Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội, luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà, Giám đốc khối tư vấn luật SBLAW đã dành cho bản tin Vnews – Thông tấn xã bài trả lời phỏng vấn xoay quay vấn đề nêu trên:
Câu 1: Thưa luật sư, hành vi sản xuất và phân phối sữa giả trong vụ việc này có thể bị xử lý theo những tội danh nào theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành?
Trả lời:
Hành vi sản xuất và phân phối sữa giả trong vụ việc này có thể bị xử lý theo Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.
Như vậy, tùy theo mức độ nghiêm trọng, hậu quả của hành vi buôn bán sữa giả mà đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý theo các mức độ khác nhau. Trong đó, mức hình phạt cao nhất đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm đối với:
– Pháp nhân thương mại: bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
– Cá nhân: tù chung thân.
Câu 2: Trong trường hợp người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm sữa giả và bị ảnh hưởng đến sức khỏe, họ có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại hay khởi kiện doanh nghiệp không? Quy trình sẽ như thế nào?
Trả lời:
Trong trường hợp người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm sữa giả và bị ảnh hưởng đến sức khoẻ, họ hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại hay khởi kiện doanh nghiệp căn cứ theo:
- Điều 608 Bộ luật Dân sự 2015: quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm không bảo đảm an toàn gây ra.
- Điều 11 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý vi phạm theo pháp luật.
- Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về trách nhiệm như sau: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”
Theo đó, người tiêu dùng có thể thực hiện quyền khởi kiện hoặc yêu cầu bồi thường qua các phương thức sau:
- Gửi khiếu nại trực tiếp tới doanh nghiệp: Người tiêu dùng có quyền yêu cầu doanh nghiệp giải thích và bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận hoặc theo mức độ thiệt hại thực tế. Nếu doanh nghiệp không giải quyết, có thể chuyển sang các bước sau.
- Gửi đơn tố cáo đến cơ quan quản lý nhà nước: Cụ thể như:
- Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) (Điều 75 Luật bảo vệ người tiêu dùng và luật tố cáo);
- Công an kinh tế, nếu có dấu hiệu hình sự;
- Hội bảo vệ người tiêu dùng các cấp.
- Khởi kiện ra Tòa án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại: Người tiêu dùng hoặc người đại diện (nếu tổn hại đến sức khỏe nặng, tử vong…) có thể khởi kiện ra Tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc có trụ sở.
Hồ sơ cần có: Bằng chứng về việc sử dụng sản phẩm (hóa đơn, hộp/lọ sản phẩm, hình ảnh…); Kết luận y tế chứng minh thiệt hại sức khỏe; Bằng chứng mối liên hệ nhân quả giữa việc sử dụng sản phẩm và tổn hại sức khỏe
Câu 3: Việc để lọt các sản phẩm sữa giả quy mô lớn như vậy ra thị trường đặt ra vấn đề gì trong công tác quản lý hiện nay?
Trả lời:
Hành lang pháp lý về phòng, chống hàng giả đã tương đối đầy đủ, song thực tiễn vẫn còn nhiều lỗ hổng. Cụ thể, từ Nghị định 98/2020/NĐ-CP với quy định cụ thể về xử phạt hành chính, đến Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) với các điều 192, 193, 194 về tội sản xuất và buôn bán hàng giả, cùng nhiều luật chuyên ngành như Luật An toàn thực phẩm, Luật Quảng cáo, Luật Thương mại… đều đã thiết lập khung pháp lý để kiểm soát chất lượng sản phẩm, ghi nhãn, công bố tiêu chuẩn và xử lý hành vi gian lận.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng các quy định này vẫn tồn tại không ít bất cập. Một trong những điểm đáng lo ngại là cơ chế tự công bố sản phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP đang bị lạm dụng.
Với nhiều nhóm thực phẩm chức năng, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ là có thể đưa sản phẩm ra thị trường mà không trải qua thẩm định hay kiểm nghiệm độc lập. Nếu không có khâu hậu kiểm nghiêm túc, điều này dễ dẫn tới tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng được “hợp pháp hóa” bằng giấy tờ đầy đủ.
Chế tài xử phạt hành chính hiện nay cũng chưa thực sự đủ sức răn đe. Mức phạt vài trăm triệu đồng là quá nhỏ so với lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán hàng giả – vốn có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Một điểm nóng khác là quản lý hoạt động phân phối và quảng cáo trên môi trường trực tuyến. Nhiều sản phẩm giả mạo, quảng cáo sai sự thật vẫn xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, nhưng chưa có quy định đủ mạnh buộc các nền tảng này phải gỡ bỏ nội dung vi phạm, ngăn chặn tái quảng cáo hoặc chịu trách nhiệm liên đới khi tiếp tay cho hành vi vi phạm.
Cuối cùng, việc quản lý sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm và phản ánh từ người tiêu dùng hiện chưa được số hóa hoặc kết nối đồng bộ, khiến việc phát hiện bất thường, xử lý vi phạm và phản ứng liên thông giữa các cơ quan chức năng gặp nhiều trở ngại.
Câu 4: Từ góc độ pháp lý, theo ông/bà, cần bổ sung hoặc sửa đổi những quy định nào trong luật để ngăn chặn hiệu quả các hành vi sản xuất hàng giả, đặc biệt là thực phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe?
Trả lời:
Từ góc độ pháp lý, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả – đặc biệt là các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, sữa dinh dưỡng, dược phẩm, mỹ phẩm – tôi cho rằng cần xem xét sửa đổi và bổ sung một số quy định pháp luật trên các phương diện sau:
Đầu tiên, cần rà soát, sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP (về quản lý an toàn thực phẩm). Nghị định 15 hiện quy định cơ chế tự công bố chất lượng đối với thực phẩm bổ sung, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng để hợp thức hóa hàng giả, hàng nhái.
Cần sửa đổi theo hướng: Chuyển sang hình thức đăng ký công bố có kiểm soát đối với các nhóm thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe (ví dụ: thực phẩm cho trẻ em, người bệnh…); Tăng cường hậu kiểm bắt buộc thay vì chỉ kiểm tra khi có phản ánh. Bổ sung quy định về trách nhiệm liên đới của nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Nhiều sản phẩm sữa giả, thực phẩm chức năng giả được quảng cáo và tiêu thụ công khai qua mạng xã hội, livestream, sàn thương mại điện tử. Do đó cần bổ sung trong Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thực phẩm hoặc Luật Bảo vệ người tiêu dùng:
- Ràng buộc trách nhiệm của nền tảng số trong việc gỡ bỏ, ngăn chặn quảng cáo sai sự thật;
- Xử lý trách nhiệm pháp lý của KOLs, người nổi tiếng nếu quảng bá sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật mới đã được Quốc hội thông qua năm 2023 (có hiệu lực từ 1/7/2024), tuy nhiên vẫn cần: Cụ thể hóa quyền khởi kiện tập thể khi có nhiều người bị hại bởi cùng một sản phẩm; Đơn giản hóa quy trình khiếu nại – tố cáo để người tiêu dùng dễ tiếp cận công lý hơn.