Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về xử phạt hàng giả trên thị trường trên trang VietQ.vn. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Cơ quan chức năng tỉnh An Giang cho biết vừa phát hiện, tạm giữ lượng lớn hàng hóa gồm mỹ phẩm, nhang muỗi không rõ nguồn gốc trên địa bàn huyện biên giới An Phú.
Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh An Giang phối hợp với Công an thị trấn An Phú (huyện An Phú) tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh mỹ phẩm có địa chỉ tại ấp An Hưng, thị trấn An Phú, huyện An Phú do bà Lý Thị Tuyết (sinh năm 1971) làm chủ.
Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện tại cửa hàng và kho chứa hàng hóa của cửa hàng có trên 3.240 sản phẩm là kem dưỡng da, dầu gội đầu… có nhãn mác chữ nước ngoài, không có nhãn phụ, không rõ nguồn gốc, cùng 500 hộp nhang muỗi xuất xứ Thái Lan.
Tại thời điểm kiểm tra, bà Tuyết không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng trên. Làm việc với Tổ công tác, bước đầu bà Tuyết thừa nhận hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là vi phạm pháp luật.
Tổ công tác đã ra quyết định tạm giữ tang vật cùng các giấy tờ liên quan và bàn giao cho Công an huyện An Phú tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định.
Toàn bộ số hàng hóa bị tạm giữ đều không rõ nguồn gốc.
Hiện nay, tình hình kinh doanh sản phẩm từ mỹ phẩm, thực phẩm ngày càng tăng, rất nhiều trường hợp kinh doanh với số lượng hàng hóa lớn nhưng khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hàng hóa thì không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Hành vi kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ được xác định là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế và an toàn xã hội.
Trước thực trạng hàng lậu, hàng giả tràn lan trên thị trường, ngoài xử phạt theo quy định pháp luật, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law đưa ra một số kiến nghị:
Thứ nhất, cần hoàn chỉnh, bổ sung khái niệm, quy định đối tượng thu thuế từ kinh doanh, đầu tư trên nền tảng công nghệ; cần có quy định sàn thương mại điện tử và người bán hàng thương mại điện tử phải thống kê, lưu giữ các giao dịch trên hệ thống để phục vụ việc truy xuất giao dịch và nguồn gốc hàng.
Thứ hai, cơ quan thuế phải có trách nhiệm truy thu thuế những tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ việc bán hàng qua mạng xã hội bằng xây dựng phương thức quản lý chống thất thu thuế, trong đó có thể có các chương trình kiểm soát hoạt động bán hàng, đặt hàng trên mạng, lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách,…
Thứ ba, cần quy định chế tài xử phạt ở mức cao hơn để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đối với hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt đối với hàng giả mức cao nhất đối với cá nhân là 200 triệu và tổ chức là 400 triệu đồng (theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP) mới chỉ là cần nhưng chưa đủ vì lợi nhuận phi pháp thu được từ hoạt động này là rất lớn, mức phạt so với lợi nhuận thì như muối bỏ bể.
Thứ tư, lực lượng Quản lý thị trường cần tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Thanh tra chuyên ngành..., nhất là tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai kịp thời các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tạo sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp chặt chẽ các Hiệp hội trong việc cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.
Thứ năm, khuyến khích người tiêu dùng cần tạo thói quen mua hàng có tem, nhãn đầy đủ và nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái để làm giảm bớt và tránh rủi ro cũng như thiệt hại đáng tiếc, đặc biệt đối với sức khỏe hoặc tính mạng người tiêu dùng.
Nguyễn Hương (t/h)
Nguồn: https://vietq.vn/xu-ly-van-nan-hang-gia-can-nhung-bien-phap-quyet-liet-d196929.html