Hàng loạt khách sạn cổ bị "ăn cắp" tên

Hàng loạt khách sạn cổ bị

Tên gọi của khách sạn Continental, Rex, Majestic đang bị “nhân bản” ở nhiều tỉnh, thành nhưng vẫn chưa bị... sờ gáy!

Một số khách sạn ở TP.HCM có tuổi đời từ vài chục năm đến trên 100 năm đang bị các khách sạn tại nhiều nơi dùng tên giống hệt.

Mặc dù vừa ra đời nhưng do dùng tên gọi của khách sạn cổ, lại kinh doanh trong cùng lĩnh vực khách sạn nên nhiều khách nước ngoài nhầm tưởng đó là chi nhánh của các khách sạn cổ đã có hàng trăm năm.

 

Continental mở chi nhánh tại Hà Nội?

Khách sạn Continental (Sài Gòn) ra đời năm 1880 là khách sạn cổ nhất Việt Nam hiện nay. Thế nhưng mới đây lại một khách sạn ba sao ở Hà Nội sử dụng tên gọi này trong giao dịch.

Ông Hoàng Tuấn Lang, Trưởng phòng Kinh doanh khách sạn Continental, cho biết: “Continental là một trong những công trình lịch sử trên 100 năm, cùng với Nhà hát TP, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP đều xây dựng từ thế kỷ XIX. Vì vậy, chúng tôi đã có ý thức đăng ký bảo hộ tên gọi Continental tại Cục Sở hữu trí tuệ từ năm 1991, được cấp bằng bảo hộ độc quyền 10 năm. Đến năm 2001, chúng tôi đã xin gia hạn bảo hộ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền nhãn hiệu hàng hóa thời hạn 10 năm”.

Theo ông Hoàng Tuấn Lang, vì đây là khách sạn cổ, đạt tiêu chuẩn Boutique theo tiêu chí quốc tế dành cho khách sạn cổ trên 100 năm tuổi nên nhiều tập đoàn muốn sử dụng thương hiệu này để kinh doanh. “Một số tập đoàn đề nghị hợp tác dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu nhưng chúng tôi chưa hề nhượng lại cho đơn vị nào. Khách sạn cũng chỉ có một địa chỉ tại trung tâm quận 1, TP.HCM” - ông Lang khẳng định.

Giống từ tên tới logo

Năm 2008, khách sạn Majestic ở TP.HCM (ra đời năm 1925 theo kiến trúc Pháp) cũng đã phải lên tiếng khi bị một số khách sạn ở các tỉnh xài ké tên. Cụ thể, tại Hà Nội, một khách sạn ba sao tại quận Hoàn Kiếm cũng lấy tên Majestic Hotel. Ngoài ra, một tòa nhà cao tầng tọa lạc ngay tại trung tâm TP Vũng Tàu cũng sử dụng tên gọi này, có khác chăng là doanh nghiệp này thêm chữ Tower (tòa nhà) vào phía sau tên gọi Majestic.

“Chúng tôi đã phải nhiều lần giải thích với khách hàng là không có chi nhánh nào. Đồng thời, chúng tôi đã phải gửi văn bản thông báo cho các đơn vị này rằng tên gọi Majestic đã được đăng ký bảo hộ độc quyền và đề nghị không được sử dụng tên gọi này nữa” - ông Tào Văn Nghệ, Giám đốc khách sạn Majestic, cho biết.

Ngoài ra, khách sạn Rex Sài Gòn, tọa lạc ngay trung tâm quận 1, TP.HCM đã có tuổi đời trên 60 năm, là một trong ba khách sạn cổ nhất của TP.HCM cũng rơi vào tình trạng tương tự. Năm 2007, tại thành phố Vũng Tàu cũng xuất hiện một khách sạn mang tên giống hệt như khách sạn Rex tại TP.HCM. Không chỉ nhái tên gọi của khách sạn Rex mà khách sạn này còn dùng nhãn hiệu và logo giống hệt biểu tượng của Rex Sài Gòn trong giao dịch và quảng bá, trong đó có hình ảnh trên website.

Tương tự, tại trung tâm thành phố Đà Lạt cũng đã xuất hiện một khách sạn mang tên Rex.

Cơ quan chức năng chưa vào cuộc

Một vị đại diện của khách sạn Rex Sài Gòn cho biết: “Tổng cục Du lịch là cơ quan quản lý hệ thống khách sạn trên toàn quốc mà không có ý kiến gì về việc này nên chúng tôi cũng không muốn có ý kiến”.

Ông Lê Dũng, Phó Giám đốc khách sạn Majestic, cho biết sau khi có ý kiến, khách sạn ở Hà Nội hứa không sử dụng tên gọi này từ giữa năm 2008. Còn doanh nghiệp sở hữu tòa nhà Majestic Tower ở Vũng Tàu cũng hứa sẽ không sử dụng tên gọi này nữa. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lời hứa chứ chưa có biện pháp mạnh nào giúp khách sạn bảo vệ thương hiệu.

Ông Dũng nêu ý kiến: “Bức xúc nhất hiện nay là đơn yêu cầu của khách sạn gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ thông báo việc các doanh nghiệp khác xâm phạm nhãn hiệu của mình. Tuy nhiên, Cục trả lời chỉ giải quyết việc tranh chấp cấp bằng độc quyền nhãn hiệu hàng hóa, còn việc xâm phạm nhãn hiệu thì do cơ quan quản lý kinh tế ở các địa phương có doanh nghiệp vi phạm trực tiếp giải quyết. Vì thế, đơn của chúng tôi vẫn chưa có sự can thiệp chính thức từ các cơ quan chức năng”.

Mới đây, một tập đoàn kinh doanh khách sạn nổi tiếng của Mỹ vào Việt Nam cũng có tên na ná là InterContinental. “Cũng có người đặt vấn đề đây có phải là một thương hiệu mà Continental liên kết kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu bằng hình thức chuyển giao li-xăng (franching) hay không. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chưa có chuyển giao hoặc hợp tác gì với tập đoàn này” - ông Hoàng Tuấn Lang, Trưởng phòng Kinh doanh khách sạn Continental, khẳng định.




Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch:

Tổng cục sẽ có ý kiến khi có văn bản của khách sạn

Cho đến nay, Tổng cục chưa nhận được yêu cầu chính thức của các khách sạn cổ tại TP.HCM mà Báo nêu. Nếu có thắc mắc hoặc văn bản yêu cầu, Tổng cục sẽ có ý kiến chính thức. Theo tôi, cần bảo hộ tên gọi các thương hiệu này vì nó không chỉ đơn thuần là kinh doanh khách sạn mà còn mang dấu ấn lịch sử, văn hóa qua các thời kỳ lịch sử của đất nước.

Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ về việc dùng tên thương mại và nhãn hiệu hàng hóa. Theo đó, nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền thì bất cứ doanh nghiệp nào xâm phạm đều có thể bị khiếu nại, thậm chí khởi kiện.

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, Trưởng Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh:

Có thể kiện buộc bồi thường

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ độc quyền khi đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Nếu các khách sạn này đã đăng ký độc quyền cho dịch vụ kinh doanh ăn uống và lưu trú (nhóm 42) thì các doanh nghiệp khác không được dùng tên gọi này cho cùng lĩnh vực ngành nghề, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Việc dùng nhãn hiệu tương tự rồi gắn thêm địa danh vào có thể gây nhầm lẫn đây là chi nhánh khác của doanh nghiệp.

Khi bị xâm phạm, doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ mình theo quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ: Yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bên bị xâm phạm có thể áp dụng một trong hai hoặc cả hai yêu cầu trên. Nếu bên vi phạm không đáp ứng yêu cầu, thì bên bị xâm phạm quyền có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng xử phạt vi phạm hành chính, buộc chấm dứt hành vi xâm phạm và xử phạt hành chính, đồng thời khởi kiện ra tòa, buộc bồi thường thiệt hại.

Ngay cả trường hợp mặc dù các thương hiệu này không đăng ký độc quyền nhưng đã nổi tiếng từ lâu thì có thể áp dụng Luật Cạnh tranh (về cạnh tranh không lành mạnh) để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm.

Theo: phapluattp.vn

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan