Bảo hộ chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu

Bảo hộ chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu - thực trạng pháp luật Việt Nam và một số đề xuất

Tóm tắt: Bài viết phân tích về sự tương đồng và khác biệt trong cơ chế bảo hộ quyền tác giả và nhãn hiệu, các trường hợp chồng lấn và hệ quả của việc bảo hộ chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu. Từ thực trạng các quy định của pháp luật Việt Nam, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần hạn chế các vấn đề phát sinh từ việc bảo hộ chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu.

Abstract: The article analyzes the similarity and difference in the protection mechanism of copyright and trademark, overlapping cases and consequence of overlapping protection between copyright and trademark. From the real situation of legal provisions of Vietnam, the article proposes some solutions to limit problems arising out of overlapping protection between copyright and trademark.

1. Sự tương đồng và khác biệt trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu

Quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp đều là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu nên chúng mang những đặc điểm chung của quyền sở hữu trí tuệ như đối tượng bảo hộ là tài sản vô hình, chứa đựng khía cạnh thương mại và đều bị giới hạn nhất định về thời gian, không gian và vì lợi ích chung của cộng đồng. Tuy nhiên, đây là hai bộ phận độc lập của quyền sở hữu trí tuệ, được bảo hộ theo hai cơ chế có nhiều điểm khác biệt cơ bản như sau:

Về đối tượng: Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ), quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Theo đó, đối tượng bảo hộ của quyền tác giả là tác phẩm - sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu có thể tồn tại dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc.

Căn cứ xác lập quyền: Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Trong khi quyền đối với nhãn hiệu thông thường được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, riêng nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập quyền trên cơ sở thực tiễn sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Điều kiện bảo hộ: Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả khi thỏa mãn điều kiện là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định và không phải là các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả quy định tại Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ. Đối với nhãn hiệu, điều kiện bảo hộ là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc, phải có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác và không thuộc các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu quy định tại Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ.

Nội dung và các trường hợp giới hạn quyền: Bảo hộ quyền tác giả mang lại độc quyền cho chủ sở hữu trong việc khai thác, sử dụng tác phẩm trong một thời hạn xác định và ngăn cấm các chủ thể khác sao chép, sử dụng trái phép tác phẩm nhằm bù đắp chi phí và khuyến khích các hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên, pháp luật cũng có những quy định giới hạn quyền của chủ sở hữu nhằm hài hòa giữa lợi ích của chủ sở hữu và lợi ích của công chúng như tác phẩm sẽ thuộc về công chúng khi hết thời hạn bảo hộ, quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ), các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ)… Bên cạnh đó, trong cơ chế bảo hộ quyền tác giả, tác giả, chủ sở hữu không có quyền ngăn cấm chủ thể khác khai thác, sử dụng tác phẩm khi họ chứng minh được tác phẩm được tạo ra một cách độc lập. Trong khi đó, bảo hộ nhãn hiệu mang lại cho chủ sở hữu độc quyền trong việc khai thác, sử dụng nhãn hiệu trong hoạt động kinh doanh, thương mại cũng như quyền ngăn cấm các chủ thể khác sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ trong danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu, trừ các trường hợp giới hạn quyền quy định tại các điểm b, g, h khoản 2 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ và nếu là nhãn hiệu nổi tiếng thì phạm vi bảo hộ còn mở rộng đến hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bảo hộ, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng. Chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền ngăn cấm các chủ thể khác sử dụng nhãn hiệu trong các trường hợp trên cho dù chủ thể khác chứng minh được dấu hiệu đó được tạo ra một cách độc lập và họ không biết đến sự tồn tại của nhãn hiệu đang được bảo hộ từ trước.

Thời hạn bảo hộ: Đối với quyền tác giả, quyền nhân thân tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ được bảo hộ vô thời hạn; quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm được bảo hộ có thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ. Đối với nhãn hiệu, khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm”. Như vậy, thời hạn bảo hộ nhãn hiệu là không xác định được. Vì một nhãn hiệu sẽ tiếp tục được bảo hộ nếu chủ sở hữu gia hạn và sử dụng nhãn hiệu đó theo quy định của pháp luật.

2. Hệ quả của việc bảo hộ chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu

Thứ nhất, trong việc đăng ký, xác lập quyền

Trong trường hợp một chủ thể yêu cầu bảo hộ quyền tác giả đối với một đối tượng, đồng thời đăng ký dấu hiệu đó làm nhãn hiệu thì sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chủ thể quyền. Vì họ sẽ đồng thời được hưởng quyền theo sự bảo hộ của cả hai cơ chế cũng như tạo cơ hội kéo dài thời hạn bảo hộ, thời gian được hưởng độc quyền của chủ sở hữu đối với một sản phẩm trí tuệ, bởi nhãn hiệu có thể được bảo hộ trong thời gian dài tùy thuộc ý chí của chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi và kéo dài thời hạn bảo hộ này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng, bao gồm lợi ích của người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, các chủ thể tiếp tục sáng tạo, phá vỡ sự cân bằng lợi ích giữa chủ thể sáng tạo và công chúng hưởng thụ cũng như tác động đến hoạt động cạnh tranh trên thị trường.

Thứ hai, trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Đối với trường hợp một chủ thể yêu cầu bảo hộ đồng thời quyền tác giả và quyền đối với nhãn hiệu cho cùng một đối tượng, khi có hành vi xâm phạm, họ có thể lựa chọn cơ chế bảo hộ phù hợp nhất hoặc đồng thời vận dụng cả hai cơ chế để ngăn chặn, xử lý. Điều này mang lại phạm vi bảo hộ tối đa cho chủ thể quyền, tuy nhiên cũng dẫn đến sự chồng lấn về thẩm quyền, mâu thuẫn về trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và thực thi.

Đối với trường hợp hai chủ thể khác nhau yêu cầu bảo hộ một đối tượng theo cơ chế của quyền tác giả và nhãn hiệu, việc thực thi quyền của các chủ thể sẽ gặp nhiều vướng mắc, tranh chấp, khiến cho các chủ thể quyền tốn kém nhiều thời gian, chi phí để theo đuổi các vụ việc, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và có thể dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi cũng rất khó để xem xét, xác định hành vi xâm phạm và sẽ gặp lúng túng, chậm trễ trong quá trình xử lý vụ việc.

Thứ ba, trong việc thương mại hóa

Việc bảo hộ chồng lấn quyền tác giả và nhãn hiệu đối với cùng một đối tượng của một chủ thể mang lại rất nhiều lợi ích trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng doanh thu cho chủ thể từ việc kinh doanh các sản phẩm gắn nhãn hiệu có uy tín hoặc sử dụng bao bì đã có dấu ấn tốt trong tâm trí người tiêu dùng hay lợi nhuận từ khoản phí chuyển giao quyền sử dụng đối tượng. Bên cạnh đó, chủ thể cũng có thể bảo vệ được tối đa quyền lợi của mình, đòi được bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

3. Thực trạng pháp luật Việt Nam về bảo hộ chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu

Hiện nay, hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa có quy định về việc không cho phép một chủ thể được bảo hộ đồng thời một đối tượng thuộc sở hữu của mình là tác phẩm và nhãn hiệu nếu đối tượng đó thỏa mãn đồng thời tiêu chuẩn bảo hộ đối với cả hai đối tượng này. Như vậy, chủ thể sáng tạo hoàn toàn có thể yêu cầu bảo hộ đồng thời hoặc liên tục một đối tượng là tác phẩm và nhãn hiệu để mở rộng phạm vi độc quyền của mình và có quyền yêu cầu các cơ quan thực thi xem xét, xử lý khi phát hiện hành vi xâm phạm của chủ thể thứ ba. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền cũng như trình tự, thủ tục xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp không hoàn toàn đồng nhất nên trong trường hợp nêu trên, chủ sở hữu có quyền áp dụng cả hai cơ chế để bảo vệ quyền lợi của mình hay chỉ được lựa chọn một trong hai; trách nhiệm phát hiện, xử lý, việc phối hợp giữa các cơ quan là như thế nào, pháp luật cũng chưa có điều chỉnh cụ thể. Như vậy, có thể thấy pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể để giải quyết vấn đề bảo hộ chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu trong trường hợp đồng nhất về chủ thể.

Đối với trường hợp không đồng nhất về chủ thể quyền tác giả và chủ sở hữu nhãn hiệu, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã có một số quy định điều chỉnh vấn đề bảo hộ chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu như sau:

Thứ nhất, quy định điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu để tránh xung đột với đối tượng được bảo hộ quyền tác giả của chủ thể khác. Cụ thể, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm, dấu hiệu không có khả năng phân biệt và không được bảo hộ là nhãn hiệu nếu (i) Dấu hiệu chữ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi của các nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả đã được biết đến một cách rộng rãi[1]; (ii) Dấu hiệu hình trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình ảnh của các nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi[2]. Theo đó, nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm, dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên gọi, hình ảnh của các nhân vật và hình tượng trong các tác phẩm đã được biết đến rộng rãi sẽ không được bảo hộ là nhãn hiệu, kể cả trong trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng với chức năng nhãn hiệu và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Quy định này nhằm hạn chế khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về mối liên hệ của chủ sở hữu tác phẩm và chủ sở hữu nhãn hiệu cũng như hạn chế tình trạng bảo hộ chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu. Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định cụ thể thế nào là hình tượng trong các tác phẩm được bảo hộ, tiêu chí nào để đánh giá “được biết đến rộng rãi”, việc đánh giá mức độ tương tự gây nhầm lẫn giữa nhãn hiệu đăng ký và tên gọi, hình ảnh nhân vật được bảo hộ quyền tác giả sẽ dựa trên những tiêu chí nào cũng như có ngoại lệ nào không khi áp dụng quy định trên (ví dụ như trường hợp tên gọi của các nhân vật là tên gọi thông thường trong đời sống hay tên gọi chỉ chung một nhóm nhân vật và từng nhân vật có tên gọi riêng thì sẽ áp dụng ra sao)? Hơn nữa, theo Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) thì tên nhân vật không được bảo hộ nên việc áp dụng quy định này trên thực tế còn nảy sinh nhiều mâu thuẫn và bất hợp lý. Ngoài ra, pháp luật cũng chưa quy định rõ trường hợp một chủ thể có quyền đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên gọi, hình ảnh nhân vật, hình tượng trong tác phẩm được biết đến rộng rãi của chủ thể khác nhưng đã hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả hay không, liệu có cần giới hạn một khoảng thời gian để người tiêu dùng tránh bị nhầm lẫn về mối liên hệ giữa người đăng ký nhãn hiệu và chủ sở hữu quyền tác giả? Bên cạnh đó, theo điểm 39.7 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp quy định về nguồn thông tin tối thiểu để đánh giá khả năng được bảo hộ của nhãn hiệu không có quy định cụ thể bắt buộc phải tra cứu các nội dung liên quan đến quyền tác giả trong khi nhiều tác phẩm không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vì vậy, việc thẩm định các dấu hiệu gặp nhiều khó khăn và dễ dẫn đến thiếu sót.

Thứ hai, để giải quyết tình trạng một đối tượng được bảo hộ là nhãn hiệu của một chủ thể và là tác phẩm của một chủ thể khác, làm phát sinh tranh chấp giữa các chủ thể, Điều 17 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp quy định: “Quyền sở hữu công nghiệp có thể bị hủy bỏ hiệu lực hoặc bị cấm sử dụng nếu xung đột với quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác được xác lập trước”. Như vậy, pháp luật có quy định khi có tranh chấp xảy ra thì quyền nào xác lập trước sẽ được ưu tiên và các chủ thể có nghĩa vụ chứng minh để bảo vệ quyền lợi của mình. Theo quy định này, một đối tượng được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu của một chủ thể có thể bị hủy bỏ hiệu lực hoặc cấm sử dụng nếu xung đột với quyền tác giả bảo hộ chính đối tượng đó là tác phẩm thuộc sở hữu của chủ thể khác được xác lập trước. Tuy nhiên, đây là quy định mang tính  nguyên tắc, việc xem xét cụ thể việc hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cần căn cứ vào quy định tại Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định dẫn chiếu tương ứng. Theo đó, pháp luật hiện hành mới chỉ có quy định áp dụng đối với trường hợp quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của một chủ thể bị hủy bỏ hiệu lực nếu trùng hoặc tương tự với tên gọi, hình ảnh của các nhân vật và hình tượng trong các tác phẩm đã được biết đến rộng rãi của chủ thể khác. Nếu không thuộc trường hợp đó, cơ sở pháp lý cụ thể cho việc hủy bỏ và cấm sử dụng nhãn hiệu sẽ như thế nào, ví dụ trường hợp nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng của chủ thể khác xác lập trước? Trong khi đó, đối với trường hợp ngược lại, pháp luật quy định giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ bị hủy bỏ hiệu lực nếu người được cấp không phải là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tác phẩm được đăng ký không thuộc đối tượng được bảo hộ (khoản 2 Điều 55 Luật Sở hữu trí tuệ). Như vậy, giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả của một chủ thể sẽ có thể bị hủy bỏ hiệu lực nếu chủ sở hữu nhãn hiệu chứng minh được chủ thể đó không phải là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và tác phẩm không phải sản phẩm sáng tạo mà là sự sao chép dấu hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc giải quyết các trường hợp tranh chấp này khá phức tạp và tốn kém nhiều thời gian, chi phí bởi khó khăn trong việc đánh giá mức độ như thế nào được coi là sao chép và việc chứng minh để bác bỏ lập luận chủ thể quyền tác giả sáng tạo tác phẩm hoàn toàn độc lập. Do đó, các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi thường lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến trường hợp chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu.

4. Một số kiến nghị nhằm giải quyết vấn đề bảo hộ chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu

Thứ nhất, Việt Nam nên áp dụng cơ chế bảo hộ độc lập để tránh những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trên thực tế, bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như khuyến khích các hoạt động sáng tạo và đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Theo đó, pháp luật cần bổ sung quy định loại trừ việc một chủ thể quyền có thể được hưởng sự bảo hộ đồng thời hoặc liên tục giữa quyền tác giả và quyền đối với nhãn hiệu, hay nói cách khác, chủ thể quyền chỉ lựa chọn một trong hai cơ chế bảo hộ một đối tượng dưới dạng tác phẩm theo quyền tác giả hoặc nhãn hiệu theo quyền sở hữu công nghiệp tùy theo bản chất của đối tượng, nhu cầu, mục đích sử dụng cũng như điều kiện phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, cần loại bỏ quy định dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu nếu là “dấu hiệu chữ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi của các nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi, mà không được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó”, bởi lẽ pháp luật về quyền tác giả không bảo hộ tên nhân vật cũng như chưa đưa ra khái niệm về hình tượng nhân vật.

Thứ ba, cần quy định chi tiết về tiêu chí đánh giá “được biết đến rộng rãi” như số lượng người biết đến tác phẩm; số lượng bản sao tác phẩm được phân phối, truyền đạt đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử; thông tin về việc trưng bày, triển lãm, giới thiệu tác phẩm đến với công chúng; bình luận, đánh giá của công chúng, các giải thưởng tác phẩm được trao…

Thứ tư, cần bổ sung quy định làm căn cứ đánh giá mức độ tương tự gây nhầm lẫn giữa nhãn hiệu đăng ký và hình ảnh nhân vật được bảo hộ quyền tác giả như đánh giá phạm vi bảo hộ tổng thể, từng thành phần, mức độ tương tự của dấu hiệu đăng ký với hình ảnh nhân vật về tổng thể và với các thành phần gây ấn tượng mạnh đối với công chúng; thực tiễn tập quán mua bán, phân phối, lựa chọn, sử dụng hàng hóa, dịch vụ; điều kiện, phương thức, địa điểm bày bán, phân phối, tiếp thị, quảng bá, mua bán hàng hóa, dịch vụ; đặc điểm, mức độ chú ý của người tiêu dùng khi lựa chọn, mua bán hàng hóa, dịch vụ; chứng cứ về hậu quả nhầm lẫn đối với người tiêu dùng…

Thứ năm, bổ sung quy định cho phép trường hợp một chủ thể có quyền đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với hình ảnh nhân vật trong tác phẩm được biết đến rộng rãi của chủ thể khác nhưng đã hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả năm năm để người tiêu dùng tránh bị nhầm lẫn về mối liên hệ giữa người đăng ký nhãn hiệu và chủ sở hữu quyền tác giả.

Thứ sáu, bổ sung quy định nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được bảo hộ theo pháp luật về quyền tác giả vào khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ để làm căn cứ hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trên thực tế.

Bên cạnh đó, cần áp dụng đồng thời một số giải pháp như tăng cường sự phối hợp về thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước (như Cục Bản quyền tác giả, Cục Sở hữu trí tuệ) và các cơ quan thực thi để giải quyết một cách hợp lý các vấn đề nảy sinh do bảo hộ chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu; nâng cao năng lực của các cán bộ giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hộ chồng lấn quyền sở hữu trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao để tư vấn, hỗ trợ cho chủ thể quyền; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật sở hữu trí tuệ trong các doanh nghiệp, cơ quan để các tổ chức, cá nhân có liên quan nhận thức được về việc xây dựng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; mở rộng hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ.

ThS. Phạm Minh Huyền

Đại học Luật Hà Nội

Tài liệu tham khảo:

[1]. Điểm 39.3.l Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.

[2]. Điểm 39.4.g Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo tcdcpl.moj.gov.vn

» Thủ tục đăng ký nhãn hiệu

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan

Công bố sản phẩm hợp quy

Công bố sản phẩm hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn

Đăng ký nhãn hiệu tại Nepal

Quá trình đăng ký nhãn hiệu tại Nepal Bước 1: Tra cứu nhãn hiệu Kết quả của bước này là bản Thông báo kết quả