Lòng tự hào dân tộc của người trẻ qua câu chuyện thương hiệu nước ngoài

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW có phần trả lời phóng viên Thanh Mai,Trung tâm Phát thanh, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội.

Nội dung về LÒNG TỰ HÀO DÂN TỘC CỦA NGƯỜI TRẺ QUA CÂU CHUYỆN THƯƠNG HIỆU NƯỚC NGOÀI.

Câu hỏi: Trách nhiệm của doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam nhưng lại sử dụng bản đồ có hình ảnh sai lệch về chủ quyền Việt Nam và biện pháp xử lý nếu vi phạm.

Luật sư trả lời:

Lòng tự hào dân tộc của người trẻ không chỉ thể hiện qua việc tiêu dùng sản phẩm nội địa mà còn ở ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, đặc biệt khi đối mặt với những hành vi xâm phạm từ các thương hiệu nước ngoài. Vấn đề doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam nhưng lại sử dụng bản đồ có hình ảnh sai lệch về chủ quyền quốc gia thực sự rất nhạy cảm và nghiêm trọng. Đây không chỉ là chuyện vi phạm pháp luật mà còn chạm đến lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Tôi xin chia sẻ quan điểm từ góc độ pháp lý như sau:

Trách nhiệm của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam

Khi một doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, họ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Điều này là nguyên tắc cơ bản. Nếu doanh nghiệp đưa vào website, bao bì sản phẩm, tài liệu quảng cáo hay ứng dụng công nghệ những hình ảnh bản đồ sai lệch – ví dụ như thể hiện đường lưỡi bò hay phủ nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa – thì rõ ràng đó là một hành vi vi phạm pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi này có thể bị xử lý theo nhiều quy định khác nhau. Doanh nghiệp có thể bị xử phạt vì vi phạm các quy định về xuất bản, báo chí, quảng cáo hoặc thương mại điện tử. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nếu hành vi bị coi là gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, nó còn có thể bị xử lý theo luật hình sự.

Các biện pháp xử lý

Biện pháp hành chính: Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 18/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 8 Điều 4 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về xuất bản, lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ: Nếu xuất bản, lưu hành bản đồ sai lệch về chủ quyền Việt Nam, mức phạt từ 30 - 50 triệu đồng, kèm theo biện pháp tịch thu, tiêu hủy sản phẩm và có thể trục xuất cá nhân nước ngoài vi phạm. Nếu sử dụng hình ảnh đường lưỡi bò trên xuất bản phẩm, mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng và buộc thu hồi, tiêu hủy xuất bản phẩm vi phạm. Trường hợp chia sẻ bản đồ sai trên mạng xã hội, mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng và buộc gỡ bỏ nội dung vi phạm. Lưu ý, các mức phạt trên áp dụng cho tổ chức, còn cá nhân vi phạm sẽ chịu 1/2 mức phạt so với tổ chức.

Biện pháp dân sự: Nếu doanh nghiệp bán sản phẩm chứa bản đồ sai lệch ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, cơ quan nhà nước hoặc cá nhân bị ảnh hưởng có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 13, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Nếu doanh nghiệp cung cấp sản phẩm có đường lưỡi bò vi phạm điều khoản về hàng hóa, tiêu chuẩn pháp luật hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi đối tác thì có thể bị hủy hợp đồng, bồi thường thiệt hại và thu hồi sản phẩm (Điều 292, 303 Luật Thương mại 2005).

Biện pháp hình sự: Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự 2015 về Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam: thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. Nếu phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, mức phạt là 10 - 20 năm tù. Người chuẩn bị phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

  • Biện pháp xử phạt bổ sung: Buộc gỡ bỏ, thu hồi sản phẩm vi phạm.
  • Áp lực xã hội: Người tiêu dùng (đặc biệt là giới trẻ) có quyền tẩy chay, lên án trên truyền thông, buộc doanh nghiệp phải công khai xin lỗi.

Vai trò của người trẻ và cộng đồng

Thực tế cho thấy, giới trẻ Việt Nam ngày càng quan tâm đến chủ quyền đất nước và sẵn sàng lên tiếng khi phát hiện doanh nghiệp có hành vi sai trái. Điều quan trọng là chúng ta phải phản ứng một cách tỉnh táo, văn minh. Nếu phát hiện vi phạm, có thể báo cáo đến cơ quan chức năng, đồng thời thể hiện thái độ trên mạng xã hội một cách có trách nhiệm, tránh bị kích động hoặc sa vào những tranh luận cực đoan.

Bên cạnh đó, việc ủng hộ các thương hiệu tôn trọng chủ quyền Việt Nam cũng là một cách thể hiện lòng tự hào dân tộc. Khi người tiêu dùng có chính kiến, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh để phù hợp với văn hóa và pháp luật của Việt Nam.

Tóm lại, bảo vệ chủ quyền quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Doanh nghiệp muốn hoạt động lâu dài ở Việt Nam thì phải hiểu rằng, đây không chỉ là thị trường, mà còn là một đất nước có chủ quyền, có lịch sử và có lòng tự tôn dân tộc rất mạnh mẽ.

Tham khảo thêm tại: Đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan