Cuộc chiến bản quyền sẽ có lối ra

Trong bài viết Cuộc chiến bản quyền: Sẽ có lối ra đăng trên báo Nhịp cầu đầu tư có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW

Bảo hộ tác quyền chính là một trong những vấn đề quan trọng nhất khi tham gia TPP. Việt Nam cần làm gì để giài quyết vấn nạn vi phạm bản quyền?

Hayhaytv là một trang mạng xã hội vừa bị cơ quan Nhà nước “tuýt còi” vì những sai phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Hầu hết phim, chương trình truyền hình và video clip mà Hayhaytv đăng tải đều chưa có sự đồng ý của tác giả. Vì thế, trang mạng này phải nhận mức phạt hành chính vi phạm bản quyền là 60 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty Bách Triệu Phát, chủ quản của Hayhaytv, phải gỡ bỏ toàn bộ sản phẩm vi phạm đang lưu giữ trong vòng 10 ngày.

TPP bảo hộ quyền tác giả

Thời điểm Hayhaytv bị thanh tra và xử phạt cũng là lúc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc, khiến cho câu chuyện vi phạm bản quyền càng trở nên “nóng”.

Bởi lẽ trong đàm phán TPP, nội dung được đưa ra bàn thảo quyết liệt nhất là quyền sở hữu trí tuệ. Ở thời điểm năm 2012, dự thảo cho nội dung này đã dày tới 80 trang. Các nước phát triển như Mỹ và Úc đều muốn nâng mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Riêng Mỹ ngay từ đầu đã tuyên bố họ phải đạt được những nội dung cơ bản về quyền sở hữu trí tuệ. Thứ nhất, các nước tham gia TPP phải tuân thủ những nguyên tắc, chuẩn mực chung, các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ thế giới, hoặc các điều ước khu vực đã được ký kết. Kế đến, TPP sẽ xây dựng các chuẩn mực cụ thể đối với từng lĩnh vực cụ thể, từ nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, bằng sáng chế, dữ liệu thử nghiệm (dược phẩm, hóa chất nông nghiệp) đến quyền tác giả, quyền liên quan và các vấn đề thực thi.

Đi vào vấn đề bản quyền, Mỹ yêu cầu phải kéo dài thời gian bảo hộ bằng cuộc đời của tác giả cộng thêm 70 năm, trong khi ở Việt Nam chỉ quy định 50 năm. Nếu không tính tuổi đời tác giả, thời gian bảo hộ bản quyền phải lên tới 95 năm và có thể tối đa 120 năm. Hai con số này ở Việt Nam hiện là 70 năm và 100 năm.

Mức độ bảo hộ bản quyền cũng được mở rộng. Chẳng hạn, lâu nay Việt Nam chỉ nghĩ đến bảo hộ bản quyền của chương trình truyền hình được mã hóa theo tín hiệu vệ tinh. Nhưng quy định trong TPP còn mở rộng bảo hộ bản quyền sang những chương trình dùng tín hiệu truyền hình cáp.

Mỹ cũng đặt ra những tiêu chuẩn rất hà khắc về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, từ biện pháp hành chính, dân sự đến hình sự. Về dân sự, các chế tài hay biện pháp xử lý hàng hóa có thiên hướng giống với hình sự. Nếu là xử phạt hành chính, Mỹ yêu cầu phải giống như thủ tục dân sự. Đặc biệt, Mỹ đã áp dụng và yêu cầu hình sự hóa các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ ở mức rất cao. Không chỉ xử phạt vi phạm ở quy mô thương mại, có tính chất cố ý (như trong quy định TRIPS của WTO), cả những vi phạm không có động cơ thu lợi, vi phạm trực tiếp hay gián tiếp cũng bị xử lý hình sự. Những hành vi như quay phim trong rạp cũng bị yêu cầu hình sự hóa. Mỹ đặc biệt không quên chú ý khía cạnh bản quyền trong môi trường kỹ thuật số.

Dù các quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong TPP còn chờ văn bản chính thức mới biết được nội dung chính xác và chi tiết, nhưng theo bản dự thảo cũng như các thông tin rò rỉ, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hãng Luật SB, đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng bị kiện cáo rất phức tạp và bị phạt nặng nếu tình trạng xâm hại quyền sở hữu trí tuệ không cải thiện.

Vi phạm tầm thế giới

Việt Nam là quốc gia có mức độ vi phạm bản quyền rất nghiêm trọng. Theo số liệu của Liên minh phần mềm doanh nghiệp (Business Software Alliance – BSA), tính đến hết năm 2013, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 20 nước có vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới, với mức độ vi phạm lên tới 81%.

Trong lĩnh vực điện ảnh, thống kê từ Cục Điện ảnh cho thấy không riêng Hayhaytv, hơn 400 website tiếng Việt đang hoạt động với cách thức tương tự, tức là công khai chiếu hàng chục ngàn bộ phim (cả trong nước lẫn quốc tế) trên internet. Hầu hết các phim này đều không mua bản quyền.

Tình trạng vi phạm bản quyền phim ảnh tràn lan đến mức Liên minh Sở hữu Trí tuệ Quốc tế (IIPA) đã đưa Việt Nam vào danh mục các nước cần bận tâm. Những trang mạng nổi đình nổi đám trong làng phim lậu Việt Nam đều được tổ chức này điểm mặt. Trong đó, Hayhaytv “vinh dự” góp mặt 2 năm liên tiếp 2014-2015. Đáng chú ý, trong báo cáo vừa được công bố cách đây 2 tuần của Hiệp hội các nhà sản xuất phim ảnh Mỹ (MPAA) có cái tên Putlocker trong danh sách đen. Đây là trang chuyên chia sẻ đường dẫn phim lậu. Theo MPAA, mặc dù máy chủ của Putlocker đặt tại Thụy Sĩ, nhưng chủ vận hành trang này lại đang ở Việt Nam. Với lượng truy cập đứng thứ 270 toàn cầu, trong đó tới hơn phân nửa là từ Mỹ và châu Âu (theo số liệu từ SimilarWeb), Putlocker đã đưa phim lậu Việt Nam lên “đẳng cấp thế giới”.

Ngay cả những ông lớn trong ngành công nghệ Việt Nam cũng không thoát khỏi tầm ngắm quốc tế. Báo cáo công bố tháng 3.2015 của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) bày tỏ quan ngại về việc Zing.vn của VNG vẫn cho phép người dùng dễ dàng tải nhạc lậu. Hay dịch vụ chia sẻ file Fshare của FPT cũng thường xuyên bị nhắc tên trên các báo cáo hằng năm của IIPA.

Các công ty sẵn sàng kinh doanh phim lậu trực tuyến bởi đây là lĩnh vực gặt hái ra tiền. Theo nguồn tin NCĐT thu thập được, doanh thu của Hayhaytv từ thu phí người xem, bán quảng cáo và bán dịch vụ video trực tuyến (SVOD) lên tới hàng tỉ đồng mỗi tháng. Trong khi đó, trang này chỉ tốn chút ít cho đầu tư hệ thống, quản trị mạng… Tính ra, chủ quản của Hayhaytv đã bỏ túi bộn tiền và án phạt 60 triệu đồng dành cho họ là quá nhẹ. Đó có thể cũng là lý do để 3 trang mạng phim47.com, v1vn.com và pub.vn dù bị xử phạt về vi phạm quyền tác giả (tháng 7.2013) vẫn tìm cách quay trở lại thông qua những chiếc áo mới. Cụ thể, trang phim47.com đổi thành phimhh.com, trang pub.vn chuyển thành pubvn.tv và các trang này vẫn tiếp tục đăng tải những phim không có bản quyền.





Một số website phim đang thu hút hàng triệu người xem mỗi tháng

Trong lĩnh vực xuất bản, sách lậu hiện chiếm khoảng 20-30% trên thị trường, với cách thức ngày càng tinh vi. Chúng không chỉ sao chép toàn bộ nội dung mà còn gắn cả logo, con dấu của nhà xuất bản… Những đơn vị có nhiều sách bán chạy như Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) thì càng bị in lậu nhiều. Theo ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, tính đến nay, nhà xuất bản này đã bị in lậu hơn 300 đầu sách, trong đó có những sách như Đắc Nhân Tâm bị 10 nơi in lậu. Vì thế, 15 năm qua, First News không ngại bỏ công sức tiền bạc để cùng các cơ quan chức năng tham gia truy bắt hàng trăm vụ in lậu, vi phạm bản quyền. Nhưng dù bị phát hiện và bị phạt tiền, nhiều cơ sở in lậu vẫn tái phạm.

Lý do bởi nếu nhà xuất bản và công ty phát hành sách phải tốn hàng chục loại chi phí như tiền bản quyền, dịch thuật, biên tập, marketing hay thuế, thì những đơn vị làm sách lậu lại không mất các khoản này. Vì thế, lợi nhuận từ in sách lậu thường đạt 60-70% giá bán. Còn mức lãi của First News chỉ khoảng 10-15%.

Sách lậu còn len lỏi và chiếm lĩnh thị trường bằng mức giá bán rẻ hơn 15-20% so với sách thật và trà trộn nhằm đánh lừa người đọc. Trước thực trạng này, nhiều đơn vị như Nhà in Hà Nội phải chuyển sang in hóa đơn cho doanh nghiệp. Với những công ty còn bám trụ thị trường sách, một mặt họ phải “thương lượng” với những nơi làm lậu, phân phối sách lậu, mặt khác phải tuyên truyền để người đọc nhận biết và lựa chọn sách thật. Dù vậy, sau sự kiện First News thua kiện trước cơ sở đóng sách lậu Huy Thi (tháng 8.2014), những người làm sách chân chính đều ít nhiều cảm thấy chán nản.

Tình trạng kinh doanh phim, nhạc, sách lậu diễn ra phổ biến không chỉ làm méo mó thị trường, gây ra những thiệt hại về doanh thu, lợi nhuận, làm nản lòng các đơn vị chân chính mà còn tạo những tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác nước ngoài. Theo bà Phan Mộng Thúy, Giám đốc hãng phim Phương Nam, việc đàm phán mua bản quyền phim ảnh của Công ty thường gặp rất nhiều khó khăn bởi phía đối tác ngoại luôn e dè trước nạn vi phạm bản quyền ở Việt Nam. Nhiều nơi từ chối thẳng thừng, không muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam dù là theo hình thức phát hành phim cùng chia sẻ doanh thu, lợi nhuận. Thậm chí, nạn in sao lậu, vi phạm bản quyền còn đe dọa đến các giao dịch tác quyền đã được thiết lập như trường hợp giữa First News và nhà xuất bản HarperCollins nổi tiếng của Mỹ.

Thiệt hại có thể kể đến còn là chuyện các công ty Việt Nam “mất lửa” trong sản xuất, sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa chất lượng. “Doanh nghiệp bỏ ra mấy chục tỉ đồng làm phim nhưng trình chiếu hôm trước, hôm sau đã bị quay lén, đăng tải công khai khắp nơi trên internet thì thử hỏi còn động lực nào đầu tư nữa!”, bà Thúy, hãng phim Phương Nam, nhấn mạnh.

Cuộc chiến vì bản quyền

Các công ty làm ăn chân chính không thể cạnh tranh lại với phim lậu, sách lậu, bởi đây là cuộc chiến không cân sức giữa một bên chi ra quá nhiều, còn bên kia lại không tốn kém gì. Theo bà Phan Mộng Thúy, nếu các trang phim lậu đều bắt buộc phải mua bản quyền cho tất cả phim đăng tải, chắc chắn đây sẽ là con số rất lớn. Và với cách thu phí như hiện nay, họ sẽ phải bỏ cuộc.

Tuy nhiên, trước mắt, cuộc chiến chống phim lậu vẫn tiếp diễn. Nhìn lại kinh nghiệm của thị trường Mỹ và châu Âu, có thể thấy, cuộc chiến này không phải là không có lối ra. Bởi một khi được lựa chọn, người dùng sẵn sàng trả tiền để được xem phim bản quyền.

Điển hình, hệ thống chia sẻ file BitTorrent từng là nơi truyền tải phim và nhạc lậu, chiếm tới hơn 1/3 lưu lượng tải xuống tại Mỹ vào những năm 2004-2008. Nhưng giờ đây, với sự trỗi dậy của các dịch vụ phim trực tuyến có bản quyền như Netflix, BitTorrent đã hoàn toàn bị soán ngôi và chỉ còn chiếm chưa tới 5% trong năm 2015. Trong khi đó, Netflix đã vươn lên chiếm tới 34% thị phần.

Với 42 triệu người dùng và doanh thu 1,64 tỉ USD chỉ trong quý II vừa qua, Netflix là một minh chứng hùng hồn cho thấy các dịch vụ xem phim có bản quyền qua internet có thể đánh bật phim lậu. Netflix thành công vang dội đến mức, tháng 6 vừa qua, Tổng Giám đốc Netflix Reed Hastings còn gửi lời cám ơn các trang phim lậu vì đã giúp cho hàng triệu người dùng làm quen với việc xem phim qua internet vào bất cứ lúc nào họ muốn, thay vì bị trói buộc vào giờ giấc của truyền hình và rạp phim.

Một thông tin đáng chú ý khác là đối tượng xem phim, nhạc lậu không hề thiếu tiền. Kết luận này dựa trên nghiên cứu ở Ba Lan vào năm 2012. Theo đó, những người thường xuyên tải phim và nhạc lậu cũng là người hay xem phim rạp và tham dự các buổi hòa nhạc nhất. Khảo sát ở Úc vào cuối năm ngoái cũng cho thấy, những người xem phim lậu trực tuyến là người thường xuyên đi xem phim rạp và có tài khoản Quickflix (tương tự như Netflix của Mỹ). Điều này phản ánh một sự thật rằng người dùng vẫn tìm đến phim nhạc lậu chừng nào các kênh này còn tạo sự thuận tiện, dễ dàng và thỏa mãn nhu cầu của họ.

“Triệt tiêu phim, nhạc lậu khó như xóa bỏ nạn trộm cắp trong xã hội vậy”, bà Phan Mộng Thúy nhận định. Vì thế, với doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm văn hóa như hãng phim Phương Nam hay First News, mong muốn trên hết vẫn là bản quyền được tôn trọng và thực thi nghiêm túc. Muốn vậy, các chế tài liên quan đến vi phạm bản quyền phải nghiêm khắc. Bà Thúy đặt ra câu hỏi: “Vì sao ăn cắp chiếc xe đạp, với giá trị chỉ vài trăm ngàn đồng đã bị tù. Còn ăn cắp bản quyền của người khác, có giá trị đôi khi lên tới hàng chục tỉ đồng lại chỉ bị phạt hành chính?”.

Nghịch lý này sẽ được điều chỉnh lại. Nói như ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, khi tham gia TPP, Việt Nam không thể trốn tránh và buộc phải xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự với các quy định về những tội danh liên quan đến sở hữu trí tuệ và khung hình phạt cho tội danh này. Nhà nước sẽ tăng cường hiệu quả trong cơ chế xử lý vi phạm bản quyền tại các cơ quan thanh tra, an ninh mạng và tòa án.

Giải pháp kỹ thuật để thực thi quyền sở hữu trí tuệ là doanh nghiệp cần trang bị công cụ bảo mật hiệu quả để chống bị ăn cắp sản phẩm bản quyền. Hay các nhà cung cấp kết nối internet (ISP) không cung cấp dịch vụ cho các đơn vị vi phạm bản quyền.

Nếu Việt Nam xác lập được môi trường tôn trọng và thực thi bản quyền đúng đắn, bà Phan Mộng Thúy tin tưởng kinh doanh của Công ty có thể trở lại thời kỳ thịnh vượng trước đây, thời mà băng đĩa không thể sao chép và Phương Nam có nhiều động lực để đầu tư cho nội dung, sản xuất các chương trình hay. Ông Nguyễn Văn Phước cũng tự tin về một First News có thể đạt tới tốc độ tăng trưởng vượt bậc, gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi hiện tại nếu nạn in lậu, vi phạm tác quyền được dẹp bỏ.

Thực tế, tiềm năng thị trường sản phẩm văn hóa ở Việt Nam là rất lớn. Chỉ tính riêng doanh thu phát hành phim điện ảnh (không tính phim truyền hình) dự kiến sẽ vượt 100 triệu USD trong năm 2015. Tính ra, tăng trưởng trung bình của ngành điện ảnh Việt Nam đã đạt 30-40%/năm giai đoạn 2010-2014. Đáng chú ý, trong 220 phim mà Việt Nam đã phát hành năm nay, 60% là phim của các nước trong TPP, đặc biệt là Mỹ.





Doanh thu bán vé phim ở Việt Nam qua các năm

Những con số kể trên phản ánh phần nào nhu cầu thị trường và mở ra những cơ hội mới cho các công ty giải trí. Ngoài hệ thống rạp chiếu, Galaxy bắt đầu cung cấp dịch vụ chiếu phim tại nhà thông qua các set-top box. Trong tương lai, hãng này cũng sẽ xây dựng và cung cấp dịch vụ xem phim qua internet, giúp khán giả có thêm nhiều lựa chọn.

Ða dạng hóa sự lựa chọn và được thưởng thức các sản phẩm văn hóa chất lượng chính là lợi ích lâu dài cho người dân mà lộ trình bảo hộ bản quyền mang đến, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà. Ngoài ra, tuân thủ pháp luật về bản quyền cũng là một trong những tiêu chí mà mỗi người công dân trong xã hội phát triển cần ý thức.

SBLAW tư vấn về bảo hộ thương hiệu và các tài sản trí tuệ khác một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả:
Quý khách cần sử dụng dịch vụ bảo hộ tài sản trí tuệ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến.
  • Điện thoại - Chat Zalo
  • Email address
Tin tức liên quan