Những vấn đề lớn về sở hữu trí tuệ cần quan tâm trong EVFTA

04 vấn đề lớn về sở hữu trí tuệ cần quan tâm trong EVFTA

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào cuối năm 2015 và Hiệp định này sẽ có hiệu lực từ năm 2018.

Kết quả này là bước tiến quan trọng trong lộ trình tăng cường quan hệ song phương toàn diện, đặc biệt là quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU. Trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), sở hữu trí tuệ (SHTT) là một chương khá lớn với 4 phần, 62 điều khoản và hai phụ lục. Xét tổng thể, có 4 vấn đề lớn cần quan tâm, cụ thể:

Thứ nhất, về chỉ dẫn địa lý

Đàm phán nội dung về chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là một trong những phần chiếm nhiều thời gian nhất, bởi đây là vấn đề quan tâm lớn không chỉ của EU mà còn cả từ phía Việt Nam và các nước khác như Hoa Kỳ, Australia và New Zealand. Kết quả đạt được, ngoài lời văn về các tiêu chí chung đối với hệ thống đăng ký CDĐL, là hai danh sách CDĐL của hai Bên: 169 CDĐL của EU sẽ được bảo hộ tại Việt Nam và 39 CDĐL của Việt Nam sẽ được bảo hộ tại EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Đồng thời, theo Hiệp định, các CDĐL này sẽ được hưởng mức bảo hộ cao, vốn chỉ dành cho rượu vang và rượu mạnh trong Hiệp định về các khía cạnh thương mại của SHTT (Hiệp định TRIPS) của WTO.

Đối với Việt Nam, việc 39 CDĐL nêu trên được bảo hộ tại một thị trường xuất khẩu quan trọng với 28 quốc gia thành viên mà không phải tốn chi phí đăng ký có nhiều ý nghĩa. Việc này không chỉ bảo đảm quyền đối với các CDĐL dùng cho nông sản của Việt Nam vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu như cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho các đặc sản khác như: Vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn; Trà Mộc Châu, Tân Cương.

Thứ hai, về quyền tác giả, quyền liên quan

Hiệp định EVFTA tập trung vào việc đảm bảo sự bảo hộ hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số trên cơ sở yêu cầu các Bên gia nhập hai điều ước của Tổ chức SHTT thế giới - WIPO (WCT và WPPT) về quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường Internet trong vòng 2 năm sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực; và quy định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong các vụ xâm phạm quyền SHTT trên Internet. Hiệp định cũng quy định thêm một số nghĩa vụ khác như phải có biện pháp ngăn chặn các hành vi nhằm vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền tác giả (TPMs) và thông tin quản lý quyền (RMIs); quyền của nghệ sĩ đối với việc bán lại tác phẩm, …

Thứ ba, về quyền sở hữu công nghiệp

Về các đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), Hiệp định EVFTA đặc biệt chú trọng vấn đề tạo thuận lợi cho việc xác lập quyền ở cả trong và ngoài nước. Theo đó, về sáng chế, ngoài việc khẳng định quyền và nghĩa vụ theo Hiệp ước Hợp tác sáng chế (về thủ tục đăng ký sáng chế quốc tế), các Bên còn có nghĩa vụ tiến tới đơn giản hóa thủ tục đăng ký hơn nữa, tham khảo mô hình trong Hiệp ước Luật Sáng chế. Đối với nhãn hiệu, Hiệp định yêu cầu các bên khẳng định quyền và nghĩa vụ theo Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, áp dụng Bảng phân loại Nice; đồng thời tiến tới đơn giản hóa quy trình đăng ký, trong đó tham khảo mô hình trong Hiệp ước Luật Nhãn hiệu hay Hiệp ước Singapore về Luật Nhãn hiệu. Về kiểu dáng công nghiệp (KDCN), Hiệp định yêu cầu các Bên gia nhập Thỏa ước La Hay năm 1925 về đăng ký quốc tế KDCN trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Ngoài ra, Hiệp định còn đề cập một số nghĩa vụ khác như: Quy định nghĩa vụ “bù đắp” cho các trường hợp thời gian bảo hộ sáng chế thực tế của một dược phẩm bị rút ngắn do chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường; kéo dài thời gian bảo hộ cho KDCN lên đến 15 năm và khả năng được bảo hộ quyền tác giả của KDCN... Về nghĩa vụ “bù đắp”, mặc dù Hiệp định không ràng buộc về cách thức bù đắp nhưng quy định này là một biện pháp đảm bảo quyền cho các doanh nghiệp dược trong thủ tục đăng ký cấp phép lưu hành.

Thứ tư, tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Thực thi hiệu quả quyền SHTT là vấn đề được cả hai bên cùng quan tâm. Vì vậy, Hiệp định EVFTA đặt ra thêm một số yêu cầu về thực thi dân sự và kiểm soát biên giới so với Hiệp định TRIPS, nhằm tăng cường tính hiệu quả của hoạt động thực thi quyền.

Về thực thi dân sự, Hiệp định hướng tới thủ tục yêu cầu thực thi bằng biện pháp dân sự thuận lợi và cân bằng hơn thông qua việc đưa ra quy định về giả định về chủ thể quyền; quy định nghĩa vụ chi trả án phí và phí luật sư theo hướng bên thua kiện (dù là nguyên đơn hay bị đơn) có nghĩa vụ chi trả các phí này.

Về các biện pháp kiểm soát biên giới, Hiệp định yêu cầu sự chủ động của cơ quan hải quan trong việc tìm ra hàng hóa nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT trong quá trình tác nghiệp và áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới với cả hàng giả mạo CDĐL.

Nhìn chung, Hiệp định EVFTA là một trong hai Hiệp định thế hệ mới lớn nhất và dự báo sẽ ảnh hưởng tới thể chế pháp luật và kinh tế của nước ta. Do vậy, Nhà nước cũng như các DN Việt Nam cần thiết phải nghiêm túc nghiên cứu và triển khai hiệu quả những giải pháp đột phá, qua đó tạo bước đệm tốt nhất trên lộ trình tiến tới Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào năm 2018. 

»

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan