Một nhãn hiệu được cơ quan chức năng công nhận, một nhãn hiệu đã có mặt trên thị trường. Để khẳng định DN nào đúng không phải là chuyện đơn giản. Câu chuyện về nhãn hiệu “xi măng Trung Sơn” - dự án nghìn tỉ do Chính phủ phê duyệt là một ví dụ.
Trong thời gian chờ giải quyết, Cty Xuân Mai đổi tên là Cty TNHH xi măng Trung Sơn và sử dụng thương hiệu “Xi măng Trung Sơn”
Dự án nhà máy xi măng Trung Sơn của Cty Bình Minh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nằm trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng VN đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020. Dự án nổi tiếng bởi cái tên “dự án xuyên thế kỷ” với công suất 2.500 tấn clanhke/ngày, tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Rắc rối “Trung Sơn”
Trải qua một quá trình dài chuẩn bị cho mẻ sản phẩm đầu tiên ra đời, đến khi làm thủ tục để đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, Cty Bình Minh “té ngửa” khi phát hiện ngoài vỏ bao xi măng của Cty TNHH Xuân Mai có in hàng chữ “Xi măng pooc lăng hỗn hợp Trung Sơn” trùng với tên Nhà máy xi măng Trung Sơn của Cty Bình Minh đã được các bộ, ngành cấp phép. Đáng nói, dự án nhà máy xi măng của Cty TNHH Xuân Mai không nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng và có công suất nhỏ hơn nhiều so với Dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn.
Cty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh đã có công văn gửi Cục Sở hữu trí tuệ, đề nghị hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Trung Sơn - Xi măng pooclăng hỗn hợp - Hòa Bình - VN + hình” của Xuân Mai. Căn cứ vào đơn kiến nghị của Cty Bình Minh thì phần chữ “Trung Sơn” trong sản phẩm của Cty TNHH Xuân Mai trùng với thành phần phân biệt “Trung Sơn” của tên “dự án nhà máy xi măng Trung Sơn” của Bình Minh. Trong khi đó, “dự án nhà máy xi măng Trung Sơn” đã được các cơ quan có thẩm quyền thừa nhận chính thức. Theo đó, “dự án nhà máy xi măng Trung Sơn” là chỉ dẫn thương mại dưới dạng tên thương mại của Cty Bình Minh, trong đó “Trung Sơn” là thành phần tạo khả năng phân biệt, đã được xác lập trước ngày cấp nhãn hiệu số 82099 cho Cty Xuân Mai. Vì vậy, Cty Xuân Mai sử dụng nhãn hiệu có phần chữ “Trung Sơn” trùng với thành phần phân biệt “Trung Sơn” trong chỉ dẫn thương mại “dự án nhà máy xi măng Trung Sơn” của Bình Minh đã được xác lập từ trước, là “hành vi cạnh tranh không lành mạnh”, gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của Cty Bình Minh.
Ngày 8/12/2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định 2470, hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 82099 bảo hộ nhãn hiệu “Trung Sơn - xi măng pooc lăng hỗn hợp - Hòa Bình - VN” đã cấp cho Cty Xuân Mai.
Rắc rối nằm ở chỗ, nhãn hiệu “Trung Sơn” được Xuân Mai nộp đơn từ tháng 7/2005, và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào tháng 5/2007. Kể từ đó, Cty này đã và đang sản xuất và bán sản phẩm này ra thị trường.
Chính vì vậy, Cty Xuân Mai không đồng ý với quyết định này và đưa đơn ra kiện Cục Sở hữu trí tuệ. Ngày 24/2/2012, TAND tỉnh Hòa Bình đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hành chính giữa nguyên đơn là Cty Xuân Mai và bị đơn là Cục Sở hữu trí tuệ. Trong vụ kiện, nguyên đơn yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ Quyết định 2470 về việc hủy bỏ một phần hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82099 và Quyết định số 904 về việc giải quyết khiếu nại hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ.
TAND tỉnh Hòa Bình “chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện” của Cty Xuân Mai, đồng thời tuyên “hủy Quyết định số 2470 ngày 8/1/2010 về việc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82099 và Quyết định số 904 ngày 13/5/2011 về việc giải quyết khiếu nại quyết định hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa”.
Ngay sau đó, Cty Xuân Mai đổi tên DN, lấy tên mới là Cty TNHH xi măng Trung Sơn và sử dụng thương hiệu “Xi măng Trung Sơn”. Trong khi đó, phía các cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời để tránh thiệt hại về tài sản, thương hiệu cho Trung Sơn của Cty Bình Minh.
“Trả lại tên cho em”
Ngay sau phiên tòa, bị đơn là Cục SHTT và Cty Bình Minh (bên có liên quan) đều có đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm TAND tối cao.
Sau hai lần hoãn phiên tòa do sự vắng mặt của phía Cty Xuân Mai, ngày 9/4/2013, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã mở phiên toà hành chính phúc thẩm xét xử vụ kiện Cty Xuân Mai khởi kiện Quyết định hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa 82099.
Tại phiên tòa, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã trình bày các nội dung trái pháp luật của Bản án sơ thẩm cũng như các căn cứ phù hợp để Cục Sở hữu trí tuệ ra các quyết định huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82099.
Đây không chỉ là vụ việc tranh chấp về nhãn hiệu mà còn có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.
|
Và đại diện Cty Bình Minh cũng trình bày rõ về quá trình lâu dài xây dựng và triển khai dự án “Nhà máy xi măng Trung Sơn” đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt từ trước khi Cty Xuân Mai nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, cũng như những thiệt hại do hành vi đăng ký nhãn hiệu của Cty Xuân Mai gây ra, đồng thời khẳng định hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Cty Xuân Mai qua việc nộp đơn và sử dụng nhãn hiệu “Trung Sơn”.
Sau khi nghe trình bày của các bên, đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đều nhận định: hành vi đăng ký nhãn hiệu của Cty Xuân Mai là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ và là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm quy định khi đăng ký tên địa danh “Trung Sơn” mà không được phép của chính quyền.
Theo đó, Hội đồng xét xử đã quyết định sửa Bản án sơ thẩm theo hướng giữ nguyên Quyết định số 2470/QĐ-SHTT và Quyết định 904/QĐ-SHTT của Cục SHTT. Bản án hủy bỏ một phần hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 82099 đã cấp cho Cty Xuân Mai, cụ thể là loại bỏ phần chữ “Trung Sơn” trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của Cty Xuân Mai.
Để xảy ra rắc rối là do có sự không thống nhất giữa các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình, trong khi UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt dự án “Nhà máy Xi măng Trung Sơn” của Cty Bình Minh và dự án này đã triển khai nhiều năm thì Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình lại cho phép Cty Xuân Mai (có dự án xi măng tại Hòa Bình) đổi tên thành Cty Trung Sơn.
Rõ ràng, đây không chỉ là vụ việc tranh chấp về nhãn hiệu mà còn là sự cạnh tranh không lành mạnh. Sự cạnh tranh không lành mạnh này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một dự án lớn đã được Chính phủ phê duyệt về phát triển ngành công nghiệp xi măng của cả tỉnh Hòa Bình.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ:
Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực kể từ khi tuyên án, các bên có nghĩa vụ phải chấp hành, điều đó có nghĩa rằng Cty Xuân Mai không còn quyền sử dụng nhãn hiệu “Trung Sơn” cho sản phẩm xi măng theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 82099.
Đại diện lãnh đạo Cty Bình Minh :
Sau hai năm chúng tôi phải trở thành bị đơn trong một vụ kiện hành chính do Cty TNHH Xuân Mai khởi xướng, tưởng có lúc công lý đã không được thực thi với bản án khuất tất của TAND tỉnh Hòa Bình. Thế nhưng, lẽ phải không thể chối cãi và cuối cùng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bảo vệ thành công quyết định của mình trước Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm TAND Tối cao. Và cái tên Trung Sơn đã được trả về với đúng chủ nhân của nó.
|
Vi phạm Luật Cạnh tranh:
Thực trạng một DN đăng ký tên nhãn mác trùng với tên địa lý được bảo hộ đã diễn ra nhiều ở VN cũng như nước ngoài, và việc xử lý vấn đề này cũng rất phức tạp.
Ðiều đó chứng minh rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc xây dựng thương hiệu là một vũ khí mạnh giúp DN vượt khó, nâng cao cạnh tranh, chiến thắng trên thương trường. Xây dựng được thương hiệu đã là quan trọng, song duy trì, phát triển và bảo vệ được thương hiệu còn quan trọng hơn. Ðạt được yêu cầu đó trong khi nguồn lực cùng kinh nghiệm về lĩnh vực thương hiệu của các DN còn hạn chế, càng đặt ra nhiều thách thức vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Trong câu chuyện của Cty Bình Minh và Cty Xuân Mai theo Nghị định 54 ngày 3/10/2000 của Chính phủ quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp, thì phần “Trung Sơn” là chỉ dẫn thương mại dưới dạng tên thương mại đã được xác lập trước của Cty Bình Minh. Và để xảy ra tình trạng phức tạp như hiện nay là do có sự không thống nhất giữa cáccơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình, trong khi UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt dự án “Nhà máy Xi măng Trung Sơn” của Cty Bình Minh và dự án này đã triển khai nhiều năm thì Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình lại cho phép Cty Xuân Mai (có dự án xi măng tại Hòa Bình) đổi tên thành Cty Trung Sơn.
Đứng dưới góc độ Luật Cạnh tranh thì đây là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh được nêu tại Điều 40 Luật Cạnh tranh. Điều luật này cấm việc sử dụng các chỉ dẫn về thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý và biểu tượng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nếu “Trung Sơn” đã là một chỉ dẫn thương mại được bảo hộ thì cố tình sử dụng danh từ này dưới cách này hay cách khác đều không phải là cách cạnh tranh lành mạnh.
Qua vụ việc này cho thấy, việc bảo vệ thương hiệu không chỉ là riêng của DN, mà còn là vấn đề kinh tế, vấn đề hình ảnh của cả một quốc gia. Các DN cần chú trọng và đầu tư hơn nữa cho vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu của DN.
|
Theo dddn.com.vn
»