Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ANTV về những quy định trong Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài trả lời phỏng vấn này:
1/ Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Xin ông cho biết ý nghĩa thực tiễn của Nghị quyết này?
Trả lời:
Về mặt thực tiễn, Nghị quyết số 66-NQ/TW khẳng định yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý, hoàn thiện thể chế để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và hội nhập quốc tế sâu rộng. Nghị quyết đưa ra định hướng rõ ràng nhằm nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch, ổn định và dễ tiếp cận đối với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, nhấn mạnh việc tăng cường tổ chức thi hành pháp luật, khắc phục các tình trạng yếu kém vốn tồn tại dai dẳng lâu nay.
Qua đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, khả thi, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội và trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Cụ thể: năm 2025 hoàn thành tháo gỡ “điểm nghẽn” pháp luật; năm 2027 hoàn thiện pháp lý cho bộ máy chính quyền 3 cấp; năm 2028 hoàn thiện pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đưa môi trường đầu tư Việt Nam vào top 3 ASEAN.
Và tầm nhìn đến 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật hiện đại, tiệm cận chuẩn quốc tế, thực thi nghiêm minh, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tạo cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc để các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đổi mới phương thức xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật theo hướng hiện đại, kịp thời tháo gỡ rào cản, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật pháp luật.
2/ Nghị quyết với nhiều nội dung mới, quan trọng, vậy theo ông điều này sẽ giải quyết và tạo ra những bước đi mới trong việc khơi thông “điểm nghẽn” về mặt thể chế?
Trả lời: Nghị quyết 66-NQ/TW đã chỉ ra rất rõ những “điểm nghẽn” về thể chế hiện nay mà cụ thể là: (i) hệ thống pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ; (ii) một số quy định còn thiếu tính khả thi, khó thực thi; (iii) tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật; và (iv) khâu tổ chức thi hành pháp luật chưa được chú trọng đúng mức.
Nghị quyết lần này không chỉ nhận diện vấn đề mà còn đưa ra giải pháp toàn diện với các bước đi rất cụ thể để khơi thông các điểm nghẽn đó. Nổi bật có thể kể đến:
Thứ nhất, quy định rõ trách nhiệm chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Thứ hai, đẩy mạnh việc tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động chính sách trước khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm các quy định xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, khả thi, hợp lý.
Thứ ba, tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn cao, tư duy đổi mới.
Thứ năm, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, dễ tiếp cận cho người dân và doanh nghiệp.
Như vậy, Nghị quyết không chỉ là kim chỉ nam mà còn là “hộ chiếu thể chế” mới, mở đường cho việc tạo lập môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, thuận lợi hơn cho các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo. Đây chính là tiền đề then chốt để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định.