Nhiều thương hiệu Việt có giá trăm triệu đô

Nhiều thương hiệu Việt có giá trăm triệu đô

Nhiều doanh nghiệp khi M&A có giá hàng chục, hoặc hàng trăm triệu đô phần lớn được đóng góp từ thương hiệu và tài sản vô hình, hơn là tài sản hữu hình.

Nuôi mộng biến Phở 24 thành thương hiệu đẳng cấp thế giới nhưng cuối cùng ông chủ Lý Quý Trung vẫn quyết định bán thương hiệu này với giá 20 triệu USD.

Đó là một trong những nội dung được thảo luận tại hội thảo “Định giá doanh nghiệp, thương hiệu và tài sản vô hình trong mua bán sáp nhập (M&A) doanh nghiệp tư nhân” sáng 12/10, tại TP.HCM do Viện Marketing và Quản trị Việt Nam (VMI) tổ chức.

Tại hội thảo, các chuyên gia chỉ ra rằng, những câu chuyện M&A của các thương hiệu Việt nổi tiếng được bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài với giá cao bất ngờ.

Tiêu biểu như Phở 24 được Highlands Coffee mua với giá 20 triệu USD, ICP bán 85% cổ phần cho Marico (Tập đoàn Hàng tiêu dùng và dịch vụ của Ấn Độ) với giá trên 60 triệu USD…

Những thương vụ này đã đặt ra nhiều câu hỏi rằng làm thế nào mà những thương hiệu này lại được định giá cao đến thế trong khi tổng giá trị tài sản hữu hình của chúng lại thấp hơn nhiều mức giá đó.

Những nghiên cứu của VMI đã chỉ ra rằng, phần lớn giá trị mà các công ty này nắm giữ được đóng góp từ thương hiệu và tài sản vô hình, hơn là tài sản hữu hình. Tuy nhiên, hiện hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa có được những hiểu biết rõ ràng về việc định giá thương hiệu và các tài sản vô hình.

Giáo sư, Tiến sĩ Adam Bakar - trường Đại học City University của Malaysia chỉ ra rằng, các yếu tố hình thành nên giá trị của một doanh nghiệp gồm có giá trị dồn tích, giá trị hiện tại vốn có và giá trị tiềm năng tương lai. Trong đó, giá trị dồn tích bao gồm lịch sử hoạt động, hình ảnh trong mắt công chúng và danh tiếng, văn hóa làm việc và trình độ quản lý; giá trị hiện tại vốn có bao gồm hoạt đông hiện tại và khả năng tài chính, bảng kết quả hoạt động kinh doanh, bảng cân đối kế toán và giá trị ròng; giá trị tiềm năng trong tương lai bao gồm tiềm năng tăng trưởng, cộng hưởng trong quá trình M&A và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Trung Thẳng, Viện trưởng VMI, thương hiệu có thể coi là tài sản rất quan trọng của doanh nghiệp, tuy nhiên giá trị của nó thường không được phản ánh đúng trong báo cáo tài chính. Theo ước lượng của Interbrand (tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu), giá trị thương hiệu của Coca Cola khoảng 65,3 tỷ USD vào năm 1997, song giá trị tài sản vô hình do chính Coca Cola công bố trong báo cáo tài chính chỉ là 3,7 tỷ USD.

Ông Thẳng chỉ ra ba cách tiếp cận để định giá thương hiệu và tài sản vô hình mà các chuyên gia tài chính thường ứng dụng, đó là tiếp cận theo chi phí, tiếp cận theo thu nhập và tiếp cận theo thị trường. Tuy nhiên, việc định giá trong các thương vụ M&A thường ảnh hưởng lớn bởi bối cảnh giao dịch như tình hình kinh tế, mức độ cạnh tranh giữa người mua, kỹ năng đàm phán của chủ doanh nghiệp và động lực của cả người mua lẫn người bán.

Do đó, mức độ thiếu chắc chắn trong việc xác định một cách hợp lý giá trị của tài sản vô hình là rất cao. Vì vậy, ông Thẳng khuyên các doanh nghiệp nên dùng dịch vụ tư vấn định giá thương hiệu bên ngoài để định giá thương hiệu. Các công ty tư vấn về định giá thương hiệu có nhiều kinh nghiệm đồng thời là tổ chức độc lập thường có kết quả nghiên cứu và định giá được đánh giá cao.

Việc định giá thương hiệu không chỉ có ý nghĩa trong hoạt động M&A mà còn giúp doanh nghiệp nhận định chính xác hơn cần đầu tư vào cái gì để tạo nên tài sản thương hiệu lớn thay vì đơn thuần hoạch định và giám sát ngân sách quảng cáo, khuyến mãi hàng năm.




Từ năm 1993- 1995, kem đánh răng Dạ Lan là “con cưng” của ông Trịnh Thành Nhơn- chủ Công ty TNHH hóa mỹ phẩm Sơn Hải- chiếm tới 30% thị trường kem đánh răng Việt Nam, xuất khẩu sang cả Campuchia, Lào, Trung Quốc.

Thế rồi, vài năm sau, giới đầu tư giật mình vì thương hiệu Dạ Lan được bán đứt cho Colgate Palmolive (Mỹ) với giá 3 triệu USD. Rất nhanh sau đó, liên doanh Colgate Palmolive- Sơn Hải tan vỡ, cái tên Dạ Lan mất tăm.

Chục năm sau, ông “Nhơn Dạ Lan” ngoại lục tuần, mang trong mình trọng bệnh, bất ngờ thấy đứa “con cưng” xưa bán “triệu đô” của mình nay sống vất vưởng, bị ruồng bỏ (quá 10 năm mà không ai đoái hoài gia hạn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu), ông bỏ ra ít “triệu đồng” mang về, hì hụi “bồi dưỡng” những mong khôi phục lại tiếng thơm, vẻ “điển trai” xưa, nhưng mãi mà nó vẫn “ẻo lả”! Khó lắm thay!

Trên thương trường không hiếm những doanh nhân tâm huyết tạo dựng những thương hiệu lớn đầy tự hào, rồi lại sẵn sàng bán đứt “con cưng” của mình.

Năm 2011, hai anh em doanh nhân bán 95% cổ phần Công ty CP Diana- doanh nghiệp sở hữu thương hiệu băng vệ sinh Diana- cho Unicharm (Nhật Bản) với giá 184 triệu USD. Năm 2012, những người khai sinh Prime Group đã bán phần lớn cổ phần cho SCG (Thái Lan) với 240 triệu USD. Gần đây, đầu tháng 8/2013, người sáng lập Bảo hiểm AAA bán hơn 30% cổ phần cho IAG (Australia), AAA trở thành “con” của IAG tại Việt Nam...

Khó kể hết những thương hiệu “con cưng” được bán với giá “triệu đô”. Đó cũng là điều bình thường trong kinh tế thị trường, doanh nhân sẽ có lượng tiền lớn đầu tư những dự án lớn khác. Song, nuôi con khôn lớn, bán đi, có thể sinh đứa con khác không? Những gì đã mất, lấy lại thật khó, tiếc lắm! (Nguồn: Báo Công Thương)

Theo Báo Hải Quan

»

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan

Ngôn ngữ của nhãn hàng hóa

 Nhãn hàng hóa có bắt buộc phải ghi bằng tiếng Việt không?   Câu Hỏi: Thưa Luật sư. em muốn hỏi chút ạ: Nhãn hàng hóa