Nâng cao nhận thức của cộng đồng về hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT
Trong bản tin Chống buôn lậu Gian lận thương mại và hàng giả số 14 Quý III 2018 của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có đăng bài phỏng vấn luật sư Nguyễn Thanh Hà với chủ đề NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA CỘNG ĐỒNG VỀ HÀNG GIẢ, HÀNG XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ.
Các bạn quan tâm tới chủ đề này có thể xem nội dung bài phỏng vấn tại đây:
Những năm qua tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày một gia tăng ở Việt Nam. Đã có rất nhiều vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, vi phạm SHTT được phát hiện và xử lý. Tuy nhiên phần lớn các chủ thể quyền đều tự giải quyết tranh chấp giữa các bên và xử lý hành chính. Do đó chưa thực sự phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn và xử lý các vi phạm này. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hà (ảnh) Luật sư Công ty luật SBLAW về vấn đề này.
Hiện nay câu chuyện xâm phạm quyền SHTT không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của DN mà còn là nỗi lo của của toàn xã hội. Ở góc độ là đơn vị tư vấn pháp lý, ông đánh giá thế nào về tình trạng này trong thời gian qua?
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn tồn tại khá phổ biến trên thị trường, mức độ tinh vi hơn và phức tạp hơn. Những hàng hóa xâm phạm quyền SHTT hay hàng giả có thể nhìn thấy ở nhiều loại mặt hàng khác nhau. Trước đây, hàng giả được sản xuất với chất lượng kém hơn rất nhiều so với hàng thật nhưng hiện nay, rất khó để phân biệt được hàng giả, hàng nhái và hàng chính hãng.
Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại điện tử cũng kéo theo những vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT trên môi trường điện tử. Những vi phạm này đang ngày càng nhiều và rất khó khăn để xử lý, từ việc xác định đối tượng vi phạm, hành vi vi phạm…
Tình trạng xâm phạm quyền SHTT đang xảy ra nhiều từ biên giới tới nội địa và mức độ vi phạm ngày càng gia tăng. Theo ông, thực tiễn công tác triển khai và thực thi SHTT tại Việt Nam đang gặp khó khăn, bất cập gì?
Hiện nay, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân ở Việt Nam chưa nhận thức được đầy đủ hậu quả của việc sản xuất, kinh doanh hàng giả cũng như sử dụng các mặt hàng đó. Đặc biệt, giới trẻ Việt Nam thích dùng hàng hiệu, trong khi thu nhập hạn chế, đây cũng chính là một trong những lý do khiến tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam có “đất” phát triển.
Mặc dù vậy, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam luôn coi trọng việc bảo hộ, thực thi quyền SHTT và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, một thực tiễn cần nhìn nhận là công tác triển khai và thực thi SHTT tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong khi đó, tại Việt Nam, việc thực thi quyền SHTT bằng các biện pháp dân sự lại không nhiều. Hầu hết các chủ thể quyền đều lựa chọn các biện pháp xử phạt hành chính để thực thi quyền SHTT của mình.
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe khi hầu hết các vụ việc vi phạm SHTT chủ yếu vẫn còn là xử lý vi phạm hành chính. Về cơ chế, một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa được thống nhất khi chế tài về xử lý vi phạm về SHTT được quy định ở nhiều văn bản khác nhau nên gây khó khăn cho các đơn vị thực thi. Ngoài ra, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan thực thi còn lỏng lẻo và chủ yếu ở các vụ việc riêng lẻ chứ chưa có hệ thống.
Còn về phía DN và các chủ thể quyền trong SHTT còn chưa nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong giải quyết các vụ việc vi phạm SHTT. Đồng thời, hầu hết các DN còn đang có tâm lý e ngại sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm và ảnh hưởng đến thị phần của mình trên thị trường nên chưa phối hợp với các cơ quan chức năng. Ngoài ra các DN hiện nay (vừa và nhỏ) còn chưa có nguồn lực và KHCN đối với việc này.
Để đẩy lùi tình trạng nhập khẩu, buôn bán hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền hợp pháp của DN, thời gian tới cần tập trung vào những giải pháp gì, thưa ông?
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, vấn đề quan trọng đầu tiên là cần có những biện pháp thiết thực và thực sự hiệu quả để nâng cao nhận thức của cộng đồng về hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh cơ chế phối hợp. Hiện nay, cơ chế phối hợp đã được thiết lập gồm Ban chỉ đạo 389 trung ương và địa phương, hay Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT (Chương trình 168) với sự tham gia của nhiều bộ, ngành…
Tôi cho rằng, đây là điều rất cần thiết, vì nhiệm vụ chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống và hệ thống đó phải có sự hợp tác chặt chẽ. Đặc biệt nhằm đáp ứng được những yêu cầu trong thỏa thuận khi CPTPP sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019 thì Việt Nam cần phải tích cực hoàn thiện, sửa đổi các văn bản hệ thống pháp luật để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả của hoạt động giải quyết các tranh chấp và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, các cơ quan xử lý cần hướng việc xử lý theo cơ chế dân sự. Hạn chế xử lý các xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính, chuyển sang giải quyết thông qua quá trình tranh chấp tại tòa án.
Trong vấn đề xây dựng thương hiệu và hội nhập DN cần phải có những biện pháp để tự bảo vệ mình. Theo đó DN nên đăng ký xác lập quyền SHTT để có cơ sở pháp lý bảo vệ mình trong vấn đề tranh chấp. Các DN cần chú trọng đăng ký SHTT nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp... đồng thời DN cần bảo hộ quyền SHTT cả ở trong nước và nước ngoài.
Khi đăng ký bảo hộ SHTT tại các nước sở tại, nếu sản phẩm bị xâm phạm thì sẽ được hệ thống luật pháp của nước đó bảo vệ. Song song đó, các địa phương và DN cần làm tốt hơn chỉ dẫn địa lý để được bảo hộ tại các quốc gia tham gia CPTPP.
Xin cảm ơn ông!
H.Nụ (thực hiện)