Trong bài báo Vi phạm bản quyền phần mềm: Cần xử điểm hình sự những vụ nghiêm trọng đăng trên Dân trí điện tử có trích dẫn ý kiến của luật sư Phạm Duy Khương, giám đốc SHTT SBLAW.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực được gần một năm (từ tháng 1/2018) thì những hành vi sao chép phần mềm máy tính có thể bị xử lý hình sự. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự sửa đổi lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, ngoài phạt tiền tối đa lên tới 3 tỷ đồng, doanh nghiệp có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn lên tới 2 năm.
Tuy nhiên, sau gần một năm những quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực, theo tiết lộ của Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động thanh tra việc sử dụng phần mềm máy tính cho hay, hiện nay, với những hình phạt nghiêm khắc, theo đánh giá, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã có sự chủ động trong việc sử dụng các phần mềm hợp pháp, khuyến cáo tới người lao động không được phép cài đặt, đồng thời có phần mềm quản lý chặt chẽ, để hạn chế tối đa vi phạm.
Tuy vậy, ngoài các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, chỉ sử dụng các phần mềm có bản quyền, vẫn còn có tình trạng đáng lên án là một số doanh nghiệp nước ngoài, có qui mô lớn, am hiểu pháp luật nước sở tại nhưng vẫn cố tình vi phạm pháp luật.
Cụ thể, trong đợt thanh tra một số doanh nghiệp tại Bình Dương, đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện Công ty TNHH Nội thất gỗ Phú Đỉnh (Full Ding Furniture Co.Ltd) và Công ty TNHH Rehab Italian Design, ngoài các phần mềm có bản quyền, cả hai doanh nghiệp này còn sử dụng nhiều phần mềm không có bản quyền của Microsoft, Autodesk để phục vụ cho mục đích vận hành kinh doanh.
Cũng theo phản ánh của các chủ sở hữu, số lượng phần mềm vi phạm tại hai doanh nghiệp này lên tới hàng tỷ đồng.
Cần xử điểm hình sự những vụ vi phạm nghiêm trọng
Trao đổi với Dân trí, Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty Luật SB, là một chuyên gia pháp lý về sở hữu trí tuệ cho biết: “Đối với bất cứ hành vi xâm phạm nào, không phân biệt đến nguồn gốc vốn của doanh nghiệp hay quốc tịch của doanh nghiệp, chủ sở hữu hợp pháp đối với phần mềm đều có quyền khởi kiện bên vi phạm ra tòa án có thẩm quyền của Việt Nam để yêu cầu các đơn vị này phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, bồi thường các thiệt hại mà chủ sở hữu phần mềm phải gánh chịu, tiến hành hợp pháp hoá phần mềm vi phạm.”
“Ngoài ra, chủ sở hữu phần mềm có quyền xem xét đến việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ nếu như các sản phẩm của các doanh nghiệp vi phạm được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ theo quy định của Đạo luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Hoa Kỳ (UCA)”, Luật sư Khương nhấn mạnh thêm.
Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty Luật SB Law .
Luật sư Khương cũng cho rằng, việc nhiều công ty nước ngoài tại Việt Nam đến từ các nước có hệ thống luật sở hữu trí tuệ thực thi tốt nhưng khi sang Việt Nam lại vướng phải vấn đề xâm phạm về sở hữu trí tuệ là một tín hiệu đáng buồn. Điều này thể hiện sự bất cân bằng trong thực thi đúng pháp luật của những doanh nghiệp như vậy.
Theo Luật sư Khương, giải pháp căn cơ nhất để xử lý hành vi xâm phạm phần mềm nói riêng và quyền tác giả, quyền liên quan nói chung chính là giải pháp về kinh tế, đảm bảo nguyên tắc, khi thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, thì chủ thể thực hiện hành vi vi phạm sẽ phải chịu các thiệt hại về mặt kinh tế lớn hơn những giá trị về mặt kinh tế thu được từ hành vi xâm phạm. Để xử lý được vấn đề này, trước tiên cần phải thay đổi mức xử phạt vi phạm hành chính và thay đổi quy định về việc xác định thiệt hại theo hướng dễ dàng hơn cho chủ thể quyền. Đây là những điều rất quan trọng để chủ sở hữu quyền có thể tiến hành các biện pháp bảo vệ quyền lợi dễ dàng cũng như ra tăng tính răn đe với những bên đang, đã và sẽ có hành vi xâm phạm về bản quyền.
“Ngoài ra, cần tiến hành xử điểm hình sự những vụ có tính chất vi phạm nghiêm trọng hoặc mang vụ việc ra trước toà để nhằm nâng cao nhận thực của doanh nghiệp trong nước”, Luật sư Khương nhấn mạnh.
Nguyễn Hùng
Nguồn bài báo: https://dantri.com.vn/suc-manh-so/vi-pham-ban-quyen-phan-mem-can-xu-diem-hinh-su-nhung-vu-nghiem-trong-20181212170946931.htm