Hướng dẫn viết bản mô tả sáng chế

Hướng dẫn viết bản mô tả sáng chế

SBLAW Hướng dẫn viết bản mô tả sáng chế

Bản mô tả sáng chế là tài liệu quan trọng nhất trong bộ hồ sơ nộp đơn đăng ký sáng chế, SBLAW giới thiệu tài liệu Hướng dẫn viết bản mô tả sáng chế để các nhà sáng chế Việt Nam có thể áp dụng khi tiến hành nộp đơn.

HƯỚNG DẪN VIẾT BẢN MÔ TẢ SÁNG CHẾ

 

  1. Tên Sáng chế
  2. Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập
  3. Tình trạng kỹ thuật của sáng chế
  4. Bản chất kỹ thuật của sáng chế
  5. Mô tả vắn tắt các hình vẽ
  6. Mô tả chi tiết sáng chế
  7. Ví dụ thực hiện sáng chế
  8. Hiệu quả của sáng chế/ Những lợi ích sáng chế đạt được
  9. Yêu cầu bảo hộ
  10. Bản tóm tắt sáng chế

1. Tên sáng chế

a) Yêu cầu:

  • Phải phù hợp với bản chất của đối  tượng  yêu  cầu bảo  hộ,  tức là phù  hợp với đối tượng sáng chế nêu trong yêu cầu bảo  hộ.
  • Phải tương ứng với phạm vi bảo hộ. Điều này có nghĩa là nếu yêu cầu bảo hộ bao gồm nhiều đối tượng khác nhau thì tên sáng  chế phải phản  ánh điều đó. Ví dụ: Yêu cầu bảo hộ gồm chất, phương pháp sản xuất chất và thiết bị sản xuất chất đó thì tên sáng chế phải là : “Chất, phương pháp và thiết bị sản xuất chất” hoặc “chất, phương pháp sản xuất chất và thiết bị thực hiện phương pháp này”.
  • Không nên chứa các dấu hiệu mới của sáng chế. Sở dĩ có khuyến cáo này vì ở một số nước sau khi được đăng ký thì sáng chế được công bố tên ngay. Do đó, ai quan tâm họ có thể dựa vào các  dấu  hiệu  đó  để  thực hiện sáng chế theo ý tưởng đã bị bộc lộ trong tên sáng chế.
  • Phải thuộc về chủng loại, tức là thuộc về tên đối tượng đang được dùng phổ biến và trùng với tên đối tượng nêu trong Yêu cầu bảo hộ và trong    Tờ khai và các tài liệu khác của đơn. Sở dĩ có quy định này là do phải thông báo cho xã hội về đối tượng  đã được  hoàn thiện  bởi sáng chế  nhằm tránh nghiên cứu trùng lặp.
  • Phải ngắn gọn, rõ ràng và không mang tính quảng cáo. Giống  như tiêu đề của bài báo.

b)  Cách đặt tên

  • Nếu sáng chế liên quan đến sản phẩm hoặc quy trình mà đã có tên đang được sử dụng phổ biến thì nên lấy ngay tên đó mà không cần phải đặt tên mới.
  • Nếu sáng chế liên quan đến sản phẩm hoặc quy trình mới lần đầu tiên được tạo ra thì nên đặt tên theo chức năng, ví dụ: Dụng cụ cắt chẳng  hạn.
  • Tên sáng chế phụ thuộc phải trùng với tên sáng chế cơ bản.

2. Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập

a) Yêu cầu

  • Phải chỉ ra lĩnh vực kỹ thuật cụ thể mà sáng chế liên quan đến hoặc lĩnh vực mà sáng chế được sử dụng. Lĩnh vực  này phải phù  hợp  với lĩnh  vực  theo phân loại sáng chế quốc tế.

b)  Chức năng

  • Xác định lĩnh vực mà trong đó sáng chế được sử dụng để khẳng định khả năng áp dụng của nó.
  • Phục vụ cho việc  phân loại sáng chế  một cách nhanh  chóng     và chính  xác. Nếu không phân loại chính xác sáng chế thì  sẽ  không  tìm  ra  được  đối  chứng phục vụ cho việc xét nghiệm đơn. Điều đó có thể dẫn đến kết quả xét nghiệm sai lệch gây hậu quả bất lợi cho người nộp đơn.

c)  Cách thể hiện:

  • Nói chung, để làm việc này nên nêu tên sáng chế và dấu hiệu xác định  lĩnh vực sử dụng nó để bổ sung, giải thích tên sáng chế. Ví dụ: “Sáng chế máy được sử dụng để xếp các hộp đựng đồ hộp  sau khi đã  được đổ đầy vào hòm dùng cho ngành công nghiệp thực phẩm và có thể được sử dụng cho các nhà máy đóng gói đồ hộp”.
  • Nếu tên sáng chế xác định cả bản chất kỹ thuật lẫn lĩnh vực sử dụng nó, như cần trục tháp xây dựng, thì nên thể hiện phần này như sau: “Sáng chế đề cập đến các loại cần trục tháp xây dựng”.
  • Nếu sáng chế là sáng chế bổ sung cho một sáng chế đã được cấp Patent hay đơn đăng ký nào đó thì phần này nên được thể hiện như sau: “Trong Patent cơ bản (nêu số Patent)  hoặc đơn (nêu số đơn) có mô tả cột thủy lực có lực cản cố định, dấu hiệu “van một chiều đặt trong pit tông đường kính lớn” là dấu hiệu cơ bản”.

3. Tình trạng kỹ thuật của sáng chế

a)Yêu cầu:

  • Phải nêu một hoặc một số giải pháp kỹ thuật đã biết trùng với đối tượng nêu trong đơn về bản chất kỹ thuật và mục đích, tức là  hiệu  quả  đạt được, hoặc cùng giải quyết một vấn đề như sáng chế, chỉ ra các dấu hiệu cơ bản của chúng và các nhược điểm của các giải pháp này và nguyên nhân của chúng mà sẽ được sáng chế khắc phục một phần hoặc toàn bộ.
  • Phải chỉ ra nguồn thông tin về chúng (như số Patent, nước cấp, tên ấn phẩm, tác giả, nhà xuất bản và nơi xuất bản, số trang cụ thể,  v.v.).

b)  Cách thể hiện:

  • Có hai cách trình bày phần này. Cách thứ nhất: nêu từng giải pháp kỹ thuật, các dấu hiệu cơ bản của nó và chỉ ra nhược điểm và nguyên nhân của chúng. Cách thứ hai: nêu tất cả các giải pháp kỹ  thuật  một  cách  tổng thể và sau  đó  chỉ ra nhược điểm chung và riêng của  chúng.
  • Phải chọn ra trong số các giải pháp đó,  một giải pháp kỹ thuật mà Người nộp đơn cho là gần nhất, tức là trên cơ sở giải pháp đó sáng chế nêu  trong đơn đã được tạo  ra.

Đối với các đối tượng sáng chế khác nhau, yêu cầu thể hiện phần này là khác nhau.

  • Nếu là cơ cấu thì phải mô tả cơ cấu đó, tức là phải chỉ ra các dấu hiệu kết cấu và cách hoạt động của nó  hoặc  cách  sử  dụng  nó, đôi  khi cần phải mô  tả  tại  sao, nhằm mục đích công nghệ nào  mà cần  đến thiết bị đó. Sau đó, chỉ ra các nhược điểm  của  nó,  đồng  thời chỉ ra nguyên nhân của chúng mà có thể sẽ được khắc phục bởi cơ cấu nêu trong đơn.
  • Nếu giải pháp kỹ thuật đã biết là quy trình thì nêu các công đoạn được thực hiện theo trình tự và chỉ ra các thông số cần thiết để thực hiện từng công đoạn. Sau đó, chỉ ra nhược điểm của giải pháp đó và nguyên nhân gây ra nhược điểm đó mà có thể sẽ được khắc phục bởi quy trình nêu trong  đơn.
  • Nếu giải pháp kỹ thuật đã biết liên quan đến chất thì cần mô tả các thành phần, thậm chí cả công thức, cũng như các tính chất chủ yếu và nhược điểm của chất đó.
  • Nếu không có thông tin về các giải pháp kỹ thuật đã biết thì trong phần này phải ghi rõ điều đó.

Trường hợp này có thể là sáng chế nêu trong đơn hoàn toàn mới, tức là lần đầu tiên nó được tạo ra, hoặc nó thay thế các giải pháp kỹ thuật đang tồn tại mà không phải  là hoàn thiện chúng.

c)  Chức năng:

  • Giúp cho người nộp đơn kiểm tra lại ý tưởng của mình;
  • Giúp cho người nộp đơn khẳng định lại xem có nhu cầu về sáng chế hay  không;
  • Giúp cho  xét  nghiệm  viên  hiểu,  tra  cứu  và  xét  nghiệm  sáng  chế  (đây có thể  là phần duy nhất của bản  mô tả mà xét nghiệm viên đọc);
  • Mô tả tốt phần này sẽ có giá trị thuyết phục trong việc :
  • Kêu gọi đầu tư và ký kết hợp đồng li-xăng;
  • Giúp xét nghiệm viên và thẩm phán hiểu rõ tầm quan trọng của sáng chế, về vấn đề và cách thức mà sáng chế giải quyết cũng như các ưu điểm của sáng chế so với giải pháp kỹ thuật đã  biết.

4. Bản chất kỹ thuật của sáng chế

a) Yêu cầu:

  • Phải nêu được mục đích của sáng chế, tức là kết quả nào xã hội sẽ nhận được nhờ sáng chế. Kết quả này là những  lợi  ích kinh tế – xã hội đạt  được  cao  hơn khi sử dụng sáng chế so với việc sử dụng giải pháp kỹ thuật đã biết gần nhất nêu trong phần “Tình trạng kỹ thuật của sáng  chế”.
  • Mục đích  của sáng  chế  phải  được  thể hiện  một  cách  khách  quan,  cụ thể, không được nêu chung chung  và  không  được  mang  tính  quảng  cáo  và  phải liên quan nhân quả với các dấu hiệu cơ bản khác biệt của sáng chế nêu trong bản mô tả;
  • Phải nêu được bằng cách nào, tức là phải chỉ ra bằng phương tiện kỹ thuật gì mà nhờ đó sáng chế được đề xuất đạt được mục đích đề  ra.

b)  Cách thể hiện:

  • Để đáp ứng được các yêu cầu nêu trên, phần này thường được trình bày bằng cách trước tiên nêu mục đích của sáng chế, ví dụ: “Mục đích của sáng chế là…”, tiếp đến có thể trình bày tiếp theo hai phương   án:
  • Chỉ ra các dấu  hiệu  cơ  bản khác  biệt  của  nó so với  giải pháp    kỹ thuật gần nhất. Ví dụ: “Để đạt được mục  đích  nêu  trên,  cơ  cấu (chất, quy trình) theo sáng cho bao gồm (nêu các dấu hiệu khác biệt của nó so với giải pháp kỹ thuật gần nhất”;
  • Nêu tất cả các dấu hiệu cơ bản chung cho sáng chế và giải pháp kỹ thuật  đã  biết, rồi nêu  tiếp các dấu  hiệu cơ bản  khác  biệt  của   sáng chế. Ví dụ: “Để đạt được mục đích nêu trên, cơ cấu (chất, quy trình) theo sáng chế bao gồm (nêu các dấu hiệu cơ bản chung), cơ cấu (chất, quy trình) này còn có thêm (nêu các dấu hiệu cơ bản khác)”.
  • Nếu đơn có  một  số đối  tượng  bảo  đảm tính  thống  nhất  của  sáng  chế thì sau khi nêu các dấu hiệu cơ bản khác biệt của đối tượng thứ nhất phải lần lượt nêu các dấu hiệu cơ bản khác của các đối tượng tiếp theo.
  • Nếu đơn có  một  đối tượng  nhưng  được  thể  hiện  theo  các  phương án khác nhau thì trước tiên phải nêu các dấu hiệu  cơ  bản  khác  của  đối tượng theo phương án  thứ nhất. Tiếp đó, lần lượt nêu các dấu hiệu của  đối tượng đó theo các phương án tiếp theo, đồng thời phải chỉ ra ưu điểm của sáng chế theo từng phương án.
  • Nếu đơn gồm một đối tượng tổng thể và một hoặc một số biện pháp của nó thì bản chất kỹ thuật của sáng chế phải được thể hiện sao cho có  thể hiểu được các nhiệm vụ đặt ra cho từng đối tượng.

5. Mô tả vắn tắt các hình  vẽ

Hình vẽ, sơ đồ (nếu cần) nhằm giúp cho việc hiểu sáng chế trở nên dễ dàng  hơn

a)  Yêu cầu:

  • Phải được trình bày thành tài liệu riêng của đơn;
  • Phải được thể hiện theo các quy định về vẽ kỹ thuật;
  • Phải được thể hiện bằng các đường nét màu đen, bền màu, rõ nét, không tô màu trên giấy trắng không có dòng kẻ;
  • Tỷ lệ của hình vẽ và độ rõ nét của các chi tiết phải được thực hiện sao cho khi sao chụp với độ thu nhỏ 2/3 vẫn phân biệt được các chi tiết trên  đó;
  • Chỉ được thể hiện cùng với các ký hiệu  chỉ  dẫn  (không  để  trong  ngoặc hoặc khoanh tròn) để dễ nhìn hình vẽ mà không được ghi kích thước, chứa các chữ, trừ trường hợp cần thiết để giải thích nhưng phải ngắn gọn như “nước”, “hơi”, “mở”, “đóng”, v;
  • Có thể trình bày nhiều hình vẽ trên một trang giấy. Nếu các hình vẽ tạo nên một hình vẽ thống nhất được bố trí trên nhiều trang thì chúng phải được bố trí sao cho hình vẽ đó có thể ghép lại mà không mất bất cứ phần nào của các hình vẽ trên các trang khác nhau;
  • Các hình vẽ riêng biệt cần được đánh số thứ tự bằng chữ số Ả rập và không phụ thuộc vào số thứ tự trang;
  • Các hình vẽ phải phù hợp với nhau và với các tài liệu của đơn, đặc biệt là    bản mô tả , đặc biệt là về các ký hiệu chỉ dẫn nhằm tránh gây ra sự hiểu sai lệch sáng chế. Điều này có nghĩa là mỗi chi tiết nhất định phải tương ứng với một ký hiệu chỉ dẫn trên tất cả các hình vẽ và trong toàn bộ các tài liệu của  đơn;
  • Các ký hiệu chỉ dẫn không được nhắc đến trong bản mô tả không được ghi  trên hình vẽ và ngược lại.
  • Trong trường  hợp  hình  vẽ là cần thiết  để giúp  cho việc  hiểu  được sáng chế một cách dễ dàng hơn thì phần này  được  trình  bày  ngay  tiếp  sau  phần  “Bản chất kỹ thuật của sáng chế”. Phần này cần được trình bày  một  cách  ngắn gọn bằng  cách liệt kê các hình vẽ và giải thích chúng một cách ngắn  gọn.
  • Phần này  thường  được  trình  bày  như  sau:  “Để  sáng  chế  được  hiểu một cách dễ dàng hơn, các hình vẽ sau thể hiện sáng chế theo các phương  án  khác nhau, trong đó 1 là hình vẽ phối cảnh của thiết bị theo một phương án của sáng chế; 2 là hình vẽ mặt cắt theo đường A-A trên H.1, v.v.

6. Mô tả chi tiết sáng chế

a) Yêu cầu:

  • Phải mô tả sáng chế bằng các dấu hiệu đặc trưng của nó sao cho người có  hiểu biết trung bình trong ngành có thể thực hiện được sáng chế và phải tương ứng với yêu cầu bảo hộ.

b)  Cách trình bày:

  • Trong phần này, nếu bản mô tả có các thuật ngữ được dùng  lần  đầu tiên  hoặc không thông dụng thì phải có đọan giải thích các thuật ngữ  đó.
  • Tùy thuộc vào từng đối tượng sáng chế (cơ cấu, chất, quy trình) phần này được trình bày như sau:

Đối với cơ cấu :

  • Trước hết, cơ cấu phải được mô tả theo kết cấu, tức là ở trạng thái tĩnh bằng cách dựa vào hình vẽ liệt kê các chi tiết (cụm chi tiết) kèm theo các số chỉ dẫn gán cho chúng có giải thích chức năng của chúng, mối  liên  quan  giữa  chúng; Đồng thời phải chỉ ra các  đặc  điểm  kết  cấu,  đặc  điểm  công  nghệ chế tạo chi tiết  (cụm  chi tiết), nếu cần. Lưu ý rằng, số chỉ dẫn của từng chi  tiết (cụm chi tiết) trong phần mô tả này của bản mô tả phải trùng hoàn toàn   với số chỉ dẫn trên hình vẽ biểu thị chi tiết đó và chúng không được để trong ngoặc hoặc khoanh tròn.
  • Sau đó, cơ cấu phải được mô tả ở trạng thái hoạt động của nó hoặc cách sử dụng nó bằng cách chỉ ra các chi tiết tác động tương  hỗ với nhau  như  thế nào. Đặc biệt, cần mô tả một cách cụ thể, tỉ mỉ và rõ ràng sự hoạt động của   các  chi  tiết,  cụm  các chi  tiết mới của sáng chế khiến  cho nó đáp ứng được tiêu chuẩn trình độ sáng tạo. Lưu ý rằng, trong phần này các số chỉ dẫn biểu thị các chi tiết, cụm chi tiết không được thay đổi.

Đối với chất :

  • Tùy thuộc vào từng loại chất mà phần này được trình bày theo các cách khác nhau:

Đối với hợp chất hóa học cụ thể: Nếu được  đặc trưng bằng công thức cấu    tạo thì chúng cần được mô tả bằng cách đưa ra công thức đó có giải thích các ký  hiệu đi kèm với nó và phương pháp điều chế hợp chất đó cũng như  các  đặc tính (tính chất khác của nó) và chỉ ra công dụng cụ thể của hợp chất này.

Đối với hợp chất không rõ cấu trúc: Phải trình bày các dấu hiệu để  có thể  nhận biết được chúng như các hằng số lý-hóa,  các tính chất cảm quan (mùi vị,    màu sắc, v.v.) các dữ liệu về quang phổ, các tính chất lý-hóa  khác (trạng  thái vật   lý, độ hòa tan, điểm  sôi, điểm nóng chảy, v.v.), các tính chất đặc biệt khác, cũng  như cách thu được nó.

Đối với chất thu được bằng phương pháp hóa lý: Phải nêu thành phần  định  tính và định lượng các hợp phần cấu thành chất này; Đồng thời phải mô  tả trạng  thái  vật  lý (lỏng, rắn, khí) của các hợp phần đó và trạng thái vật lý của thành phẩm.

  • Tiếp đến, mô tả phương pháp tạo ra chất này, bằng cách chỉ ra các bước

cần được thực hiện và trình tự cũng như điều kiện để thực hiện từng  bước

đó.

Đối với quy trình:

  • Trong phần này cần phải liệt kê các công đoạn/nguyên công của quy  trình và chỉ ra  trình  tự  thực  hiện  chúng,  điều  kiện  cụ  thể  cần  thiết  để thực hiện công đoạn/nguyên công , tức là các chế độ, thiết bị, chất  dùng cho công đoạn/nguyên  công.

7. Ví dụ thực hiện sáng chế

  • Sở dĩ có phần này là nhằm chứng minh khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế và khả năng đạt được mục  đích  đề  ra,  cũng  như  nhằm  chứng  minh trình độ sáng tạo của sáng chế, đặc biệt là đối với chất sử dụng các  thành phần đã biết.
  • Về nguyên tắc, một ví dụ là đủ để bản mô tả đáp ứng yêu cầu bộc lộ đầy đủ, nhưng nếu nội dung sáng chế rộng thì càng nhiều ví dụ càng tốt để tăng  tính thuyết phục cho xét nghiệm viên và những người có liên quan cũng như  để tránh không cho đối thủ cạnh tranh “đi vòng” sáng  chế.
  • Nếu yêu cầu bảo hộ có các dấu hiệu là thông số thì trong phần này phải chỉ ra bằng phương pháp nào các thông số đó được đo, trừ  trường  hợp  người trong ngành đã biết cách đo các thông số đó hoặc tất cả các phương  pháp đo đều cho kết quả như  nhau.
  • Nếu cần công thức tính toán để chứng minh các kết quả thu được bằng lý thuyết thì phải giải thích các ký hiệu của công thức.
  • Nếu đối tượng của thuần túy chỉ là cơ cấu hoặc phương  pháp thì  phần này  chỉ phải nêu nếu cần thiết để mô tả làm rõ hơn về một hoặc một số hình thức  sử dụng SC/GPHI thích hợp nhất và những khả năng sử dụng đặc biệt cũng  như những ưu thế sử dụng nổi bật của SC/GPHI.
  • Nếu đối  tượng  của  SC/GPHI  là  chất  hoặc  thuộc  loại  kết  hợp  các đối tượng trong đó có một đối tượng là chất thì phần này bắt buộc phải có. Trong trường hợp này cần phải nêu tối thiểu 03 VD thực hiện SC/GPHI sao cho     mỗi thành phần cấu thành chất phải được thể hiện đủ ở 03 điểm tỷ lệ phần  trăm gồm hai điểm giới hạn và một điểm ở khoảng giữa  của khoảng  tỷ lệ  phần trăm của nó trong chất.

8. Hiệu quả của sáng chế/ Những lợi ích sáng chế đạt được Yêu cầu bảo hộ:

  • Bản yêu cầu bảo hộ nhằm xác định phạm vi, khối lượng bảo hộ của SC/GPHI cần phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng và phải phù hợp với những mô tả thể hiện trong bản mô tả chi tiết. Yêu cầu bảo hộ có thể gồm một hoặc nhiều điểm, trong đó có thể có một  hoặc một số điểm độc lập và một hoặc một số điểm phụ thuộc. Cách xác định điểm độc lập và phụ thuộc như sau:
  • Điểm độc lập: là điểm yêu cầu bảo hộ riêng cho một đối tượng nhất định của SC/GPHI mang những dấu hiệu cơ bản nhất cấu thành đối tượng. Số điểm độc lập được xác định theo số đối tượng của SC/GPHI hoặc theo số phương án thực hiện SC/GPHI nếu các phương án này có bản chất kỹ thuật độc lập nhau.
  • Điểm phụ thuộc: là điểm yêu cầu bảo hộ mở rộng cho một điểm độc lập nói trên.

Cách viết bản yêu cầu bảo hộ như sau:

  • Mỗi điểm yêu cầu bảo hộ phải được viết riêng thành một đoạn và có đánh số thứ tự ở đầu.
  • Nếu là điểm độc lập:
  • Đầu tiên nêu các dấu hiệu cơ bản cần thiết để xác định nên đối tượng theo SC/GPHI mà các dấu hiệu này trùng với các dấu hiệu cơ bản của các giải pháp kỹ thuật đã biết (đã nêu ở phần tình trạng kỹ thuật của SC/GPHI ở bản mô tả chi tiết).
  • Tiếp theo  là phần  trình  bày  ngắn  gọn  những  dấu hiệu  khác biệt  đặc trưng của đối tượng theo SC/GPHI bằng cách bắt đầu bằng các cụm từ “khác biệt  ở chỗ” hoặc “đặc  trưng ở chỗ” và nêu ra các dấu hiệu này. Lưu ý: Các dấu hiệu khác biệt đặc trưng được nêu phải là các dấu hiệu cần và đủ để phân biệt SC/GPHI với những giải pháp kỹ thuật đã biết và đủ để có thể đạt được mục đích mà SC/GPHI đề ra.
  • Nếu là điểm phụ  thuộc: đầu tiên  cần nêu tên đối tượng theo  một điểm độc lập nào đó, tiếp theo là nêu ra các dấu hiệu cần thiết để mở rộng hoặc phát triển đối tượng đó.

9. Bản tóm tắt

a) Yêu cầu

  • Phải chỉ ra lĩnh vực mà trong  đó sáng  chế được sử dụng  hoặc  liên   quan đến;
  • Phải có tên sáng chế;
  • Phải nêu bật được bản chất của sáng chế bằng cách chỉ ra các dấu hiệu khác biệt cơ bản;
  • Không được chứa thông tin quảng cáo;
  • Không có quá 150 từ;
  • Có thể chứa công thức hóa hoặc hoặc hình vẽ đặc trưng để giúp hiểu rõ sáng chế hơn.

b) Chức năng:

  • Cung cấp thông tin tóm tắt về đơn để xét nghiệm viên và những người có liên quan đưa ra quyết định xem có nên đọc toàn văn các tài liệu của đơn đó không.
  • Không mang tính chất pháp lý về đơn, tức là nó không được dùng để giải thích phạm vi bảo hộ.


SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại – Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan