Sản xuất nước mắm là nghề thủ công truyền thống lâu đời của cư dân huyện đảo Phú Quốc. Nước mắm Phú Quốc có hương vị thơm ngon rất đặc trưng do sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu cá cơm với bí quyết gia truyền của các cơ sở sản xuất nước mắm trên đảo.
Tuy nhiên, nếu không trực tiếp đến đảo, thì việc mua được một chai nước mắm chính hiệu Phú Quốc không dễ chút nào.
Bởi thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã và đang bị đánh cắp để sử dụng nhãn tại nhiều địa phương trong cả nước, kể cả nước láng giềng Thái Lan cũng "chôm" luôn thương hiệu này.
Theo báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 của Hội nước mắm Phú Quốc thì tổng sản lượng nước mắm của 87 thành viên năm 2008 là khoảng 15 triệu lít, trong khi đến hết tháng 10 năm nay, tổng sản lượng nước mắm chỉ đạt 7,9 triệu lít, giảm nhiều so với cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là thị trường tiêu thụ nước mắm Phú Quốc tiếp tục bị thả nổi với vô số hàng giả, hàng nhái và đủ thứ chất lượng. Công tác quy hoạch, định hướng cho sự phát triển bền vững của nghề làm nước mắm truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, giá trị sản phẩm truyền thống đang bị đánh mất danh tiếng.
Trước tình đó, để tạo cơ sở pháp lý cho việc khẳng định thương hiệu nước mắm Phú Quốc, tháng 10/2008, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định Quy định việc quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm. Trước đó, vào tháng 6/2001, Hội nước mắm Phú Quốc đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu cho 87 “nhà thùng” (cơ sở sản xuất nước mắm) thành viên tại Cục Sở hữu trí tuệ. Chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm (gọi tắt là chỉ dẫn địa lý) là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ Phú Quốc và có danh tiếng, chất lượng đặc thù do điều kiện tự nhiên và bí quyết sản xuất của người dân Phú Quốc quyết định. Khi một nhà thùng được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thì được gắn tem bảo hộ lên sản phẩm; lưu thông, chào bán, quảng bá sản phẩm, phân phối sỉ và lẻ. Lô hàng được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý phải đồng nhất về chất lượng, được đóng gói tại Phú Quốc và phân phối trực tiếp đến khách hàng. Việc chứng nhận lô hàng do Ban Kiểm soát nước mắm thuộc Hội nước mắm Phú Quốc chịu trách nhiệm thực hiện. Vừa qua, Hội nước mắm Phú Quốc đã tổ chức hội thảo nhằm tìm biện pháp triển khai thực hiện quy định sử dụng chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc cũng quy định cụ thể, chi tiết về vùng khai thác, loại nguyên liệu, tỉ lệ cá tạp (ngoài cá cơm) không quá 15%, dụng cụ chế biến và vật liệu sản xuất dụng cụ, phương pháp chế biến, các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, ghi nhãn và kỹ thuật bảo quản...
Để có thể triển khai áp dụng quy định về chỉ dẫn địa lý, có hai việc phải làm. Đó là cũng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hiệp hội nước mắm và của Ban giám sát chất lượng. Thứ hai là di dời các nhà thùng nước mắm vào 02 cụm làng nghề tập trung quy mô 100ha đang trình phê duyệt quy hoạch. Việc đáp ứng hai yêu cầu này cũng đã đặt ra một số khó khăn nhất định cho các nhà thùng. Nhìn chung, dù có thể gặp một số khó khăn, trở ngại, song đa số nhà thùng đồng tình với việc di dời vào làng nghề và áp dụng chỉ dẫn địa lý, có như vậy mới có thể bảo vệ được thương hiệu nước mắm Phú Quốc.
Bà Hồ Kim Liên – Doanh nghiệp nước mắm Khải Hoàn – một trong những nhà thùng quy mô và uy tín nhất, nhì Phú Quốc nói: Không giống cây tiêu, nhìn chung nghề làm nước mắm vẫn khá ổn định, dù lợi nhuận có giảm. Nguyên nhân lợi nhuận giảm trước hết là do nguồn cá cơm vùng biển Phú Quốc, Cà Mau đã cạn kiệt vì khai thác quá mức. Hiện nay, chúng tôi phải cho tàu thu mua cá cơm chủ yếu từ Campuchia với giá khá cao. Khó khăn thứ hai là chi phí đầu vào như: giá nhân công, nguyên liệu, điện, nước, xăng dầu... đều tăng, trong khi giá thành sản phẩm phải giảm thấp nhất có thể được để duy trì lợi thế cạnh tranh. Khi đưa vào làng nghề tập trung, có thể sẽ tăng chi phí vận chuyển nguyên liệu. Việc đóng chai tại Phú Quốc cũng có thể khiến chi phí vận chuyển đội lên thay vì vận chuyển bằng can nhựa như hiện nay, nhưng chúng tôi – với tư cách là những nhà sản xuất rất đồng tình và ủng hộ. Bởi nếu không giữ được thương hiệu Phú Quốc cho nước mắm thì thiệt hại còn lớn hơn nhiều. Hiện tại, 80% sản lượng nước mắm của chúng tôi xuất đi dạng thành phẩm thô – tức bán qua trung gian, sau đó các doanh nghiệp trung gian sẽ tự pha chế thêm phụ liệu rồi đóng chai. Đây chính là khâu dễ làm suy giảm chất lượng và ảnh hưởng nhiều đến thương hiệu nước mắm Phú Quốc.
Ông Nguyễn Huy Hoàng – Doanh nghiệp nước mắm Thanh Hà cho biết thêm: Hiện tại sản phẩm của chúng tôi đã xuất khẩu được sang thị trường châu Âu – một thị trường nổi tiếng khó tính về chất lượng sản phẩm. Vậy mà lại không thể mở rộng thị trường trong nước được do nạn hàng giả, hàng nhái thương hiệu sản phẩm tràn lan. Để có được nước mắm ngon, quan trọng nhất là khâu xử lý nguyên liệu, phải làm sao để cá cơm thật tươi, muối dùng để ủ cá cũng phải sạch và đạt tiêu chuẩn, rồi chất lượng nguồn nước phải đảm bảo nghiêm ngặt... Để bảo hộ thương hiệu đặc sản nước mắm Phú Quốc, cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc di dời vào làng nghề tập trung và áp dụng chặt chẽ quy định chỉ dẫn địa lý. Đây là giải pháp đúng đắn để giữ vững uy tín cho thương hiệu đặc sản nổi tiếng của Phú Quốc nói riêng, Kiên Giang nói chung.
Như vậy, việc sớm triển khai áp dụng quy định chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm rõ ràng là giải pháp hữu hiệu và bền vững để bảo vệ thương hiệu cho loại đặc sản nổi tiếng này. Quy định đã có, tổ chức thực hiện đã hình thành, các nhà thùng nước mắm cũng đã đồng tình, ủng hộ, hi vọng trong tương lai không xa, thương hiệu nước mắm Phú Quốc sẽ được trả lại đúng xuất xứ và chất lượng vốn có của mình.
Theo báo ĐCSVN