Ông Nguyễn Viết Hồng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Phát triển Khoa học Công nghệ Vina (Vina CHG) - đơn vị chuyên đưa ra các giải pháp chống hàng giả hàng nhái cho biết nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái lấn át một phần do chính DN ngại tuyên chiến với vấn nạn này.
Thực tế, không phải các DN VN không ý thức được việc bảo vệ thương hiệu trước hàng giả, hàng nhái, thậm chí họ phải gồng mình trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh với hàng giả, hàng nhái không phải bao giờ DN cũng chiến thắng.
Hành trình gian nan:
Là một trong những DN luôn đau đầu trước vấn nạn hàng giả, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Trưởng phòng Marketing Cty Sao Vàng chia sẻ: Cty Sao Vàng thường xuyên gặp thiệt hại trong sản xuất và kinh doanh, bởi sản phẩm làm giả mẫu mã của Cty có chất lượng rất kém nhưng bao bì lại được làm rất giống khiến người tiêu dùng rất khó để phân biệt và gây ảnh hưởng đến uy tín của Cty.
Theo ông Nguyễn Thanh Hà, hàng năm Cty đã nỗ lực cải tiến mẫu mã, chất lượng nhằm lấy lại lòng tin của khách hàng và giúp cải thiện thị phần. Tuy vậy, “niềm vui chẳng tày gang” bởi cùng lắm là 2 tháng sau trên thị trường đã xuất hiện sản phẩm giả y hệt với mức giá chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 giá trị của hàng thật gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của DN. Khó lại chồng khó khi Cty đã gửi mẫu tới các đơn vị chức năng nhằm khiếu kiện nhưng con đường này quá gập ghềnh gian nan khiến DN ngại “gõ cửa” các cơ quan công quyền. Không những thế, khi đặt vấn đề mong muốn được dán tem chống giả thì các đơn vị chức năng lại đưa ra mức giá mỗi con tem cho một sản phẩm mất từ 3.000 - 4.000 đồng. Nâng lên đặt xuống, DN đành phải bó tay vì chi phí sản xuất sẽ nâng lên rất nhiều trong khi tem giả vẫn được làm nhái và dán nhan nhản trên khắp các sản phẩm.
Bên cạnh đó, thực tế, dù đã có nhiều giải pháp đưa ra để chống hàng giả, hàng nhái như việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng thực tế xử lý của lực lượng chức năng đến nay chỉ như muối bỏ bể. Dẫn chứng những vi phạm cụ thể, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay: Hiện nay vẫn còn nhiều địa phương vẫn dung túng cho việc sản xuất hàng giả, hàng nhái. Có những địa phương người dân làm giả từ quần áo, giày dép, chăn màn đến bánh kẹo, thực phẩm, mỳ chính, xà phòng, mỳ tôm, nước ngọt, rượu... Dù vậy, nhưng bản thân chính quyền tại các địa phương lại vin vào lý do người dân sản xuất theo nghề truyền thống của làng nghề nên không cấm được. Xuất phát từ đó mà các địa phương này đã bỏ qua trách nhiệm của mình với xã hội, thờ ơ với công tác đấu tranh chống gian lận thương mại.
Thờ ơ với quyền sở hữu trí tuệ
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ): Việc đăng ký bảo vệ thương hiệu là một trong những giải pháp chống hàng giả, nhưng chưa được nhiều DN quan tâm. Năm 2013 mới chỉ có 106 DN VN đề nghị thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, con số rất nhỏ trong khoảng 3,5 triệu DN hiện nay. Ở tầm quốc tế, đến nay, mới có 490 DN VN đăng ký tham gia hệ thống bảo vệ thương hiệu hàng hóa. Điều này cho thấy DN VN còn thờ ơ với quyền sở hữu trí tuệ. Nếu DN không nhanh chóng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì khi xảy ra vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sẽ khó đủ cơ sở pháp lý bảo hộ quyền của mình.
Chúng ta vẫn ước mơ xây dựng những thương hiệu mà khi nhắc tới, thế giới sẽ biết đó là VN, như Sony của Nhật, Samsung của Hàn Quốc... Muốn như vậy, phải quyết liệt dẹp nạn hàng nhái, giả đang "nhè" vào các thương hiệu uy tín nhất mà trục lợi, làm ảnh hưởng uy tín, gây mất lòng tin với người tiêu dùng. Hãy bắt đầu bảo vệ uy tín thương hiệu ngay tại thị trường nội địa, trước khi nói tới chuyện đi xa.
Theo VCCI