Các nhà sáng chế nông dân nên làm gì để đảm bảo quyền lợi khi đăng ký bảo hộ sáng chế?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đưa ra ý kiến về giải pháp rút ngắn quá trình thẩm định và cấp văn bằng bảo hộ sáng chế trên tạp chí sở hữu trí tuệ.
Mời các bạn xem nội dung bài viết tại đây:
(SHTT) - Quy trình thẩm định kéo dài trong bảo hộ sáng chế hiện nay đang trở thành trở ngại lớn đối với các nhà sáng chế, đặc biệt là các nhà sáng chế nông dân. Vậy, các nhà sáng chế cần làm gì để tận dụng quy định để bảo vệ quyền lợi cho sáng chế?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB law (Hà Nội), chia sẻ, theo quy định của Luật SHTT, tổng thời gian từ khi nộp đơn đăng ký sáng chế đến khi được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế là 38 tháng (chưa kể hồ sơ bị trục trặc). So với các đối tượng khác như đăng ký nhãn hiệu thì thời gian gấp 3 lần. Chính vì thế, nhiều khi được cầm được văn bằng bảo hộ thì sáng chế đã bị lạc hậu hoặc bị người khác sử dụng.
Mặc dù Luật SHTT đã có những quy định để bảo vệ sáng chế như được hưởng quyền được bảo hộ tạm thời, quyền tạm thời đối với sáng chế… Nhưng theo tôi, những quy định đó chưa đủ mạnh. Và điểm mấu chốt ở đây là quy trình thẩm định quá dài không những tạo kẽ hở mà còn khiến các nhà sáng chế nản lòng.
Để khắc phục tình trạng trên cần phải sửa đổi một số quy định của Luật SHTT theo hướng: Giảm thời gian thẩm định nội dung thành 12 tháng, thay vì 18 tháng như hiện nay.
Bên cạnh đó, người nộp đơn nên tận dụng những ưu đãi của Luật SHTT như: Sau khi đơn đăng ký sáng chế đã được chấp nhận hợp lệ, người nộp đơn có thể yêu cầu Cục SHTT công bố sớm đơn sáng chế trong tháng thứ 2 kể từ ngày yêu cầu (thay vì phải đợi tới tháng thứ 19 theo quy định của pháp luật).
Mặt khác người sáng chế nên nhờ các luật sư có kinh nghiệm để trợ giúp trong việc viết bản mô tả, viết yêu cầu bảo hộ và các vấn đề liên quan khác để tránh sai sót làm kéo dài thời gian thẩm định. Đồng thời người sáng chế cần tra cứu dữ liệu thông tin sáng chế trước khi nghiên cứu giải pháp cải tiến kỹ thuật để tránh trùng lặp, mất thời gian và công sức.
Kỹ sư nông dân Phạm Văn Hát đến từ Tứ Kỳ, Hải Dương chia sẻ: "Bản thân tôi có tới hàng chục sáng chế nhưng chỉ mới đăng ký bảo hộ cho 2, 3 sản phẩm nhằm phục vụ mục đích kinh doanh do quá trình đăng ký bảo hộ sáng chế quá tốn thời gian và chi phí".
Những sáng chế của “kỹ sư nông dân” thực sự là có hiệu quả trong nông nghiệp, được rất nhiều bà con nông dân sử dụng, tuy nhiên những sáng chế này hiện nay chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ do rất nhiều lý do, trong đó có việc thủ tục quá rườm rà, thời gian chờ đợi… Chính vì vậy những “kỹ sư nông dân” đành chấp nhận sự thiệt thòi về quyền tác giả, việc này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của họ và dẫn đến việc làm giả, nhái mẫu mã để sản xuất kiếm lời mà không thể xử lý được.
Để tạo điều kiện cho những “kỹ sư nông dân” này được thỏa sức sáng tạo, rất cần Nhà nước và các cơ quan quản lý xem xét giảm bớt các thủ tục để nhanh chóng hơn trong việc cấp giấy chứng nhận bảo hộ quyền sáng tạo.