Hậu quả thật từ thông tin giả mạo trên mạng xã hội

Hậu quả thật từ thông tin giả mạo trên mạng xã hội

Vừa qua, hình ảnh về dàn siêu xe gắn biển xanh của Cần Thơ lan truyền trên mạng được làm rõ chỉ là ảnh chụp xe...

đồ chơi bằng nhựa. Đây chỉ là một ví dụ trong hàng loạt thông tin giả mạo xuất hiện trên internet thời gian qua gây bức xúc trong nhân dân, lại tốn thời gian, công sức của cơ quan chức năng.

Ảnh: Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Liên quan đến sự việc này, sau khi điều tra, xác minh, lực lượng chức năng đã khẳng định, hình ảnh mà người đăng tải lên mạng xã hội về những “siêu xe gắn biển xanh” là giả được chỉnh sửa qua công nghệ photoshop. Dù chưa xác định được động cơ, mục đích của người đăng tải song rõ ràng nó đã tạo phản ứng xấu trong dư luận về xe công vụ.



Tràn lan thông tin giả mạo trên mạng xã hội

Cách đây ít ngày, trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện trang fanpage mạo danh “Báo Công an”, trong đó đăng clip về vụ một Việt kiều về nước, tranh cãi với nhân viên sân bay Tân Sân Nhất vì cho rằng hành lý của họ bị cắt khóa, lấy đồ tại sân bay Việt Nam nhưng thực chất không phải như vậy. Clip này làm ảnh hưởng tới hoạt động của hàng không Việt Nam và tạo ra hình ảnh méo mó, xấu xí về đất nước và con người Việt Nam.

Trước đó, cũng trên mạng xã hội cũng xuất hiện trang “Cục Hải quan bán xe thanh lý”, trong đó không chỉ sử dụng logo của Hải quan Việt Nam làm ảnh đại diện mà còn sử dụng ảnh chụp tập thể cán bộ, nhân viên của Báo Hải quan làm ảnh nền. Ngay sau khi xảy ra sự việc, trên trang điện tử Báo Hải quan, Tổng cục Hải quan đã xác nhận không có chuyện Hải quan lập fanpage để rao bán, thanh lý xe trốn thuế. Bởi theo quy định, việc thanh lý xe trốn thuế (nếu có) sẽ được thực hiện bằng phương thức đấu giá chứ không phải “rao bán”. Vì vậy, những thông tin tại fanpage trên là hoàn toàn giả mạo.

Không chỉ mạo danh các tổ chức, một số đối tượng còn mạo danh cá nhân, đưa ra những thông tin không đúng sự thật nhằm bôi nhọ người khác hòng trục lợi. Thời gian qua, không ít diễn viên, ca sỹ, người mẫu… nổi tiếng đã trở thành nạn nhân của những đối tượng này. Chỉ cần gõ tên một người nổi tiếng vào ô tìm kiếm, chúng ta có thể nhận được hàng nghìn kết quả trong vài giây, trong số đó có không ít tài khoản giả mạo.

Dưới góc độ xã hội học, bình luận về hành vi này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Phó Tổng thư ký Hội xã hội học Việt Nam cho rằng, với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng lập một tài khoản trên mạng và chia sẻ thông tin trên đó theo ý muốn chủ quan của mình. Tuy vậy, có một số đối tượng mạo danh cá nhân khác, sử dụng hình ảnh của người khác để đăng tải những thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật, đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức, vi phạm các quy định của pháp luật.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do việc kiểm soát các hoạt động trên mạng xã hội không hề dễ dàng, khi mà một số cá nhân biết rõ việc làm sai trái nhưng vẫn cố tình thực hiện nhằm mưu đồ riêng... Việc mạo danh các tổ chức, cá nhân để đưa ra những thông tin giả mạo đôi khi có thể tạo ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Nguy cơ bị phạt tiền, ngồi tù

Liên quan đến một số sự việc trên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH Luật SBLaw cho rằng, dù “dàn xe” ô tô biển xanh ở Cần Thơ đã được xác định chỉ là mô hình ô tô được lắp biển màu xanh và đặt dưới gầm giường/tủ, song điều đáng nói là cách đặt lời bình của chủ bức ảnh “sắp có biến lớn rồi…” đã khiến cộng đồng mạng có phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt trong thời điểm gần đây khi việc sử dụng xe công vào việc riêng là vấn đề “nóng”.

Trong trường hợp này, để khẳng định hành vi trên có vi phạm pháp luật hay không và nếu có sẽ bị xử lý ra sao cần làm rõ mục đích, động cơ của việc đăng thông tin đó. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, rất nhiều người dùng sử dụng các chiêu trò khác nhau để thu hút sự chú ý, “câu like” và “câu view”.  Do đó, trong trường hợp này, nếu bức ảnh của người đăng chỉ nhằm mục đích tạo sự chú ý, thu hút từ cộng đồng mạng thì không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu xác minh được hành vi giả mạo này có mục đích cố ý xuyên tạc, tạo hình ảnh xấu về việc sử dụng xe công của các cơ quan Nhà nước thì sẽ bị xử lý.

Theo đó, hành vi đăng tải thông tin có nội dung biết rõ là giả mạo lên mạng xã hội với mục đích xuyên tạc, kích động đã vi phạm quy định tại Luật Công nghệ thông tin và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Ngoài ra, những hành vi này còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 66 Nghị định 174/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, người đăng hình ảnh trên có thể bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, liên quan đến việc giả mạo hoặc cố tình gây nhầm lẫn cho người xem khi xưng danh là “Báo Công an” để đưa tin nhằm bôi xấu danh dự của an ninh sân bay, trong trường hợp này, rõ ràng mục đích và động cơ của hành vi đã được thể hiện rõ hơn so với vụ việc trước. Người lập fanpage đã có 2 hành vi vi phạm bao gồm giả mạo trang thông tin của báo ngành công an và đăng tải thông tin không đúng sự thật nhằm kích động, bôi xấu danh dự của an ninh sân bay. Căn cứ tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi này mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Điều đáng nói là, trên thực tế, việc phát hiện cá nhân thực hiện những hành vi trên qua mạng xã hội là khá khó khăn, đặc biệt là những đối tượng ở nước ngoài. Với quy định hiện hành, mức hình phạt đối với hành vi này đã khá nghiêm khắc, song thời gian qua việc xử lý cá nhân vi phạm còn hạn chế.

Nhằm giảm thiểu thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa những thông tin được đăng tải, đặc biệt là đối với các trang mạng có nhiều người tham gia. Trường hợp phát hiện hành vi sai phạm cần tiến hành xử lý kịp thời, dứt điểm. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia mạng xã hội, tránh bị nhiễm những thông tin giả mạo, dễ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của họ.

Điều 226 Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

- Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật.

- Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

- Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet; Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo anninhthudo.vn

»

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan

Đối phó bão thực phẩm bẩn

(Dân trí) Đối phó "bão" thực phẩm bẩn: Ai sẽ giúp các bà nội trợ? Chuyên gia cho rằng, để giải quyết những vấn đề