Vấn đề bản quyền âm nhạc trên mạng xã hội

Vấn đề bản quyền âm nhạc trên mạng xã hội

Vấn đề bản quyền âm nhạc trên mạng xã hội

Nhận lời mời của Ban biên tập kênh truyền hình ANTV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty Luật SBLAW đã có buổi phỏng vấn và trao đổi về vấn đề bản quyền âm nhạc trên mạng xã hội.

Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:



Phóng viên:
Đơn vị kinh doanh nhạc số không chịu trách nhiệm về bản quyền tác giả âm nhạc với lý do đây là mạng xã hội, các cá nhân tự upload và tự chịu trách nhiệm về nội dung cũng như bản quyền sản phẩm đưa lên. Điều này có đúng với quy định của luật pháp hay không?




Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Khi xem xét vấn đề này cần phải xem xét một số vấn đề pháp lý sau đây:

Theo quy định tại khoản 22 điều 3 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của chính phủ thì “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.

Như vậy nếu theo quy định trên thì mạng xã hội có nội dung “chia sẽ âm thanh, hình ảnh” giữa các người dùng mạng xã hội và như vậy, người sử dụng có quyền chia sẽ âm thanh, hình ảnh trên mạng xã hội theo quy định này.

Tuy nhiên, vấn đề bản quyền của “âm thanh, hình ảnh” được chia sẽ bởi người dùng mạng xã hội thì lại không có quy định rõ ràng và cụ thể là chủ thể nào sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại điều 28 của Luật sở hữu trí tuệ.

Về vấn đề này, nếu căn cứ theo quy định của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đã nêu về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội tại Điều 25 thì không hề có quy định nào bắt buộc các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội phải thực hiện các quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó nghĩa vụ này lại được quy định rất là rõ ràng và cụ thể đối với tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp tại Điều 24.

Tuy nhiên, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội lại bị nghiêm cấm việc chủ động cung cấp các thông tin bị cấm theo quy định tại Điều 5[1] của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP cũng như phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn và loại bỏ các thông tin vi phạm quy định tại Điều 5.

Ngoài ra, trong trường hơp tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội chủ động cung cấp các tài liệu xâm phạm quyền của tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội  sẽ phải tự chịu trách nhiệm và phải bồi thường cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm phù hợp với quy định tại khoản 5, điều 5 của Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL giữa bộ văn hóa thể thao và du lịch với bộ thông tin và truyền thông.

Trong quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng mạng xã hội tại Điều 26 cũng không có quy định rõ người sử dụng mạng xã hội có phải cần thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ hay không. Tuy nhiên, trong phạm vi quyền và nghĩa vụ của mình, người sử dụng mạng xã hội phải tuân thủ quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội cũng như chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ , cung cấp, truyền đưa lên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.

Như vậy, khi xem xét quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào mạng xã hội thì có thể thấy tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội có trách nhiệm xây dựng quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội và công bố công khai quy chế này (thường là thỏa thuận hoặc điều khoản sử dụng).

Người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm cho tính hợp pháp của các tài liệu, hình ảnh và âm thanh được chia sẽ trên mạng xã hội. Thông thường, trong các điều khoản sử dụng các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội có điều khoản ngăn cấm và ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội đối với các vấn đề liên quan đến tác quyền và có điều khoản để loại trừ trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội đối với các tài liệu xâm phạm quyền tác giả của chủ thể khác.

Để có thể hiểu được phạm vi quyền và nghĩa vụ của các bên trên mạng xã hội hiện nay, có thể lấy các ví dụ là thực tiễn mà các cơ quan chức năng đã xử lý. Chẳng hạn như khi có người sử dụng tung hình ảnh, clip mang nội dung đồi trụy lên mạng xã hội thì cơ quan nhà nước sẽ phải xử lý ai? Là tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội hay là người sử dụng mạng xã hội.

Rõ ràng câu trả lời là khá rõ ràng khi mà trong thời gian vừa qua, có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội đã bị bắt, khởi tố và xét xử vì hành vi tung clip, hình ảnh có nội dung đồi trụy lên mạng xã hội.

Phóng viên: Hiện nay đã có quy định nào trong luật sở hữu trí tuệ cũng như luật bản quyền quy định về bản quyền sản phẩm số hóa chưa ( nhạc số, các tác phẩm vhnt được số hóa)? Nếu có thì chế tài xử phạt đã đủ sức răn đe hay chưa?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Hiểu một cách đơn giản, số hóa là việc sử dụng các thiết bị công nghệ số để chuyển đổi các hình thức tài liệu dưới dạng truyền thống sang dạng số để thông tin có thể được xử lý, lưu trữ, và truyền phát qua các thiết bị kỹ thuật số và trên mạng.

Như vậy, bản thân việc số hóa không tạo nên một tác phẩm mới mà chỉ là thay đổi hình thức thể hiện của một tác phẩm sẵn có từ các dạng khác nhau thành định dạng số hóa để có thể lưu trữ lâu dài và dễ dàng sử dụng nhờ các thiết bị kỹ thuật.

Chính vì tác phẩm số hóa không phải là một tác phẩm mới nên nó vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ nói chung và các văn bản hướng dẫn thi hành mà không cần phải có thêm các quy định đặc biệt nào khác cho hình thức thể hiện này của tác phẩm.

Tuy nhiên, khi xem xét về việc số hóa các tác phẩm thì cần phải khẳng định rằng bản thân hành vi số hóa không hề xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 28 của Luật sở hữu trí tuệ.

Việc có vi phạm hay không lại phụ thuộc vào mục đích sử dụng hay phạm vi sử dụng. Trong trường hợp mục đích sử dụng và phạm vi sử dụng tác phẩm số hóa vượt ra ngoài các ngoại lệ như đã được nêu tại điều 25 và điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ thì hành vi sử dụng tác phẩm số hóa mới có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền.

Trong trường hợp hành vi sao chép, phân phối đến công chúng bản sao của tác phẩm vi phạm ở quy mô thương mại, người thực hiện hành vi có thể bị khởi tố theo tội danh “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” theo quy định tại Điều 170a của Bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 với khung hình phạt cao nhất lên đến 3 năm tù.

Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tối đa lên đến 500 triệu đồng đối với tổ chức và 250 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định 131/2013/NĐ-CP).

Ngoài ra, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại đã xảy ra hoặc khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án thụ lý và giải quyết vụ việc.



Phóng viên: Hiện nay đã có quy định cụ thể về nhuận bút tác quyền các tác phẩm VHNT hay chưa?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

 Hiện nay có hai văn bản đang quy định về chế độ nhuận bút đối với các tác phẩm được bảo hộ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ đó là Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 06 năm 2002 của chính phủ quy định về chế độ nhuận bút và nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 03 năm 2014 quy định về nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Nghị định số 18/2014/NĐ-CP thay thế một phần hiệu lực của các chương II, V và VI của nghị định số 61/2002/NĐ-CP.

Tuy nhiên, cả hai nghị định này đều có quy định về nhuận bút tác quyền đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật cụ thể là nhuận bút đối với tác phẩm viết, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm nhiếp ảnh, …..



Phóng viên: Theo Nghị định 61/2002/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút, điều khoản này đặt ra mức 15% đến 21% doanh thu buổi diễn cho toàn bộ phần biểu diễn bao gồm nhạc sỹ, biên kịch, nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ chuyển thể, họa sĩ theo thỏa thuận trong hợp đồng. Vì vậy, phần tác quyền của nhạc sĩ chỉ là một phần trong tổng giá trị trên. Việc Trung tâm Tác quyền tự ý đặt ra con số 5% doanh thu dành cho tác quyền có đúng quy định pháp luật hay không ( Sự việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đòi tác quyền chương trình ca nhạc Khánh Ly)

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Ở đây tôi có thể khẳng định luôn là mức 5% mà Trung tâm tác quyền đưa ra là không trái với các quy định của pháp luật về mức thù lao sử dụng tác phẩm âm nhạc.

Như chị đã viện dẫn ra quy định của pháp luật về nhuận bút thì mức nhuận bút cho các buổi biểu diễn ca nhạc là từ 15-21% doanh thu buổi diễn cho toàn bộ phần biểu diễn bao gồm nhạc sỹ, biên kịch, nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ chuyển thể, họa sĩ theo thỏa thuận trong hợp đồng. Mức 5% đưa ra là nằm trong tỷ lệ đã được quy định.

Về nguyên tắc, mức thù lao là dựa trên sự thỏa thuận của các bên nên trong trường hợp các bên không đồng ý, không thương lượng được con số cụ thể thì sẽ dẫn đến trường hợp phát sinh tranh chấp về thù lao sử dụng tác phẩm dùng trong cuộc biểu diễn. Nếu các bên không thể thỏa thuận được về con số cụ thể thì có thể vụ việc sẽ được giải quyết tại tòa án nếu có yêu cầu.

Tuy nhiên, Trung tâm tác quyền là tổ chức đại diện tập thể bảo vệ quyền lợi của các nhạc sỹ nên việc họ đưa ra con số 5% sẽ không phải là tự ý họ quyết định mà đứng sau con số này là những nhạc sỹ đang được trung tâm tác quyền đại diện để bảo vệ.

Hơn nữa, khi xem xét vai trò của các tác phẩm âm nhạc trong các buổi biểu diễn thì rõ ràng, các tác phẩm âm nhạc sẽ là yếu tố đầu tiên cấu thành nên buổi biểu diễn, vì các hoạt động biểu diên phải xoay quanh các bài hát được lựa chọn để biểu diễn từ hòa âm phối khí, đạo diễn chương trình, nhạc sỹ chuyển thể. Nói cách khác nếu không có các tác phẩm âm nhạc thì buổi biểu diễn sẽ không thể diễn ra. Do đó, mức 5% mà Trung tâm tác quyền đưa ra là hợp lý.



Xin chân thành cám ơn luật sư.



[1] 1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;

b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;

d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;

e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổchức, cá nhân.

2. Cản trở trái pháp luật việc cung cấp và truy cập thông tin hợp pháp, việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ hợp pháp trên Internet của tổ chức, cá nhân.

3. Cản trở trái pháp luật hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam ”.vn”, hoạt động hợp pháp của hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

4. Sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã của tổ chức, cá nhân; thông tin riêng, thông tin cá nhân và tài nguyên Internet.

5. Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, vi-rút máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên Internet.

» Dịch vụ xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ

»

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan

Quyền sở hữu công nghiệp

Nhận lời mời của Ban biên tập kênh VITV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có buổi trao đổi với biên tập