[Baohothuonghieu.com] Hiện nay, thuốc lá điện tử vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi về tác hại của nó. Mới đây, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW trả lời VTV về vấn đề Có nên thừa nhận thuốc lá điện tử?
-
Hiện Việt Nam đã có quy định gì về thuốc lá điện tử?
Trả lời:
Nhìn chung, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định về các vấn đề cơ bản như: Chính sách và Trách nhiệm quản lý của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; Các hành vi bị nghiêm cấm; Các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá (Địa điểm cấm hút thuốc lá, Nghĩa vụ của người hút thuốc lá, Ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, Cai nghiện thuốc lá…); Các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá (Quản lý và quy hoạch kinh doanh thuốc lá, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá, Các biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả…) và Các điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Hiện nay, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, Nghị định số 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá hay các văn bản khác có liên quan đều chưa có những quy định cụ thể về thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 67/2013/NĐ-CP: “Sản phẩm thuốc lá” là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi”. Như vậy, với tính chất có chứa nicotine và cách sử dụng là hít vào, thuốc lá điện tử được xem là một sản phẩm thuốc lá theo quy định của Nghị định 67/2013/NĐ-CP.
-
Bộ Công Thương muốn thí điểm còn Bộ Y tế muốn cấm, tại sao lại có sự khác biệt này?
Trả lời:
Sáng 4/5, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn Hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong khi Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thì Bộ Công Thương lại muốn cho phép thí điểm quản lý loại thuốc lá này. Sự khác biệt trong quan điểm giữa Bộ Công Thương và Bộ Y tế về vấn đề này xuất phát từ mục tiêu và trách nhiệm khác nhau, bao gồm quan điểm về sức khỏe công cộng, quản lý kinh doanh và quyền lợi của người tiêu dùng…
Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Mục tiêu của Bộ là muốn quản lý sản phẩm này, và đảm bảo rằng việc kinh doanh thuốc lá điện tử được thực hiện theo quy định. Bộ đang xây dựng phương án quản lý theo hướng tiệm cận nhất với ý kiến của Bộ Y tế.
Bộ Y tế có mục tiêu tập trung vào bảo vệ sức khỏe công cộng và giảm thiểu tác động tiêu cực của thuốc lá. Bộ không đồng tình với việc thí điểm quản lý thuốc lá điện tử bởi đây là “chất gây nghiện, gây ung thư”. Tác hại của thuốc lá điện tử đã được nhận biết trên toàn thế giới và Bộ cho rằng mặt hàng này “không có một chút ưu điểm nào” để quản lý, sử dụng. Đại biểu ngành y cũng cho rằng, thuốc lá điện tử cũng không có tác dụng hạn chế thuốc lá thông thường mà còn kích thích hút thuốc lá thông thường, tăng liều lượng lên, nguy hiểm ở chỗ là có rất nhiều chất gây nghiện, gây ung thư, với hơn 3.000 chất gây nghiện. Thuốc lá điện tử không chỉ gây hại sức khỏe mà còn cả về kinh tế do chi phí mua loại này đắt hơn thuốc lá thông thường rất nhiều, chi phí chữa trị sức khỏe tâm thần cũng rất tốn kém.
-
Xử lý các cửa hàng bán thuốc lá điện tử theo quy định nào?
Trả lời:
Đối với hoạt động kiểm tra, giám sát và quản lý các cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá. Theo đó, Điều 43 quy định “Tổ chức, cá nhân sẽ bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá trong trường hợp vi phạm điều kiện về đầu tư, kinh doanh, chế biến nguyên liệu thuốc lá; sản xuất, mua bán thuốc lá và vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn một năm kể từ ngày được cấp Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá nếu không đi vào hoạt động sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc giấy phép”.
Ngoài ra, việc xử lý các vi phạm về mua bán thuốc lá cũng được quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Điều 26 nêu rõ các cơ sở vi phạm quy định về bán, cung cấp thuốc lá thì bị xử lý như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- a) Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá;
- b) Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi;
- c) Bán, cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật. Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với các hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi và loại bỏ yếu tố vi phạm đối với thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này. Trường hợp không loại bỏ được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy”.