Bảo hộ nhãn hiệu Doanh nghiệp vẫn thờ ơ

Bảo hộ nhãn hiệu Doanh nghiệp vẫn thờ ơ

Bảo hộ nhãn hiệu “Mất bò mới lo làm chuồng”, đòi lại nhãn hiệu là một việc phức tạp, tốn kém  và gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp, nhưng đó lại là thực trạng hay  xảy ra với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ta.

Trong thời gian 10 năm từ 1990 đến 2000, việc đăng ký nhãn hiệu trong nước đã tăng

 đáng kể và thực sự đột phá từ năm 2000 khi nước ta phấn đấu gia nhập WTO và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Lượng đơn gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài trong năm 2004 đã lên tới hơn 17.000 đơn và trong năm 2005 dự kiến có thể sẽ lên đến 20.000. Sự thay đổi này phần lớn là do tác động từ một số vụ doanh nghiệp nước ta bị mất nhãn hiệu ở nước ngoài.

 

Theo TS Trần Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, lợi ích của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa gần đây đã được các doanh nghiệp nhận thấy rõ ràng. Nhãn hiệu là tài sản vô hình lớn nhất của các doanh nghiệp nên việc bảo vệ không hề đơn giản. Nhãn hiệu chỉ có tính chất lãnh thổ nên các doanh nghiệp muốn tham gia xuất khẩu, vươn ra thị trường lớn và mới trên thế giới thì nhãn hiệu phải được đăng ký ở cơ quan Nhà nước để có thể xác lập quyền chủ sở hữu.

 

Nếu nhãn hiệu không được đăng ký, nó sẽ thành vô chủ. Khi ấy, mọi sự vi phạm, tranh chấp nhãn hiệu sẽ không có căn cứ để các cơ quan chức năng giải quyết.

 

Ông Phạm Quang Hưng, Công ty T&A Việt Nam cho biết, nhãn hiệu có thể chiếm đến 90% giá trị của hàng hóa trên thị trường. Việc xây dựng một nhãn hiệu là đầu tư chứ không phải tiêu tiền. Nhãn hiệu là để bán, xuất khẩu, làm hài lòng khách hàng chứ không phải để thỏa mãn cá nhân chủ sở hữu. Chính vì vậy, nhãn hiệu phải được đăng ký và bảo hộ ở cả trong và ngoài nước.

 

Thực tế cho thấy, khi các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sẽ gặp phải những tranh chấp nhãn hiệu. Ông Bạch Thanh Bình, Văn phòng luật sư Phạm & liên danh cho biết các doanh nghiệp này thường chỉ chú trọng khâu sản xuất, còn khâu tiêu thụ phó mặc cho các đại lý, đối tác kinh doanh. Tranh chấp xảy ra khi các đại lý này đăng ký nhãn hiệu ở nước sở tại và coi như nhãn hiệu của mình.

 

Đã có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp nước ta bị mất thương hiệu ở nước ngoài do không đăng ký như: bánh phồng tôm Sa Giang, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên, PetroVienam, thuốc lá Vinataba… Mất nhãn hiệu không chỉ là mất đi thị trường, mất bạn hàng, mất thương hiệu mà sẽ thiệt hại, tốn kém rất lớn cho các doanh nghiệp.

 

Điển hình nhất có lẽ là trường hợp võng xếp Duy Lợi, doanh nghiệp đã mất quyền xuất khẩu khi chỉ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và kiểu dáng công nghiệp trong nước mà không đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài nên đã bị đối tác đăng ký bảo hộ dưới dạng sáng chế.

 

Điều đáng báo động với nhiều doanh nghiệp nước ta, kể cả những doanh nghiệp lớn là vẫn còn “thờ ơ” với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài. Theo con số thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, chỉ có khoảng 1.000 nhãn hiệu của các doanh nghiệp nước ta được đăng ký ở nước ngoài. Đây là con số quá nhỏ so với thực tế tình hình xuất khẩu của nước ta hiện nay.

 

Để đẩy mạnh việc đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài, ông Hùng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức và sự hiểu biết của các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của nhãn hiệu thì nhãn hiệu sẽ được đăng ký ở nước ngoài và ở những thị trường xuất khẩu quan trọng. Chính các doanh nghiệp phải tự bảo vệ nhãn hiệu và thị trường của mình trước sự sôi động của nền kinh tế thế giới.

 

Đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài, các doanh nghiệp có thể làm việc với quốc gia đó hoặc theo quy định của thỏa ước quốc tế. Nếu theo quy định của Thỏa ước Madrid thì hoàn toàn dễ dàng vì doanh nghiệp sẽ nhận được sự hướng dẫn từ Cục Sở hữu trí tuệ và các đại diện. Cục sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp và là trung gian chuyển nhu cầu đăng ký. Nếu đăng ký ngoài 54 nước trong Thỏa ước, thì các doanh nghiệp sẽ phải theo trình tự thủ tục làm việc trực tiếp với nước sở tại.

 

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài sẽ gặp khó khăn tốn kém kinh phí bởi nếu đăng ký ở trong nước, mỗi nhãn hiệu chỉ mất khoảng 1 triệu đồng nhưng đăng ký ở nước ngoài, các doanh nghiệp sẽ phải mất khoảng 1.000 USD. Tuy nhiên, nó sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu chúng ta phải đòi lại khi bị mất, chiếm đoạt hoặc khi tranh chấp.

 

Muốn giữ vững thị trường, ổn định xuất khẩu, không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp Việt Nam phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài…

Theo Vneconomy

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại – Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan