Chủ tịch SBLaw: Làm tư vấn luật, chỉ giỏi luật thôi chưa đủ!
(ĐTCK) Hơn mười năm trước, luật sư trẻ Nguyễn Thanh Hà cùng nhóm bạn bắt tay vào gây dựng Công ty Luật SBLaw.
Ngày nay, SBLaw được biết đến là hãng luật đại diện pháp lý cho hàng loạt tập đoàn trong nước và quốc tế như Nippon Steel, Viettel, MBank, LG và Daio Paper Corporationl; tư vấn thủ tục đầu tư vào Việt Nam cho một loạt tập đoàn lớn như Microsoft, IBM, Singapore Airlines…
Bí quyết khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực tư vấn luật, theo chia sẻ của ông Hà, không chỉ cần am tường luật pháp, mà cần phải có cả chút “máu liều”.
» Thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ
Ý tưởng khởi nghiệp với nghề tư vấn pháp lý đến với ông từ khi nào?
Tôi bắt đầu nghĩ đến việc thành lập một công ty tư vấn luật từ hơn chục năm trước, khi mới ra trường được vài năm và làm việc trong một số công ty luật của nước ngoài. Vào thời điểm đó, tư vấn pháp lý vẫn chưa được định hình là một nghề nghiệp cụ thể. Ngay cả các quy định pháp lý về lĩnh vực dịch vụ này cũng chưa rõ ràng.
Trong khi đó, nhu cầu về tư vấn pháp lý lại rất lớn, đặc biệt là khi Việt Nam bắt đầu gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), nhiều doanh nghiệp dù rất muốn tận dụng cơ hội từ hội nhập, nhưng lại rất lúng túng vì không hiểu rõ về các quy định pháp lý cũng như sự khác biệt về tư duy làm việc giữa các đối tác nước ngoài và doanh nghiệp Việt.
Thời điểm đó, nếu muốn được tư vấn pháp lý, người ta phải tìm đến những luật sư có tiếng, hoặc tìm đến các hãng luật nước ngoài, vì hầu như chưa có hãng luật riêng nào tại Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tìm đến những đơn vị không chuyên là các tổ chức tài chính như ngân hàng hoặc bảo hiểm. Chi phí thuê tư vấn pháp lý vì thế rất đắt đỏ và trong nhiều trường hợp không mang lại hiệu quả cao do mức độ phức tạp cũng như ràng buộc về yếu tố chuyên môn nghiệp vụ.
Trước thực tế đó, tôi và một số anh em, bạn bè đồng nghiệp đã quyết định đứng ra thành lập SBLaw, nhằm xây dựng một đơn vị dịch vụ chuyên sâu về mảng pháp lý hoạt động cho các doanh nghiệp.
Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp với lĩnh vực tư vấn pháp lý dường như còn khó khăn hơn. Bởi nhà tư vấn không chỉ cần nắm rõ cả “rừng” văn bản pháp luật, mà còn cần biết cách xử trí trước hàng trăm, hàng nghìn tình huống tranh chấp phức tạp trong cuộc sống, mà đây lại là bất lợi với người trẻ tuổi, còn ít kinh nghiệm sống. Ông đã vượt qua những thách thức này như thế nào?
Các luật sư đứng ra mở hãng luật riêng thường phải có thời gian tích lũy kinh nghiệm và có sự trải nghiệm rất lớn mới có thể xây dựng được hãng luật vững mạnh, có doanh thu và sống được với nghề.
Thời điểm khởi nghiệp, với tôi và một số thành viên ban đầu trong SBLaw đều rất bỡ ngỡ, dù thực tế đã được trải nghiệm tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau. Điều khó khăn nhất không phải là về chuyên môn, bởi chúng tôi đều là luật sư, đều đã hiểu biết về luật và từng tham gia nhiều thương vụ về giải quyết tranh chấp…, nhưng cái khó là việc xây dựng một công ty chuyên nghiệp về dịch vụ pháp lý.
Khác với các doanh nghiệp thông thường, các công ty cung cấp dịch vụ pháp lý chịu sự điều chỉnh và ràng buộc khác nhau, đặc biệt là vấn đề tư cách đạo đức trong hành nghề. Vì vậy, để xây dựng được một tổ chức tư vấn nhận được tín nhiệm và làm việc không trái với đạo đức và lương tâm nghề nghiệp là không hề dễ dàng.
Thực tế là giữa các luật sư có thể có cách nhìn về một vấn đề liên quan đến quy định pháp luật khác nhau và đôi khi khó dung hòa. Vì vậy, muốn xây dựng được một doanh nghiệp chuyên nghiệp về lĩnh vực này là không dễ.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
Nếu tôi chỉ làm luật sư đơn thuần, mọi thứ đều phải tuân thủ theo luật, nhưng ở vị trí người đứng đầu công ty, tôi cần phải có cả chút “máu liều” của một doanh nhân. Làm sao để vừa liều, vừa đúng luật là bài toán cực kỳ hóc búa. Doanh nghiệp sẽ luôn hướng tới bài toán lợi nhuận, nhưng không thể bỏ qua yếu tố an toàn pháp lý khi hoạt động. Vì nếu không an toàn pháp lý, lợi nhuận đó có thể bị thu hồi.
Bên cạnh đó, ở góc độ nghề nghiệp, nếu không hiểu về cách vận hành một tổ chức, chỉ thuần túy về chuyên môn nghề nghiệp thì sẽ rất khó duy trì được một tổ chức về luật. Ở đây có nghĩa, khi đã làm lãnh đạo một công ty về luật, giỏi chuyên môn chưa đủ, mà còn phải cơ bản nắm rõ các phương thức quản trị một doanh nghiệp từ việc tạo dựng thương hiệu, phát triển khách hàng, nghiên cứu sản phẩm đến quản lý con người...
Khi các nhân viên của bạn cũng đều là những người rất giỏi chuyên môn về luật, để họ nghe mình nói thì không thể trình bày rằng mình giỏi hơn họ về luật, mà phải cho họ thấy được định hướng về một con đường mà mình đã chọn cho họ. Nói cách khác là doanh nghiệp của mình có đủ tiềm năng để khiến họ trở thành nhân viên của mình hay không. Đây chính là tầm nhìn của một doanh nhân, chứ không phải tầm nhìn của một luật sư.
Nhưng lĩnh vực tư vấn pháp lý đang có tiềm năng phát triển lớn khi nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng?
Dịch vụ tư vấn pháp lý được đánh giá là một trong những dịch vụ phát triển mạnh mẽ nhất trong 5 năm gần đây. Với số lượng doanh nghiệp ngày càng đông, quy định pháp lý chặt chẽ hơn và thường xuyên thay đổi cập nhập theo diễn biến của một thị trường, thì nhu cầu thuê các tổ chức tư vấn pháp lý độc lập là rất cần thiết, bởi việc xây dựng các bộ phận pháp lý riêng gần như là không thể vì tốn kém quá nhiều chi phí và không hiệu quả.
Tuy nhiên, quan điểm của tôi là đây là lĩnh vực không dễ, trước hết là đòi hỏi những người đứng ra thành lập doanh nghiệp này phải có thời gian tích luỹ kinh nghiệm, có sự trải nghiệm nhất định mới có thể xây dựng được một hãng luật vững mạnh, có doanh thu và sống được với nghề.
Đồng thời, nghề tư vấn pháp lý cũng đòi hỏi sự sáng tạo rất lớn, không chỉ giải quyết các tranh chấp, tư vấn pháp lý, mà còn phải biết không ngừng thay đổi bằng cách tận dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp các dịch vụ tới tận tay khách hàng.
Việc doanh nghiệp lựa chọn tìm đến các công ty tư vấn luật hiện nay là không nhiều. Ước tính ở mức 20% hiện nay mới chỉ là ước tính ban đầu, thực ra con số có lẽ sẽ thấp hơn. Trong đó, nguyên nhân được chỉ ra là do việc quy mô doanh nghiệp hiện nay là tương đối nhỏ, vì vậy, họ cho rằng việc phải thuê các đơn vị tư vấn độc lập sẽ rất tốn kém và không mang lại hiệu quả cao. Đây chính là bài toán một công ty tư vấn cần phải nghĩ tới.
Được biết, con đường lập nghiệp ông có sự đồng hành của những người bạn thân thiết?
Tôi có được sự ủng hộ của những người bạn, những đồng nghiệp, những cộng sự thân thiết hiểu tôi và có chung mục tiêu và định hướng phát triển SBLaw. Họ đều có cá tính rất mạnh, có quan điểm độc lập, đặc biệt là vững vàng về luật và họ đã tạo nên những sắc màu riêng của SBLaw.
Thực sự, để thuyết phục được họ theo mình quả thực là rất khó. Điều khiến họ theo mình không phải là việc mình có giỏi hơn họ về luật hay không, mà phải giúp họ tin tưởng rằng mục tiêu của mình cũng là của họ, nơi họ làm là gia đình họ và hơn cả cũng là tương lai của họ. May mắn thay, họ đã tin tưởng tôi, cùng đóng góp và giúp SBLaw có một vị trí nhất định trên thị trường hiện nay.
Và có cả một bóng hồng đặc biệt?
Tôi chỉ có thể chia sẻ rằng, đó là một luật sư rất giỏi nghề, rất hiểu chuyện đời, là điểm tựa tinh thần cho tôi trong cuộc sống. Phải nói vui rằng, để thuê được cô ấy, tôi đã phải dành rất nhiều thời gian để thuyết phục và trả công cô ấy bằng cả cuộc đời của mình (cười).
Theo Việt Dương thực hiện tinnhanhchungkhoan.vn