hay sự cố tình vi phạm của một số công ty về quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa hay sản phẩm bán chạy cùng loại... gây khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, các nhà đầu tư nước ngoài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết đó là trình tự, thủ tục xử lý hành vi xâm phạm còn kéo dài, phức tạp, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức cho chủ thể quyền; kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn về SHTT của cán bộ trong các cơ quan bảo vệ quyền SHTT chưa đáp ứng được yêu cầu; một số quy định của pháp luật chưa được hướng dẫn cụ thể nên cơ quan xử lý xâm phạm quyền SHTT gặp khó khăn khi vận dụng; tòa án chưa phát huy được vai trò của mình trong hoạt động xét xử, hiệu quả của công tác xét xử còn thấp, chưa phát huy đúng mức việc áp dụng các chế tài dân sự; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ quyền SHTT còn hạn chế....




Trong tổng số các sáng chế được đăng ký bảo hộ chỉ có khoảng 10% là của các doanh nghiệp Việt Nam


Một điều cũng không kém phần quan trọng đó là các doanh nghiệp cũng chưa nắm chắc các thủ tục để tự bảo vệ mình khi có hành vi xâm phạm quyền SHTT.

- Thưa ông, Việt Nam đã gia nhập WTO và ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ. Vậy từ góc độ chính sách pháp luật, Việt Nam đã thích ứng được với quy định của các tổ chức này?

Hiện nay hệ thống pháp luật SHTT của nước ta tương đối đầy đủ. Các quy định về SHTT phù hợp với các quy định về SHTT của các nước và Hiệp định TRIPS. Hoạt động bảo vệ quyền SHTT ở nước ta được điều chỉnh bởi quy định của một số văn bản pháp luật như: Luật SHTT, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hải quan, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và một số nghị định của Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp để xử lý xâm phạm quyền. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi xâm phạm, chủ thể quyền SHTT có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để xử lý người có hành vi xâm phạm quyền: Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự hoặc các biện pháp hình sự; Thanh tra chuyên ngành (Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân, Công an và Hải quan: áp dụng các biện pháp hành chính; ngoài ra, cơ quan hải quan còn có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất, nhập khẩu xâm phạm quyền SHTT tại biên giới.

Tôi cho rằng, với nhận thức ngày càng được nâng cao, chắc chắn rằng trong một thời gian ngắn nữa hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại thế giới, Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ ngay cả khi các chuẩn mực này được nâng cao hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn DDN

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan