Ca sĩ Trang Pháp bức xúc, hủy show MTV Connection tháng 10 vì không được hát We don’t talk anymore bởi Sơn Tùng M-TP hát ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau cũng trên sân khấu này. Một lần nữa, vấn đề bản quyền, đạo nhái của ca khúc lại nóng lên giữa dư luận.
Hai ca khúc không thể hát chung trong một chương trình?
Những ngày vừa qua, cộng đồng mạng cũng như truyền thông lại nóng lên bởi thông tin ca sĩ Trang Pháp hủy show diễn MTV Connection tháng 10. Lý do Trang Pháp đưa ra trên Facebook cá nhân của mình: Ban tổ chức chương trình thông báo ca sĩ Sơn Tùng M-TP sẽ hát ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau. Do đó, phía Sơn Tùng yêu cầu Trang Pháp đổi ca khúc khác chứ không hát We don’t talk anymore.
Theo Trang Pháp, cô đã gửi danh sách ba ca khúc sẽ hát trong chương trình cách ngày biểu diễn khoảng một tháng, bao gồm: Chỉ là, Giấu và hát cover We don’t talk anymore. Thế nhưng, trước khi chương trình diễn ra hai ngày, cô mới được thông báo yêu cầu đổi bài. Trên trang cá nhân, cô bức xúc: “Vì sao bạn không dám hát ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau khi ca sĩ khác hát We don’t talk anymore? Người quản lý đã mất công vẽ ra cả một chiến lược ra bài cùng ngày với người ta thì sao lại phải trốn tránh, không dám diễn cùng một sân khấu? Phủ nhận việc đạo nhạc thì tại sao không dám để người khác hát bài đó trong chương trình?”.
Thêm một lần nữa, ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng M-TP lại khiến người ta nghĩ đến nghi án đạo nhái ca khúc nước ngoài. Trước đó, trả lời Báo Giao thông trên số 33 Cuối tuần (12/8/2016) trong bài viết “Mổ xẻ nghi án Sơn Tùng, Cát Tường đạo nhạc”, nhạc sĩ Trần Minh Phi đã có những phân tích về sự giống nhau của hai ca khúc này từ vòng hòa âm, khúc thức, các nốt nhạc và tuyến vận hành giai điệu. Anh khẳng định, không thể nói Sơn Tùng không đạo nhạc. Câu chuyện này ầm ĩ một thời gian dài nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Sự việc lần này, một lần nữa dấy lên những ồn ào về việc có hay không sự đạo nhái ca khúc của Sơn Tùng M-TP. Mới đây, chúng tôi đã liên hệ với nhạc sĩ Quang Huy, đại diện của Sơn Tùng M-TP để trao đổi thêm thông tin, nhưng anh từ chối trả lời.
Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí phản hồi về vụ việc, MTV phủ nhận thông tin mà Trang Pháp đưa ra. Đơn vị này cho biết, trong quá trình biên tập âm nhạc cho chương trình, để đảm bảo nội dung chương trình cũng như quyền lợi của nghệ sĩ, BTC MTV Connection có yêu cầu hai ca sĩ Trang Pháp và Sơn Tùng M-TP cân nhắc việc biểu diễn hoặc thay đổi hai bài hát Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng M-TP và We don’t talk anymore mà Trang Pháp cover vì tính nhạy cảm của hai ca khúc. Thế nhưng, cả hai phía ca sĩ này đều nhấn mạnh không muốn thay đổi danh sách bài hát trong chương trình. Trước ngày biểu diễn một ngày, để hoàn thiện pháp lý cho buổi biểu diễn, BTC đã yêu cầu Trang Pháp cung cấp các giấy tờ liên quan chứng minh quyền cover hợp pháp ca khúc We don’t talk anymore của Charlie Puth biểu diễn trên sân khấu có yếu tố thương mại (?!) Phía Trang Pháp đã không cung cấp các giấy tờ như MTV yêu cầu và đơn phương từ chối tham gia chương trình vào phút chót. Cùng đó, MTV cũng cho hay, phía Sơn Tùng M-TP không hề đề cập tới và có bất kỳ ý kiến nào về danh sách bài hát Trang Pháp đăng ký trình diễn(?!)
Đòi hỏi của MTV Connection trái quy định?
Trao đổi với Báo Giao thông, ca sĩ Trang Pháp khẳng định, chính BTC đã nói với cô rằng, phía Sơn Tùng M-TP muốn cô không hát We don’t talk anymore. Trong khi đó, về việc MTV yêu cầu cung cấp các giấy tờ liên quan chứng minh quyền cover hợp pháp ca khúc We don’t talk anymore, Trang Pháp trả lời: “Tôi không đồng ý đổi hay hủy bài thì họ đề cập với tôi về vấn đề bản quyền cover ca khúc. Giấy xin phép một ca khúc cover thì chương trình phải xin chứ không phải ca sĩ. Như vậy là đang làm khó dễ cho tôi. Nói chuyện kia không được quay sang đổ lỗi, tìm mọi cách không cho tôi hát bài đó dưới một hình thức khác. Do đó, tôi quyết định không diễn nữa vì sự làm việc thiếu chuyên nghiệp này. Tôi có đủ lòng tự trọng để không diễn trong một chương trình như vậy”, Trang Pháp chia sẻ.
Ca sĩ Trang Pháp cho biết thêm: “Nếu tôi phát hành sản phẩm âm nhạc thì lúc đó tôi sẽ phải là người đi xin bản quyền. Nhưng nếu tôi hát trong một chương trình âm nhạc nào đó, nhất là chương trình phát trên truyền hình thì BTC chương trình đó phải đi xin giấy phép”.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Hãng luật SBLaw cho biết, theo Nghị định 15/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; Thi người đẹp và người mẫu; Lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thì trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, ban tổ chức chương trình phải thực hiện nghiêm ngặt về quyền tác giả và quyền liên quan. Ban tổ chức là người liên hệ với tác giả ca khúc hoặc tổ chức, tập thể đại diện quyền tác giả để xin phép cho việc biểu diễn và trả tiền tác quyền theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, việc BTC đã yêu cầu Trang Pháp cung cấp các giấy tờ liên quan chứng minh quyền cover hợp pháp ca khúc We don’t talk anymore theo Nghị định trên là hoàn toàn sai.
Trao đổi với Báo Giao thông, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết: Biểu diễn một ca khúc nước ngoài, trước hết ca sĩ – người trực tiếp sử dụng ca khúc là người phải chịu trách nhiệm với luật pháp về quyền tác giả, phải xin giấy phép bản quyền biểu diễn. Tuy nhiên, trong trường hợp ca sĩ do điều kiện về thời gian và hoàn cảnh mà không xin được giấy phép thì phải thương lượng và thông báo trước với BTC, đề nghị BTC xin giấy phép để sử dụng. Ông Phương khẳng định: “Đây là sự liên đới trách nhiệm. Vì trong trường hợp này, cả ca sĩ và BTC chương trình âm nhạc đều là người sử dụng ca khúc. Do đó, cả hai đều phải có trách nhiệm. Nếu đùn đẩy cho nhau thì cả hai đều có lỗi”, nhạc sĩ Phó Đức Phương nhấn mạnh.
Theo baogiaothong.vn