Vấn nạn báo động về xâm phạm nhãn hiệu
Theo thống kê của Bộ Khoa học & Công nghệ, số vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng có diễn biến phức tạp tại Việt Nam.
Doanh nghiệp bị thiệt hại
Các vụ vi phạm thương hiệu, nhãn hiệu của các Doanh nghiệp nổi tiếng xảy ra trong nhiều lĩnh vực ngành hàng từ hàng hóa tiêu dùng như quần áo, thuốc lá, thực phẩm, đồ uống, vv đến các loại máy móc công nghiệp... Hàng giả, hàng nhái bày bán công khai trên thị trường với giá rẻ chỉ bằng một nửa, thậm chí chỉ bằng một phần ba so với hàng thật.
Trong giai đoạn 2012 - 2015, lực lượng chức năng đã tiếp nhận 18.329 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất và buôn bán hàng giả; phạt hành chính với số tiền lên tới trên 73 tỷ đồng; khởi tố 120 vụ án về hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ với 196 bị can; cơ quan kiểm sát đã truy tố 84 vụ với 140 bị can.
Hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và xâm phạm nhãn hiệu nói riêng đã làm tổn hại cho doanh nghiệp sản xuất chân chính, gây nhầm lẫn, suy giảm lòng tin của khách hàng vào các sản phẩm đã đăng ký bảo hộ, đồng thời gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu.
Có thể lấy sản phẩm máy biến áp truyền tải & phân phối của Tập đoàn ABB, một Tập đoàn hàng đầu trên thế giới về công nghệ điện và tự động hóa có trụ sở tại Zurich, Thụy Sỹ là một ví dụ. Là một nhà sản xuất máy biến áp hàng đầu thế giới, mỗi năm Tập đoàn ABB sản xuất và đưa hơn 2.000 máy biến áp truyền tải và 500.000 máy biến áp phân phối lên lưới điện. Tại Việt Nam, ABB (Công ty TNHH ABB, website: abb.com.vn) là nhà đầu tư nước ngoài duy nhất sản xuất máy biến áp có trụ sở và nhà máy biến áp tại Km9, Quốc lộ 1A, P. Hoàng Liệt, Q. Hoàng Mai, Hà Nội.
Tuy nhiên, trong rất nhiều doanh nghiệp xâm phạm nhãn hiệu và lợi dụng uy tín của nhãn hiệu ABB trên thị trường, có thể nêu điển hình hai Doanh nghiệp vi phạm là Công ty Cổ phần Máy biến thế ABB Việt Nam (trụ sở tại cụm công nghiệp Hà Bình Phương, Thường Tín, Hà Nội) và Công ty TNHH ABB Việt Nam (trụ sở tại Đông Anh, Hà Nội; website: bienapabb.vn). Hai Doanh nghiệp này sử dụng dấu hiệu “ABB” trong tên doanh nghiệp, sản phẩm máy biến thế tương tự với nhãn hiệu và tên thương mại đang được bảo hộ của Tập đoàn ABB, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm cùng loại của Tập đoàn ABB.
Cần xử lý triệt để
Sở dĩ việc xâm phạm nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ vẫn tồn tại phổ biến, xuất phát từ sự thiếu thông tin, hiểu biết của doanh nghiệp nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp cố tình lợi dụng sự nổi tiếng của các thương hiệu để trục lợi. Bên cạnh đó, còn thiếu sự kết nối của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh.
Theo các quy định của pháp luật hiện hành về đăng ký doanh nghiệp, thì việc sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng hay gắn trên sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ mà không được chấp thuận của chủ sở hữu thì coi như đã vi phạm về sở hữu công nghiệp, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Xét về trường hợp sản phẩm máy biến thế của một số doanh nghiệp trong nước gắn nhãn hiệu ABB đã được bảo hộ, rõ ràng các doanh nghiệp này đang xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của ABB. Thế nhưng việc xử lý vi phạm giữa các cơ quan quản lý vẫn không triệt để và nhất quán.
Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn S&B (SB LAW) cho rằng, việc doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không đồng nghĩa với việc công ty được coi là không xâm phạm quyền đối với tên thương mại và nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nhiều cam kết thúc đẩy lành mạnh hóa thị trường, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ thì các cơ quan chức năng nên sớm giải quyết những yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Điều này không chỉ góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài.
theo laodong.com.vn