Nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ vi phạm, đa dạng về chủng loại… gây hậu quả nghiêm trọng cho đời sống xã hội. Đáng buồn các vụ kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái chưa được xử lý triệt để và ngay cả doanh nghiệp (DN)
cũng chưa coi bảo vệ thương hiệu là nhiệm vụ sống còn.
Hậu họa khôn lường
Nạn sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với đời sống KT-XH và quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, tệ nạn này diễn ra trên diện rộng, thuộc nhiều lĩnh vực và ngày càng gia tăng. Năm 2006, có 12.885 vụ vi phạm bị xử lý, năm 2007 có 15.323 vụ, năm 2008 tăng lên 18.539 vụ; thống kê sơ bộ 6 tháng đầu năm nay đã có khoảng 10.000 vụ. Đặc biệt, nạn làm giả các mặt hàng như thực phẩm chế biến, rượu - bia - nước giải khát và tân dược đã nhiều lần gây nhức nhối trong dư luận. Người ta chưa thể quên những trường hợp tử vong, bởi uống rượu không rõ xuất xứ diễn ra gần đây... Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan đã để lại tiếng xấu, ảnh hưởng tới uy tín của hàng hóa Việt Nam trong mắt đối tác quốc tế. Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam cho biết, nhiều DN, cá nhân trong nước tự xuất ngoại tìm và đặt đối tác làm hàng giả, hàng nhái chuyển về tiêu thụ trong nước. Thậm chí việc làm này có dấu hiệu được thực hiện một cách có hệ thống, theo dây chuyền.
Hàng giả có chỗ đứng là vì nó giống như thật nên dễ đánh vào tâm lý thích dùng hàng "như thật" mà lại rẻ của không ít người tiêu dùng, nhất là khi thu nhập cá nhân còn hạn hẹp. Thêm nữa, không ít DN chưa quan tâm đúng mức tới quyền lợi chính đáng của mình, không có ý thức tự bảo vệ thương hiệu. Chưa kể, đến nay việc tiếp nhận và giải quyết đến cùng các vụ việc làm hàng giả, hàng nhái vẫn thiếu tính nhất quán, nhiều khi kéo dài, không đạt kết quả, khiến dư luận xã hội thiếu tin tưởng. Hơn nữa, các biện pháp xử lý không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Đại diện Cục QLTT nhận xét, việc còn nhiều đơn vị chưa quan tâm đến vấn đề pháp lý, thiếu bộ phận chuyên trách bảo vệ thương hiệu cho thấy DN chưa sẵn sàng vào cuộc chống hàng giả.
Giải pháp thực tế
Các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc cần tiếp tục phối hợp và lồng ghép nhiều biện pháp tuyên truyền, trưng bày hàng thật - hàng giả, ra quân trấn áp, bắt giữ hàng vi phạm... cần tăng cường trang bị máy móc, thiết bị chuyên dùng để thực hiện tốt khâu giám định. Hiện nay, công tác giám định chất lượng, mẫu mã hàng hóa còn phức tạp, khó thực hiện vì chưa sát thực tế, gây khó khăn cho việc chống hàng giả. Nhiều trường hợp thật sự khó giải quyết khi một số cơ quan chức năng đưa ra những kết luận khác nhau.
Theo Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện quy định về sở hữu trí tuệ và xử lý vi phạm liên quan cho phù hợp với yêu cầu và diễn biến thực tế, đồng thời tăng cường xây dựng ý thức công dân thông qua tuyên truyền, nhất là xây dựng hình ảnh người tiêu dùng văn minh, biết tự bảo vệ bản thân và ủng hộ sản xuất, kinh doanh lành mạnh. Ông Lê Thế Bảo nhấn mạnh, cần duy trì liên tục sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng với chủ sở hữu thương hiệu để tiếp nhận thông tin, điều tra và đánh trúng những ổ, nhóm làm hàng giả lớn, tạo hiệu quả nhiều mặt trên diện rộng, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng. DN cần tăng cường khả năng tự bảo vệ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nhất là thực hiện đăng ký thương hiệu ngay khi có thể, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm… Cần có sự hợp tác trong điều tra, thống nhất quan điểm trong giải quyết tranh chấp liên quan đến hàng giả và thương hiệu giữa các tổ chức, cơ quan chức năng của Việt Nam và các nước, nhất là với các nước láng giềng, bởi xu thế hội nhập và giao lưu hàng hóa quốc tế sẽ ngày càng sâu rộng, đòi hỏi sự phối hợp có hiệu quả trên lĩnh vực chống hàng giả giữa các quốc gia.
Nguồn "Báo Hànộimới"