"Bẫy nhãn hiệu" và các cách thức xử lý

SBLAW tư vấn về "Bẫy nhãn hiệu" và các cách thức xử lý

Việc một doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu nhưng bị từ chối do bị đăng ký trước ở một thị trường là tình huống thường xảy ra trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu. Ý tưởng trùng lặp về tên thương hiệu có thể là nguyên nhân nhưng phần lớn trong số đó là do chủ doanh nghiệp gặp phải tình huống “trademark troll”.

Trademark troll (tạm dịch “bẫy nhãn hiệu”) là trường hợp các công ty hoặc cá nhân đăng ký nhãn hiệu mà không có ý định kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ gắn nhãn hiệu đó. Mục đích chính của các trolls khi đăng ký nhãn hiệu là để kiếm tiền từ các công ty có nhãn hiệu đang được sử dụng mà chưa được đăng ký. “Bẫy nhãn hiệu” là nỗi ám ảnh lớn cho các đơn vị phát triển trong thời gian ngắn mà chưa kịp hoặc chưa nhận thức đúng về vai trò của nhãn hiệu trong kinh doanh đặc biệt trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu.

“Bẫy nhãn hiệu” là một vấn đề mà tất cả các chủ sở hữu thương hiệu nên nhận thức rõ ràng khi hoạt động kinh doanh, đặc biệt nếu có tham vọng vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia. Các công ty mới thành lập và các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường là những doanh nghiệp “lọt vào tầm ngắm” của các trolls. Với nguồn lực hạn chế, nhiều doanh nghiệp đã phải ngậm ngùi chia tay với nhãn hiệu mà mình đã dày công sức và tài chính vun đắp.

Các loại “bẫy”

a. Đơn đăng ký cơ hội

Các trolls loại này luôn cố gắng đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng hoặc nhãn hiệu tương tự, nhưng trolls cũng nhắm tới các thương hiệu mới ra mắt công chúng mà chưa tiến hành nộp đơn đăng ký bảo hộ. Đây là một rủi ro lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các start-up khi quyền sở hữu trí tuệ chưa được chú trọng bảo vệ trong giai đoạn đầu phát triển.

Mục tiêu của các trolls là đăng ký nhãn hiệu trước khi chủ sở hữu thực sự nhận ra. Họ cũng có thể đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa và dịch vụ trong các lĩnh vực kinh doanh không liên quan đến sản phẩm của chủ thương hiệu nhưng có thể trở nên hữu ích trong tương lai, chẳng hạn như dịch vụ trực tuyến.

Sau đó, trolls sẽ yêu cầu chủ sở hữu thực sự trả tiền cho giấy phép sử dụng nhãn hiệu hoặc đưa ra giá chuyển nhượng. Việc sử dụng nhãn hiệu có thể bao gồm việc sử dụng trên các trang web truyền thông xã hội và tên miền, cũng như trên chính các sản phẩm.

b. Chiếm đoạt nhãn hiệu

Cách làm này tương tự như trò chiếm đoạt trên mạng (hoặc chiếm tên miền) trong đó trolls sẽ đăng ký một tên miền với ý định bán lại cho chủ sở hữu thực sự, để kiếm lợi nhuận.

Người đăng ký nhãn hiệu bao gồm những người đăng ký trước nhãn hiệu được sở hữu hoặc sử dụng bởi chủ sở hữu nhãn hiệu ở một quốc gia khác. Nhãn hiệu mang tính lãnh thổ, vì vậy sự bảo vệ chỉ tồn tại trong phạm vi quốc gia nơi mà nhãn hiệu được đăng ký. Thay vì chủ động như với loại đầu tiên, trolls chờ cho đến khi chủ sở hữu thực sự mở rộng thị trường mới và lúc đó nhãn hiệu mà trolls đã đăng ký trở thành rào cản khi các doanh nghiệp tiến hành kinh doanh.

Một trolls thành công là trolls có thể chặn chủ sở hữu thương hiệu đăng ký nhãn hiệu trong một thị trường cụ thể và có thể kiểm soát khả năng của chủ sở hữu thương hiệu để sản xuất hoặc bán sản phẩm tại đó. Trolls dạng này là một vấn đề đặc biệt trong thời đại của thị trường trực tuyến, nơi mà rào cản biên giới không còn là vấn đề lớn với chủ doanh nghiệp. Chủ sở hữu thực sự có thể bị kiện vi phạm nhãn hiệu, nếu hàng hóa hoặc dịch vụ được bán rộng rãi trực tuyến. 

Vấn đề này có liên quan đến các quốc gia áp dụng quyền ưu tiên nộp đơn đầu tiên, nơi quyền sử dụng nhãn hiệu được trao cho người đầu tiên nộp đơn đăng ký nhãn hiệu và việc sử dụng nhãn hiệu thực tế ở nước ngoài được coi trọng. Điều này có nghĩa là người nộp đơn có thể được coi là chủ sở hữu hợp pháp thực sự ngay cả khi đơn đăng ký với động cơ không trung thực. Trung Quốc là một ví dụ điển hình.

Các doanh nghiệp nhỏ có nhiều rủi ro hơn từ hoạt động này vì họ ít có khả năng đã đăng ký nhãn hiệu của họ trong tất cả các lãnh thổ quan tâm.

“Bẫy nhãn hiệu” là một mối đe dọa thực sự cho doanh nghiệp hay không?

Một kẻ chuyên phá rối có thể cản trở khả năng kinh doanh của công ty. Nó có thể là một mối đe dọa để mở rộng và bán hàng. Không có quyền độc quyền sử dụng tên của mình, một doanh nghiệp sẽ gặp trở ngại khi phát triển tại thị trường mới.

Hơn nữa, một doanh nghiệp có thể không ngăn nổi các bên khác xâm phạm nhãn hiệu của mình, nếu không thể chứng minh rằng đó là chủ sở hữu thương hiệu thực sự. Bằng chứng thuyết phục về quyền sở hữu thương hiệu thường được thể hiện bằng cách đăng ký nhãn hiệu.

Trong một số trường hợp, chủ sở hữu thương hiệu có thể bị buộc phải thương lượng với các trolls để mua lại nhãn hiệu hoặc họ có thể cảm thấy rằng họ cần phải trả số tiền quá cao để giải quyết vấn đề. 

Chủ sở hữu thương hiệu nhỏ hơn có thể thấy rằng việc mua lại là phương án tốt thay vì theo đuổi kiện tụng bởi nếu mất doanh nghiệp có thể sẽ mất cả tên miền và tài khoản truyền thông xã hội.

Làm gì nếu nhãn hiệu đã bị trolls đăng kí?

Nếu lỡ là nạn nhân của một troll, doanh nghiệp có nhiều cách để “trả đũa” lại.

Có thể phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc hủy đăng ký dựa trên các quyền trước đó. Thành công sẽ phụ thuộc vào mức độ bằng chứng cho thấy rằng nhãn hiệu thuộc về doanh nghiệp với tư cách là chủ sở hữu thực sự và kết quả có thể không chắc chắn. Trong trường hợp các nhãn hiệu không giống nhau và / hoặc hàng hóa và dịch vụ không trùng nhau, doanh nghiệp cũng có thể cần phải xác định rằng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng hay không.

Có thể hủy bản đăng ký với bằng chứng cho thấy rằng đơn được nộp với mục đích xấu. Điều này có thể khó chứng minh, đặc biệt khi các nhãn hiệu không giống nhau, hoặc hàng hóa và dịch vụ thuộc các lĩnh vực khác nhau. 

Trong phần lớn các quốc gia, nếu đăng ký nhãn hiệu không được đưa vào sử dụng sau một thời gian nhất định, nó có thể bị thu hồi. Ở Anh và EU, một nhãn hiệu có thể bị thu hồi vì không sử dụng sau khi đã được đăng ký trong năm năm. Một số quốc gia, như Hoa Kỳ, yêu cầu người nộp đơn thể hiện ý định sử dụng nhãn hiệu này, trước khi có thể đăng ký. Điều này sẽ có vấn đề khi người nộp đơn không có ý định thực sự sử dụng nhãn hiệu.

Nếu một trolls mời doanh nghiệp mua nhãn hiệu, hãy xem kỹ những gì mà mình dự định mua. Trolls không phải là chuyên gia và có thể không chuẩn bị đặc điểm kỹ thuật theo cách mà doanh nghiệp sẽ thực hiện. Các nhãn hiệu doanh nghiệp đang xem xét mua có thể không có nhiều giá trị.

Nếu doanh nghiệp nhận được một lá thư đe dọa từ một kẻ chuyên sử dụng “bẫy nhãn hiệu”, hãy tìm kiếm tư vấn và đừng lo sợ. Trolls có thể rút lui nếu bạn có hành động đáp trả mạnh mẽ với những lập luận và chứng cứ hợp lý.

Mười cách để đáp trả lại “bẫy nhãn hiệu”

1) Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu nếu có thể. 

Đó là bất kỳ dấu hiệu nào đại diện cho doanh nghiệp của bạn và có thể bao gồm logo, biểu tượng hoặc cụm từ.

2) Đăng ký nhãn hiệu sớm và tốt nhất là trước khi ra mắt. 

Đăng ký nhãn hiệu có chi phí tương đối thấp, có thể được coi là một hình thức bảo hiểm, bảo vệ cho doanh nghiệp thoát khỏi những rủi ro không đáng có.

3) Chủ động đăng ký nhãn hiệu tại các thị trường tiềm năng. 

Trong thời đại của thị trường toàn cầu, mạng lưới kinh doanh rất rộng. Nên xem xét đăng ký nhãn hiệu trong các lãnh thổ nơi hàng hóa của doanh nghiệp được bán và sản xuất, nơi đặt cơ sở nghiên cứu và phát triển, hoặc nơi có thể là hàng giả. Nếu ngân sách cho phép, việc đăng ký phiên âm trong các lãnh thổ như Trung Quốc và Nga có thể rất hữu ích.

4) Tận dụng Công ước Paris. 

Khi đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp lần đầu tiên, nó có thể được sử dụng làm cơ sở để nộp đơn đăng ký tiếp theo ở các lãnh thổ khác. Nếu những đơn đăng ký đó được nộp trong vòng sáu tháng kể từ ngày nộp đơn ban đầu, quyền ưu tiên là ngày nộp đơn ban đầu ở quốc gia gốc. Điều này rất hữu ích nếu trolls đã nộp đơn đăng ký ở một lãnh thổ khác trong vòng sáu tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp sẽ có quyền ưu tiên sớm hơn.

5) Hãy chắc chắn rằng doanh nghiệp có các đối tác thương mại đáng tin cậy ở nước ngoài. Đây có thể một nhà sản xuất, nhà phân phối hoặc người được cấp phép đã đăng ký nhãn hiệu.

6) Nhớ ghi lại mọi giấy phép độc quyền mà doanh nghiệp đã có.

7) Việc dựa vào đăng ký dễ dàng hơn nhiều so với các quyền chưa đăng ký, nhưng các quyền pháp luật thông thường vẫn có hiệu lực, vì vậy hãy lưu hồ sơ về việc sử dụng nhãn hiệu nếu doanh nghiệp cần chứng minh việc sử dụng nó. Điều này có thể bao gồm ngày mà bất kỳ tên miền và tài khoản truyền thông xã hội đã được đăng ký. 

8) Đánh giá danh mục nhãn hiệu hiện tại của bạn thường xuyên. 

Đánh giá phải bao gồm danh sách hàng hóa và dịch vụ được đăng ký nhãn hiệu, để kiểm tra xem nhãn hiệu đã bao trùm hết danh mục hàng hóa, dịch vụ cần bảo hộ chưa, cũng như các lãnh thổ nơi nhãn hiệu được đăng ký. Nếu doanh nghiệp đổi thương hiệu, hãy kiểm tra xem mình đã nộp đơn đăng ký lại đầy đủ chưa.

9) Giám sát đăng ký nhãn hiệu để nhận được cảnh báo sớm về các đăng ký xung đột. Việc phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu thường dễ hơn là áp dụng để hủy đăng ký hiện có vì vậy cần giám sát chặt chẽ vấn đề này.

10) Giữ lại tất cả các email và thông tin liên lạc với trolls trong trường hợp bạn cần chứng minh rằng một đơn đăng ký đã được nộp với động cơ không trung thực.

Nếu không may mắn là nạn nhân của một trolls, thông điệp là trong hầu hết các trường hợp, tòa án sẽ giúp doanh nghiệp, miễn là doanh nghiệp có bằng chứng để chứng minh rằng quyền trước đó của mình tồn tại. Doanh nghiệp nên thảo luận với một luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ về các mối đe dọa vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trước khi thực hiện các hành động “đáp trả”.

(Bài viết được trích từ nguồn https://ipc.net.vn/xu-ly-cac-bay-nhan-hieu/ thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ).

Nguyễn Phạm Thu Hiền (tổng hợp)

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan