Chưa hết lo lắng về chất lượng đồ ăn thức uống từ vụ kẹo giả Kera thì những ngày qua, dư luận lại bàng hoàng trước thông tin cơ quan chức năng phanh phui đường dây sản xuất sữa bột giả quy mô cực lớn với hệ sinh thái 11 công ty và mạng lưới phân phối trải dài trên toàn quốc.
Trong gần 600 loại sữa bột giả được tiêu thụ có nhiều loại dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người tiểu đường, suy thận…một hành vi có thể nói là vô nhân đạo, là tội ác.
Chế tài xử phạt cho hành vi này đã có, tuy nhiên, mức án theo quy định của pháp luật hiện hành liệu có còn phù hợp và đủ sức răn đe?
Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, Bộ Luật hình sự cần được sửa đổi như thế nào để xử lý và ngăn ngừa tình trạng này?
Trong chương trình hôm nay chúng tôi đặt ra vấn đề này với khách mời là Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật SBLAW.
Thưa quý vị thính giả và Luật sư Nguyễn Thanh Hà! Thật không thể tin nổi 11 công ty, với gần 600 loại sữa giả được sản xuất, quảng cáo rầm rộ, công khai và bán tràn lan các trên mạng xã hội suốt 4 năm qua mà không bị phát hiện, xử lý! Ông có suy nghĩ gì về vụ việc này?
|
Về vụ việc gần 600 loại sữa giả được sản xuất, tiêu thụ trong suốt 4 năm mà không bị phát hiện, đây thực sự là hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiện nay – cả ở khâu kiểm soát thị trường, kiểm nghiệm chất lượng, lẫn cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Trước hết, sản xuất và buôn bán thực phẩm giả là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu của nhiều tội danh hình sự như “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” được quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 – với mức phạt cao nhất có thể lên tới chung thân nếu gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Thứ hai, vụ việc cũng cho thấy việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội hiện nay còn quá lỏng lẻo. Các đối tượng đã lợi dụng các nền tảng như Facebook, TikTok, sàn thương mại điện tử… để phát tán quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng – trong khi vai trò kiểm soát của cả ngành y tế, công thương, thông tin – truyền thông vẫn còn phân tán, thiếu tính liên ngành, không có hệ thống cảnh báo sớm. Càng đáng lo ngại hơn khi nhiều sản phẩm này đã “hợp thức hóa” bằng cách tự công bố chất lượng, tức là doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ là được bán sản phẩm – một cơ chế đúng là giúp giảm thủ tục hành chính, nhưng nếu không có hệ thống hậu kiểm hiệu quả thì rất dễ bị biến tướng thành công cụ “rửa tội” cho hàng giả, hàng kém chất lượng.
|
Không chỉ Kẹo rau củ Kera hay 600 loại sữa bột bị làm giả và thổi phồng về chất lượng đâu. Khi 2 vụ việc bị phanh phui, người dân nhìn lại hoạt động mua sắm trên không gian mạng, hầu hết đều bức xúc bởi cảm giác mình bị lừa một cách công khai, trắng trợn. Phóng sự do đồng nghiệp của chúng tôi – phóng viên Anh Thu, vừa thực hiện cho thấy phần nào thực trạng này.
|
Phóng sự |
Thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà! Hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ công lý, ông cảm thấy thế nào khi nghe phóng sự vừa rồi – một bức tranh với rất nhiều “mảng xám” về các hành vi vi phạm pháp luật và sự bất an của người dân?
|
Là người làm nghề luật, gắn bó với việc bảo vệ lẽ phải và công lý, khi lắng nghe toàn bộ phóng sự vừa rồi, tôi cảm thấy vừa đau lòng, vừa trăn trở. Không chỉ bởi sự liều lĩnh, tinh vi của các đối tượng sản xuất hàng giả mà còn là cảm giác bất an, mất niềm tin đang lan rộng trong xã hội. Người dân bỏ tiền ra mua sản phẩm chăm sóc sức khỏe – vốn tin rằng đó là “bổ sung” cho thể trạng của mình – nhưng hóa ra lại đang dùng hàng nhái, hàng kém chất lượng suốt nhiều năm trời, mà không ai phát hiện, không ai cảnh báo. Đó là điều rất nguy hiểm! Luật, Nghị định, thậm chí cả chế tài hình sự đều đã có – nhưng nếu thiếu một bộ máy kiểm tra minh bạch, không có phối hợp liên ngành và không xử lý nghiêm minh, thì những quy định đó chỉ nằm trên giấy. Từ góc độ của một luật sư, thiết nghĩ, bảo vệ công lý không chỉ nằm ở tòa án, ở luật sư hay cơ quan điều tra, mà còn nằm ở mỗi bước thực thi pháp luật hàng ngày, trong từng hành vi kiểm tra thị trường, phê duyệt sản phẩm, thậm chí cả việc xử lý quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội. Khi những mắt xích đó bị buông lỏng, thì hệ quả là cả xã hội phải gánh chịu. Vì thế, hy vọng rằng từ những “mảng xám” được phản ánh trong phóng sự này, chúng ta – cả cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân – sẽ hành động mạnh mẽ hơn, không để những vụ việc như thế này tiếp diễn, và từng bước khôi phục lại niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật.
|
Đề cập thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được rao bán tràn lan trên không gian mạng, dư luận cho rằng nguyên nhân chính là do pháp luật còn nhiều kẽ hở, thiếu tính răn đe. Quan điểm của ông như thế nào về nhận định này? |
Thực tế hiện nay, hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng đang được rao bán tràn lan trên các nền tảng số như Facebook, TikTok, Zalo, Shopee, v.v…, mà việc phát hiện và xử lý lại rất hạn chế. Đây không chỉ là vấn đề của thị trường, mà là vấn đề pháp lý và thực thi pháp luật. Theo Điều 9 Điều 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP xử phạt đối với hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả có thể bị phạt từ hàng chục triệu đồng với mức thu lợi tương ứng từ 50 triệu đến 100 triệu. Khi mức thu lợi của đối tượng thực hiện hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả cao hơn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 192, 193 Bộ luật hình sự theo đó các mức xử phạt phạt tù có thời hạn cao nhất là chung thân. Thứ nhất, quản lý hoạt động thương mại điện tử và quảng cáo trên không gian mạng còn lỏng lẻo Các đối tượng lợi dụng kẽ hở về đăng ký tài khoản ảo, giao dịch qua trung gian, vận chuyển không dấu vết để qua mặt cơ quan chức năng. Nhiều nền tảng mạng xã hội hiện chưa có trách nhiệm pháp lý rõ ràng trong việc kiểm duyệt nội dung quảng cáo, khiến cho thông tin sai sự thật lan truyền mạnh mẽ, khó kiểm soát. Thứ hai, cơ chế phối hợp liên ngành chưa hiệu quả Việc phát hiện, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm trên mạng cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan như: công an, quản lý thị trường, thanh tra y tế, bộ TT&TT… Nhưng thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng “chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm” hoặc thiếu cơ chế cảnh báo sớm và chia sẻ dữ liệu liên ngành. Chính vì vậy, nếu không có sự điều chỉnh pháp luật kịp thời – đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử và an toàn thực phẩm – thì các đối tượng xấu vẫn sẽ tiếp tục lợi dụng không gian mạng để trục lợi trên sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.
|
Thực thi pháp luật yếu kém, theo ông có phải cũng là nguyên nhân khiến tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp như vậy?
|
Việc thực thi pháp luật là một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm. Pháp luật nước ta không thiếu quy định để xử lý hành vi này – từ Luật An toàn thực phẩm, Luật Quảng cáo, Luật Thương mại, cho đến các quy định trong Bộ luật Hình sự như Điều 193, 194, 197… Tuy nhiên, khoảng cách giữa quy định trên giấy và việc thực thi trong thực tế vẫn còn rất lớn. Cụ thể, một số bất cập còn tồn tại đáng chú ý trong khâu thực thi như sau: Công tác thanh tra, kiểm tra còn nặng hình thức, thiếu tính đột xuất và không theo hướng quản lý rủi ro. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ bị kiểm tra khi có phản ánh hoặc hậu quả đã xảy ra. Trong khi đó, các đối tượng làm hàng giả ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi địa điểm, sử dụng công nghệ để che giấu hành vi. Thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng. Việc xử lý vi phạm trong môi trường mạng đòi hỏi sự liên ngành giữa Bộ Y tế, Công an, Quản lý thị trường, Bộ TT&TT… Nhưng hiện nay, nhiều vụ việc bị “ngâm lâu”, không rõ đầu mối chịu trách nhiệm chính, hoặc xử lý chậm khiến hành vi vi phạm vẫn diễn ra công khai. Trách nhiệm của các cơ quan thực thi chưa cao, còn thiếu quyết liệt. Trong một số trường hợp, cơ quan thực thi pháp luật chưa làm hết trách nhiệm, thiếu cương quyết trong việc xử lý hình sự những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Điều này dẫn đến tình trạng các đối tượng vi phạm sẵn sàng tái phạm vì lợi nhuận quá lớn so với mức phạt.
|
Thưa quý vị thính giả và khách mời!
Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Công an vừa đề xuất bổ sung hàng loạt quy định mới vào dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, trong đó nhấn mạnh việc xử phạt nghiêm các cá nhân và tổ chức lợi dụng nền tảng số để kinh doanh hàng giả. |
Box thông tin
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an soạn thảo, quy định: hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm nếu diễn ra trên các nền tảng có lượng người tiếp cận từ 500 người trở lên sẽ đối diện với mức án từ 5 đến 10 năm tù giam. Đây là lần đầu tiên yếu tố “sàn thương mại điện tử” được đưa vào là tình tiết tăng nặng, phản ánh thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng được “ngụy trang” tinh vi qua các nền tảng mua sắm trực tuyến. Đặc biệt, mức phạt tiền bổ sung đối với cá nhân vi phạm cũng được đề xuất tăng gấp đôi so với quy định hiện hành, từ mức 20-100 triệu đồng lên 40-200 triệu đồng. Với pháp nhân thương mại, con số này có thể lên tới 36 tỷ đồng, thậm chí bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng hoặc an ninh trật tự. Bộ Công an cũng kiến nghị áp dụng hình thức tịch thu tài sản, cấm hành nghề từ 1-5 năm đối với người trực tiếp vi phạm, thể hiện quyết tâm triệt tiêu hành vi tái phạm trong lĩnh vực vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro này. |
Thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà! Dự kiến Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với những quy định như vừa nêu sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào tháng 10.2025. Với những gì vừa phân tích, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết của đề xuất này? |
Đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự này là rất cần thiết và kịp thời, nhằm đối phó với tình trạng và ngày càng tinh vi của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử.
Việc lần đầu tiên đưa yếu tố “sàn thương mại điện tử” vào làm tình tiết tăng nặng thể hiện sự chủ động của pháp luật trong việc nắm bắt thực tiến số hóa, đồng thời gửi đi thông điệp rõ ràng về quyết tâm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong môi trường mạng. Các mức hình phạt tù từ 5 – 10 năm, phạt tiền tăng gấp đôi, có thể lên tới 36 tỷ đồng với pháp nhân, cùng với các biện pháp bổ sung như tịch thu tài sản, cấm hành nghề, là hoàn toàn hợp lý. Những quy định trên sẽ góp phần tăng tính răn đe, triệt tiêu khả năng tái phạm và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong kinh doanh thực phẩm. Chỉ lưu ý rằng, cần có hướng dẫn rõ ràng trong việc xác định “lượng tiếp cận từ 500 người trở lên” để tránh lúng túng khi áp dụng, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và nền tảng thương mại điện tử để đảm bảo hiệu quả thực thi. Tóm lại, đây là bước tiến cần thiết nhằm hoàn thiện pháp luật hình sự trong bối cảnh kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ. |
Nối điện thoại – mời khách bình luận thêm về ý kiến của thính giả |
Theo ông, nếu được Quốc hội thông qua, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với những quy định như vậy sẽ chi phối hoạt động mua bán hàng hóa, nhất là thực phẩm, phụ gia thực phẩm trên nền tảng thương mại điện tử như thế nào? |
Nếu được Quốc hội thông qua, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với các quy định mới, tôi tin chắc rằng sẽ gây ra sự tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến hoạt động kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm trên nền tảng thương mại điện tử.
Thứ nhất nó sẽ tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, giúp cơ quan chức năng dễ dàng xử lý các hành vi vi phạm vốn bấy lâu nay rất khó kiểm soát trong môi trường số. Khi yếu tố “nền tảng có lượng người tiếp cận từ 500 người trở lên” được quy định thành tình tiết tăng nặng, các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh online sẽ buộc phải nâng cao trách nhiệm kiểm soát chất lượng hàng hóa, đặc biệt là với mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm. Thứ hai, quy định mới sẽ thay đổi nhận thức và hành vi của cả người bán lẫn quy định về sàn thương mại điện tử. Người ban cần cân nhắc kỹ lưỡng về nguồn gốc, tính hợp pháp của sản phẩm, còn sàn thương mại điện tử cũng cần siết chặt cơ chế kiểm duyệt, giám sát và gỡ bỏ sản phẩm vi phạm nhằm tránh liên đới trách nhiệm. Thứ ba, các chế tài phạt tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, đình chỉ hoạt động hoặc cấm hành nghề sẽ tạo áp lực đủ lớn để thanh lọc thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao chất lượng hoạt động thương mại điện tử nói chung. Tóm lại, nếu được thông qua, các quy định trên không chỉ mang tính răn đe mà còn góp phần định hình lại cách tổ chức, vận hành và kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các nền tảng mua sắm trực tuyến hiện nay.
|
Đồng tình với đề xuất tăng nặng hình phạt, tuy nhiên có ý kiến cho rằng để xử lý tận gốc vấn đề này thì cần bịt “bịt lỗ hổng” trong cơ chế cho phép doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm. Ông nhìn nhận như thế nào về đề xuất này? |
Ý kiến đề xuất cần bịt “lỗ hổng” trong cơ chế tự công bố chất lượng sản phẩm là xác đáng, tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một cách công bằng và phù hợp với nguyên tắc quản lý hiện đại.
Hiện nay, có chế mà chúng ta đang áp dụng là cơ chế tự công bố – kết hợp với hậu kiểm, được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết, và khuyến khích sản xuất, kinh doanh minh bạch. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ hệ thống hậu kiểm hiện nay chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này để đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường, nhất là trong môi trường thương mại điện tử.
Thay vì quay trở lại cơ chế tiền kiểm cứng nhắc, tôi cho rằng cần nâng cao năng lực và tần suất hậu kiểm, đồng thời ứng dụng công nghệ và dữ liệu để giám sát thông minh, kết hợp với trách nhiệm giải trình rõ ràng từ phía doanh nghiệp, Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình gian dối trong hồ sơ công bố sẽ góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh.
Tóm lại không nên thay đổi bản chất của cơ chế tự công bố – hậu kiểm, mà cần bịt lỗ hổng trong quy trình thực thi và nâng hiệu lực quản lý nhà nước, chỉ khi đó, các quy định tăng nặng hình phạt mới có thể phát huy hiệu quả trong thực tiễn. |
Thực tế cho thấy lợi nhuận “khủng” từ việc bán hàng trên môi trường số nên nhiều người đã bất chấp, lao vào lĩnh vực này, khiến môi trường mạng trở nên phức tạp, tạo “đất sống” cho hàng giả, hàng kém chất lượng. Như thế có thể nói, ngành thông tin và truyền thông không thể đứng ngoài cuộc nếu muốn xử lý vấn nạn này, thưa ông? |
Thực tế cho thấy, lợi nhuận khổng lồ, chi phí thấp và khả năng tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng đã khiến hoạt động kinh doanh qua mạng trở thành mảnh đất màu mỡ – đồng thời cũng là nơi phát sinh nhiều vi phạm. Hàng giả, hàng nhái, thực phẩm không rõ nguồn gốc được ngụy trang dưới vỏ bọc quảng cáo bắt mắt, phát trực tiếp, thậm chí sử dụng người nổi tiếng để tiếp thị, khiến người tiêu dùng khó để phân biệt về chất lượng.
Trong bối cảnh đó, ngành thông tin và truyền thông – với vai trò là cơ quan quản lý các nền tảng trực tuyến, hệ thống quảng cáo số và các sàn thương mại điện tử – phải tham gia sâu hơn vào quá trình giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm. Việc này bao gồm: Thứ nhất, yêu cầu các nền tảng chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm; Thứ hai, tăng cường kiểm soát quảng cáo trực tuyến – nhất là với sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Thứ ba, thiết lập cơ chế phản hồi và cảnh báo sớm, giúp người tiêu dùng nhận diện rủi ro và tố cáo hàng gian hàng giả. Đây là vấn đề liên ngành, không nên quy trách nhiệm vào một hay hai bộ nhất định. Phải có sự vào cuộc đồng bộ từ các bộ, ban ngành liên quan thì mới làm sạch được không gian mạng và bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người tiêu dùng. |
Ông có cho rằng đã đến lúc cần có những quy định theo hướng ràng buộc về mặt pháp lý để các nền tảng mạng xã hội phải có trách nhiệm trong việc thanh lọc, loại bỏ các những cá nhân làm ăn theo kiểu “chộp giật”, bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng? |
Trong bối cảnh thương mại điện tử đang ngày càng chiếm vị thế quan trọng trong đời sống kinh tế, việc các nền tảng mạng xã hội trở thành kênh mua bán phổ biến đặt ra yêu cầu cấp thiết về một khung pháp lý rõ ràng và hiệu quả.
Đã đến lúc chúng ta cần những quy định mang tính ràng buộc pháp lý để các nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm cao hơn trong việc kiểm soát và loại bỏ những hành vi kinh doanh “chộp giật”, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng. Tình trạng này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng, gây ra những thiệt hại về kinh tế và sức khỏe, mà còn tạo ra một môi trường cạnh tranh bất bình đẳng, làm suy yếu niềm tin vào thị trường trực tuyến. Việc thiếu vắng các chế tài đủ mạnh đang tạo điều kiện cho những hành vi gian lận hoành hành, và một khi các nền tảng được pháp luật quy định rõ trách nhiệm, họ sẽ buộc phải đầu tư nguồn lực và xây dựng các biện pháp kỹ thuật, quy trình kiểm duyệt chặt chẽ hơn để ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm. Điều này không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, minh bạch và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các doanh nghiệp chân chính. Dù việc xây dựng và thực thi những quy định này sẽ đặt ra không ít thách thức về mặt kỹ thuật, phạm vi điều chỉnh và sự phối hợp giữa các bên liên quan, đây là một bước đi không thể trì hoãn để đảm bảo trật tự và bảo vệ quyền lợi của mọi thành phần trong xã hội. |
Trong câu chuyện này, theo ông những doanh nghiệp làm ăn chân chính cần làm gì để góp phần loại bỏ những hành vi gian lận, thổi phồng chất lượng sản phẩm trên môi trường mạng, bởi đây cũng là cách “phòng vệ” – tự bảo vệ cho sản phẩm của mình? |
Để góp phần vào việc này và đồng thời tự bảo vệ mình, các doanh nghiệp chân chính cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, bản thân họ phải luôn đặt chất lượng sản phẩm và dịch vụ lên hàng đầu, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và công bố thông tin sản phẩm một cách trung thực, đầy đủ. Việc xây dựng uy tín dựa trên chất lượng thực tế và sự minh bạch sẽ là nền tảng vững chắc để khách hàng tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của họ, đồng thời tạo ra sự khác biệt rõ rệt so với các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng. Thứ hai, các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi và giám sát các thông tin về sản phẩm của mình trên môi trường mạng. Khi phát hiện các trường hợp bị làm giả, làm nhái, hoặc bị thổi phồng chất lượng một cách sai lệch, họ cần có hành động kịp thời như thông báo đến các nền tảng mạng xã hội, các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Thứ ba, các doanh nghiệp có thể chủ động tham gia vào việc giáo dục người tiêu dùng, giúp họ nhận biết được các dấu hiệu của hàng giả, hàng nhái, cũng như cách phân biệt sản phẩm chính hãng với các sản phẩm kém chất lượng. Việc cung cấp thông tin chính xác, khách quan về sản phẩm của mình, đồng thời cảnh báo về những chiêu trò gian lận phổ biến cũng là một cách để bảo vệ người tiêu dùng và gián tiếp bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp. Thứ tư, các doanh nghiệp nên tăng cường sự hợp tác với nhau, thành lập các hiệp hội ngành nghề để cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc đối phó với vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên mạng. Việc có một tiếng nói chung mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp chân chính sẽ có sức nặng hơn trong việc tác động đến các cơ quan quản lý và các nền tảng mạng xã hội. Cuối cùng, trong trường hợp bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc bị cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp cần sẵn sàng sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việc kiên quyết đấu tranh với các hành vi gian lận không chỉ bảo vệ doanh nghiệp mà còn góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh. Tất cả những hành động này không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là một hình thức “phòng vệ” hiệu quả, giúp các doanh nghiệp chân chính bảo vệ uy tín, thương hiệu và thị phần của mình trước những tác động tiêu cực từ các hành vi gian lận trên môi trường mạng. |
Còn với người tiêu dùng, từ vụ kẹo rau củ Kera và sữa bột giả, ông có lời nguyên gì để không trở thành nạn nhân trong xu thế thương mại điện tử ngày càng phát triển?
|
Vụ việc kẹo rau củ Kera và sữa bột giả là những hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ, cho thấy người tiêu dùng cần trang bị cho mình những “tấm lá chắn” vững chắc để không trở thành nạn nhân trong kỷ nguyên thương mại điện tử. Lời khuyên đầu tiên và quan trọng nhất là người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về người bán.
Thứ nhất, hãy ưu tiên mua hàng từ các kênh chính thức, các nhà bán lẻ uy tín, có thông tin liên hệ rõ ràng, địa chỉ cụ thể và giấy phép kinh doanh nếu có. Đối với các giao dịch trên mạng xã hội, cần đặc biệt thận trọng với những tài khoản cá nhân không minh bạch thông tin. Thứ hai, người tiêu dùng cần cảnh giác cao độ với những lời quảng cáo quá mức và các chương trình khuyến mãi bất thường. Những sản phẩm được chào bán với giá rẻ “không tưởng” thường tiềm ẩn rủi ro về chất lượng. Hãy luôn đặt câu hỏi về nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm khi giá cả quá hấp dẫn. Thứ ba, trước khi quyết định mua hàng, hãy dành thời gian đọc kỹ thông tin mô tả sản phẩm, thành phần, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, đặc biệt là đối với các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Nếu có thể, hãy tìm kiếm các chứng nhận chất lượng, kiểm định từ các cơ quan chức năng. Đồng thời, tham khảo ý kiến của những người mua trước thông qua các đánh giá, bình luận, nhưng cũng cần tỉnh táo trước những đánh giá có dấu hiệu không trung thực. Thứ tư, tìm hiểu kỹ về chính sách đổi trả, hoàn tiền của người bán hoặc nền tảng thương mại điện tử trước khi mua hàng. Điều này sẽ là “phao cứu sinh” trong trường hợp sản phẩm không đúng như quảng cáo hoặc có vấn đề về chất lượng. Thứ năm, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân và thông tin thanh toán khi mua hàng trực tuyến, chỉ nên thực hiện giao dịch trên các nền tảng uy tín, có các biện pháp bảo mật an toàn. Cuối cùng, khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào về hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc các hành vi gian lận thương mại, người tiêu dùng cần mạnh dạn tố cáo đến các cơ quan chức năng như Cục Quản lý thị trường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để góp phần ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi chung của cộng đồng người tiêu dùng. Tóm lại, trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển, sự tỉnh táo, cẩn trọng và trang bị kiến thức đầy đủ là những yếu tố then chốt giúp người tiêu dùng tự bảo vệ mình và tránh trở thành nạn nhân của những chiêu trò gian lận. |
Theo ông, bên cạnh việc sửa đổi Bộ Luật hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt các cá nhân vi phạm cũng cần tạo cơ chế khuyến khích người dân phản ánh kịp thời những cá nhân, doanh nghiệp có hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa… để cơ quan chức năng xử lý?
|
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng việc tăng nặng hình phạt đối với các hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa trong Bộ Luật Hình sự là một yếu tố răn đe quan trọng. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao nhất, việc tạo ra cơ chế khuyến khích người dân phản ánh kịp thời các hành vi vi phạm cũng đóng vai trò then chốt.
Việc tăng nặng hình phạt sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các cá nhân và doanh nghiệp có ý định vi phạm, đồng thời thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và trật tự thị trường. Song, chỉ dựa vào các cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý vi phạm đôi khi sẽ gặp nhiều hạn chế về nguồn lực và phạm vi giám sát. Việc khuyến khích người dân tham gia vào quá trình này sẽ giúp mở rộng “tai mắt” của cơ quan quản lý, thu thập thông tin một cách nhanh chóng và chính xác hơn. Người dân, với tư cách là người trực tiếp sử dụng và chịu ảnh hưởng từ chất lượng hàng hóa, thường là những người đầu tiên phát hiện ra các hành vi vi phạm. Việc tạo cơ chế khuyến khích sẽ giúp họ cảm thấy có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ cộng đồng và chính bản thân mình. Thông tin phản ánh từ người dân có thể cung cấp những bằng chứng ban đầu quan trọng, giúp cơ quan chức năng có cơ sở để tiến hành điều tra, xác minh và xử lý các hành vi vi phạm một cách hiệu quả hơn.
Về lâu dài, việc khuyến khích phản ánh có thể góp phần xây dựng một văn hóa tuân thủ pháp luật và nâng cao ý thức trách nhiệm của cả người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi xây dựng cơ chế khuyến khích, chúng ta cũng cần lưu ý đến một số vấn đề tiềm ẩn, ví dụ như cần có các biện pháp để ngăn chặn tình trạng người dân lợi dụng cơ chế này để đưa ra những thông tin sai lệch hoặc vì mục đích cá nhân.
Việc xác định mức độ và hình thức khen thưởng phù hợp cũng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của cơ chế. Các hình thức khuyến khích có thể đa dạng, từ việc khen thưởng bằng vật chất đến các hình thức ghi nhận, biểu dương công khai.
Quan trọng là cơ chế này phải dễ tiếp cận, minh bạch và đảm bảo an toàn cho người cung cấp thông tin. Cần có quy trình rõ ràng để tiếp nhận, xác minh và xử lý thông tin phản ánh từ người dân, đồng thời có cơ chế bảo vệ người tố cáo để họ không bị trả thù hay gặp phải những rắc rối không đáng có.
Do đó, thiết nghĩ, việc sửa đổi Bộ Luật Hình sự để tăng nặng hình phạt là cần thiết, và đồng thời, việc xây dựng một cơ chế khuyến khích người dân phản ánh kịp thời các hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa cũng là một giải pháp quan trọng, mang tính bổ trợ lẫn nhau, để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách toàn diện. |
Thưa quý vị thính giả và Luật sư Nguyễn Thanh Hà!
Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng gây ra những hậu quả khôn lường, nhất là các mặt hàng về lương thực, thực phẩm. Thế nhưng, vì lợi nhuận kếch xù, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã bất chấp đạo đức, lợi dụng khe hở pháp luật để thổi phồng chất lượng và tiêu thụ các sản phẩm không an toàn. Hành động này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến người tiêu dùng bất an, mà còn gây tổn hại cho nền sản xuất của nước nhà. Để xử lý và ngăn chặn vấn nạn này, Bộ Luật hình sự nhất thiết phải có những quy định theo hướng xử lý nghiêm minh đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, nhất là những hành vi vi hành trên các sàn thương mại điện tử. Đến đây, chương trình Diễn đàn VOV2 xin được kết thúc. Một lần nữa xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã tham gia chương trình với chúng tôi. Cảm ơn quý thính giả đã theo dõi và tương tác với chương trình! Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong các chương trình sau./.
|