Năm 2014, quốc gia có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu vào Việt Nam nhiều nhất là Mỹ - 1.713 đơn, tiếp đến là Nhật – 1.295 đơn, Trung Quốc - 904, Hàn Quốc - 785, Thái Lan - 519...
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì Tọa đàm sáng 10/4 tại Hà Nội. Ảnh: Bình Minh.
Con số vừa được ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học & Công nghệ, công bố sáng nay, 10/4/2015, tại Tọa đàm SHTT dành cho các phóng viên. Tọa đàm là một trong những hoạt động đầu tiên được tổ chức nhân Tháng hành động vì Ngày SHTT do Bộ Khoa học & Công nghệ phát động.
Ông Nguyễn Văn Bảy cho biết: Số lượng đơn đăng ký sáng chế mà Cục SHTT tiếp nhận luôn tăng khoảng 10%/năm trong vài năm gần đây. Riêng trong năm 2014, Cục đã tiếp nhận khoảng 4.400 đơn đăng ký sáng chế, trong đó khoảng 10% đơn của người Việt Nam. Tuy nhiên, trong số 1.500 bằng sáng chế độc quyền được cấp thì chỉ có khoảng 3% là của người Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là do chất lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của người Việt Nam chưa tốt.
Về đăng ký nhãn hiệu, số lượng đơn nộp trực tiếp tại Cục SHTT năm 2014 đạt khoảng 33.000 đơn. Trong khi 90% đơn đăng ký sáng chế là của người nước ngoài thì số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của người Việt Nam trong khoảng hơn 10 năm nay đều cao hơn của người nước ngoài nộp tại Việt Nam.
Thống kê riêng số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các tỉnh/thành phố thì TP.HCM đang là địa phương có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu nhiều nhất – gần 12.000 đơn trong năm 2014. Đứng thứ 2 là Hà Nội – khoảng 7.600 đơn. Những địa phương có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu thấp nhất là Lai Châu – chỉ có vỏn vẹn 2 đơn, Bắc Kạn - 5 đơn, Điện Biên - 9 đơn... Nguyên nhân chủ yếu do số lượng doanh nghiệp tại địa phương còn ít, nhận thức của doanh nghiệp về SHTT còn hạn chế.
Về thống kê số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu theo quốc gia thì Mỹ là nước có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu nhất vào Việt Nam nhiều nhất năm 2014 – 1.713 đơn. Tiếp đến là Nhật Bản – 1.295 đơn, Trung Quốc – 904 đơn, Hàn Quốc – 785 đơn, Thái Lan – 519 đơn...
Báo cáo cập nhật về tình hình SHTT năm 2014 sẽ được công bố trên website của Cục SHTT trong tháng 4/2015.
Xin lỗi vì còn tồn đọng gần 3.000 đơn đăng ký
Tại Tọa đàm, đại diện cho Cục SHTT cũng đã chân thành bày tỏ lời xin lỗi vì vẫn còn tình trạng tồn đọng đơn đăng ký nhãn hiệu, đăng ký sáng chế chưa kịp xử lý.
Thống kê của Cục SHTT cho thấy, tính riêng số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu thì năm 2014, Cục đã nhận được khoảng 33.000 đơn nộp vào. Tốc độ xử lý đơn của Cục đã tăng dần hàng năm, song vẫn còn khoảng gần 3.000 đơn chưa xử lý kịp trong năm qua.
Có nhiều nguyên nhân như chất lượng đơn chưa tốt, vụ việc quá phức tạp... Trong đó cũng có cả nguyên nhân do Cục còn hạn chế về số lượng cán bộ chuyên môn.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, để có được 1 cán bộ có thể xử lý “tròn vai” đối với 1 đơn đăng ký thì nhiều khi phải mất tới 5 năm trải nghiệm công việc và tự học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm. Thế nhưng đầu tư của Nhà nước cho nhân lực của Cục vẫn chưa tương xứng với sự phát triển rất nhanh của nền kinh tế cũng như nhận thức của xã hội về SHTT. Số lượng đơn đăng ký nộp vào Cục tăng nhanh, trong khi biên chế của Cục chưa được tăng nhiều.
Một trong những bất cập về nhân lực thẩm định đơn đăng ký SHTT hiện nay là chưa có trường đại học, viện nghiên cứu nào đào tạo chuyên ngành thẩm định đơn đăng ký SHTT. Mới có 1 số trường đại học luật có môn học về SHTT, hoặc 1 số trường kinh tế có đào tạo về phát triển thương hiệu, trong đó có lồng ghép một chút về SHTT. Để có được nhân lực thực hiện công việc chuyên môn đặc thù, Cục SHTT vẫn phải tự đào tạo hoặc tìm thêm sự hỗ trợ từ nguồn lực quốc tế.
Dự kiến trong năm nay, Cục SHTT sẽ tuyển thêm khoảng 70 nhân sự, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT để tăng hiệu quả công việc, giảm số lượng đơn tồn đọng.
Mong có Tòa án chuyên trách về SHTT
Chia sẻ ý kiến của một nhà báo tham gia Tọa đàm về việc trình độ thẩm phán khi xử lý vụ việc liên quan tới SHTT chưa cao, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhận định: Hiện đúng là có thực trạng các tòa án khi tham gia giải quyết các tranh chấp về SHTT vẫn đang thiếu những thẩm phán có kiến thức chuyên sâu về SHTT.
“Đặc thù của SHTT không phải cứ đọc, nhìn qua hồ sơ là hiểu. Khi xử lý tranh chấp về SHTT, cần phải hiểu rất rõ và chuyên sâu về SHTT thì mới biết sự xâm phạm nằm ở đâu để xử lý. Thực tế, nhiều khi thẩm phán thiếu kiến thức khiến cho vụ việc kéo dài, việc tranh luận, tranh tụng tại tòa gặp nhiều khó khăn”, ông Lê Ngọc Lâm nói.
Cũng theo ông Lê Ngọc Lâm, “chúng tôi đã nghĩ đến việc cần phải có 1 tòa án chuyên trách về SHTT. Đây không phải ý tưởng mới mà các nước tiên tiến đều đã có cơ quan tương tự. Tòa án chuyên trách về SHTT có thể nằm độc lập bên ngoài hoặc ngay trong hệ thống SHTT. Tòa án SHTT không chỉ xử lý tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn trong các vụ tranh chấp liên quan tới SHTT, mà còn xử lý cả tranh chấp giữa người nộp đơn đăng ký với cơ quan SHTT. Cách thiết kế, xây dựng tòa án chuyên trách như vậy nhằm xử lý rốt ráo, xử lý nhanh và hiệu quả những tranh chấp về SHTT”.
“Cần lưu ý, quyết định của tòa có tính án lệ, có thể tác động tới những vụ việc tương tự tiếp theo. Vì thế, quyết định của tòa phải cực kỳ chính xác. Những phán quyết làm cho công việc của tổ chức, doanh nghiệp phải ngoặt sang hướng khác, đem lại hệ lụy tiêu cực, thực sự là tệ hại. Chúng tôi kỳ vọng tới thời điểm chín muồi, Việt Nam sẽ có tòa án về SHTT”, ông Lê Ngọc Lâm nhấn mạnh thêm.
Theo infonet.vn