Những vấn đề liên quan đến sở hữu công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp và vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có bài phỏng vấn với Đài TNVN trong chuyên mục “Bạn và pháp luật” với chủ đề: “Sở hữu công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp và vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”
Vi phạm sở hữu công nghiệp như thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp đang diễn ra ngày càng phổ biến trên Thế giới. Đối với Việt Nam, vi phạm sở hữu công nghiệp xuất hiện dưới nhiều hình thức và lĩnh vực sản phẩm. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước khi hội nhập quốc tế.
Thảo luận chi tiết hơn về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có bài phỏng vấn với Đài TNVN trong chuyên mục “Bạn và pháp luật” với chủ đề: “Sở hữu công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp và vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”
Nội dung bài phỏng vấn như sau:
Câu hỏi 1: Qua thông tin báo chí người dân đã biết rất nhiều vụ vi phạm sở hữu công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Mở đầu chương trình, ông có thể cho thính giả biết theo luật pháp nước ta thì những đối tượng nào là sở hữu công nghiệp được bảo hộ?
Trả lời:
Quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ 2005 là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Trong đó:
– Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên;
– Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này;
– Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn ;
– Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
– Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
– Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Câu hỏi 2: Trong những nhóm đối tượng sở hữu công nghiệp được luật quy định thì theo luật sư, loại nào bị vi phạm nhiều nhất ở nước ta và vì sao?
Trả lời:
Vi phạm chủ yếu đối với sở hữu công nghiệp có lẽ là nhãn hiệu hàng hóa. Việc vi phạm nhãn hiệu có thể được thể hiện qua các hình thức như sau:
- Chiếm đoạt nhãn hiệu hàng hóa : được hiểu là việc đăng ký hay sử dụng một nhãn hiệu hàng hóa nước ngoài thường là nổi tiếng mà lại không được đăng ký trong nước hay mất hiệu lực do không sử dụng.
- Giả mạo: đó là việc làm giả một sản phẩm. Đồ giả mạo không chỉ vì nó giống nhau theo ý nghĩa phổ thông của thuật ngữ. Nó còn tạo ấn tượng rằng đó là sản phẩm chính hiệu, có nguồn gốc chính từ nhà sản xuất hay người kinh doanh đích thực.
- Bắt chước hàng hóa và bao bì: Cũng giống trường hợp chiếm đoạt, nhãn hiệu hàng hóa hoặc bao bì của sản phẩm cạnh tranh có thể bị làm giả nhưng trường hợp này bắt chước không tạo ấn tượng là sản phẩm đích thực. Thay vì đầu tư cho nhãn sản phẩm hoặc bao bì hình ảnh riêng của mình, người bắt chước lại lợi dụng danh tiếng của sản phẩm cạnh tranh bằng cách tạo cho sản phẩm của mình một dáng vẻ bên ngoài tương tự, gây nên sự nhầm lẫn trên thị trường.
Theo đó, việc vi phạm nhãn hiệu hàng hóa có thể khiến cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn đối với hàng hóa mà họ mua bán. Việc các chủ doanh nghiệp lợi dụng hành vi chiếm đoạt, giả mạo, bắt trước nhãn hiệu và bao bì nhằm thu lợi vì mục đích bất chính hiện diện trong cuộc sống của chúng ta không ít. Do đó, đây là hành vi phổ biến nhất hiện nay
Câu hỏi 3: Muốn đăng ký kiểu dáng công nghiệp thì nộp hồ sơ đăng ký ở đâu và thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được tính như thế nào?
Trả lời:
Các chủ thể có thể tiến hành tự hoàn thiện hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp tuy nhiên vẫn phải đảm bảo các giấy tờ sau:
1. 2 tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp
2. 1 bản mô tả kiểu dáng công nghiệp
3. 4 bộ ảnh chụp, bản vẽ
4. Giấy ủy quyền nộp hổ sơ đăng ký nếu nộp đơn thông qua đại diện
5. Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác
6. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên
7. Chứng từ nộp lệ phí.
Các chủ thể có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 văn phòng đại diện của cục tại HCM và Đà Nẵng
Căn cứ theo Điều 119 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì thời hạn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được tính như sau:
Bước 1: Thẩm định hình thức đơn
Cục sở hữu trí tuệ sẽ kiểm tra tính hợp lệ của đơn theo yêu cầu về hình thức, đối tượng loại trừ, về quyền nộp đơn,… để từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không.
Thời gian thẩm định 01 tháng kể từ ngày nhận đơn
Bước 2: Công bố đơn
Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ
Bước 3: Thẩm định nội dung đơn
Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ (có tính mới, có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp), qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Thời hạn thẩm định nội dung: 07 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Bước 4: Ra quyết định cấp/ từ chối văn bằng bảo hộ
– Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
– Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về kiểu dáng công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Hiệu lực của văn bằng bảo hộ:
Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 05 (năm) năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần 05 (năm) năm.
Câu hỏi 4: Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, công trình. Xin hỏi luật sư là đối tượng được bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp là gì và đối tượng nào không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?
Trả lời:
Căn cứ Điều 63 Luật sở hữu trí tuệ 2005, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Có tính mới
2. Có tính sáng tạo
3. Có khả năng áp dụng công nghiệp
Căn cứ điều 64 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì tổ chức cá nhân không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là:
1. Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có
2. Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp
3. Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm
Câu hỏi 5: Thời gian gần đây lực lượng quản lý thị trường, công an đã phát hiện khá nhiều vụ sản phẩm được làm nhái hình dáng bên ngoài của những sản phẩm uy tín đã được định vị trên thị trường. Theo luật sư, hiện nay việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam đang gặp khó khăn nhất là gì?
Trả lời:
Trên thực tế, có những loại tranh chấp tiêu biểu sau:
- Tranh chấp trong quá trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp: Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có dấu hiệu tương tự hoặc không có khác biệt đáng kể với mẫu kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ trước đó.
- Tranh chấp trong quá trình khai thác, sử dụng kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ: thường là tranh chấp do hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp và những đơn vị sản xuất hàng giả, hàng nhái kiểu dáng đó.
- Trong số lượng đơn khiếu nại được gửi lên Cục sở hữu trí tuệ về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của kiểu dáng công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp có tranh chấp với khá nhiều đối tượng của sở hữu trí tuệ như: nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…
Tình hình tranh chấp Kiểu dáng Công nghiệp ngày càng trở nên phổ biến và phức tạp là do nhiều chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp chưa thực sự ý thức và chú ý đến việc đăng ký bảo hộ độc quyền kiểu dáng sản phẩm của mình, chưa có kế hoạch bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) một cách khoa học. Thực tế, có rất ít doanh nghiệp Việt Nam có bộ phận chuyên chăm lo về SHTT, do đó việc phát hiện vi phạm SHTT nói chung và vi phạm về kiểu dáng công nghiệp nói riêng thường không kịp thời.
Kiểu dáng công nghiệp có vai trò không nhỏ đối với thương hiệu và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, một khi xảy ra tranh chấp sẽ gây ra những tổn thất không nhỏ cho doanh nghiệp đó, dù là bên vi phạm hay bên bị vi phạm. Vì thế, các doanh nghiệp cần phải chú trọng hơn trong việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của mình nhằm tránh những tranh chấp không đáng có xảy ra.
Câu hỏi 6: Vi phạm về nhãn hiệu đang là một dạng vi phạm sở hữu công nghiệp phổ biến nhất ở Việt Nam trên nhiều hình thức như tên gọi/ logo gần tương tự với tên nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hàng đã được định vị trên thị trường. Hiện nay pháp luật nước ta bảo hộ những loại nhãn hiệu nào và giấy chứng nhận nhãn hiệu có hiệu lực bao lâu, thưa ông?
Trả lời:
Căn cứ Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì nhãn hiệu được bảo hộ bao gồm những điều kiện sau đây:
1. Là dấu hiệu thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp giữa các yếu tố đó, thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc
2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Pháp luật Việt Nam bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu nổi tiếng.
và Căn cứ khoản 6 Điều 93 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì giấy chứng nhận nhãn hiệu có hiệu lực là mười năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần là mười năm. Tuy nhiên, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể chấm dứt hiệu lực theo yêu cầu của người khác trong trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu chấm dứt tồn tại mà không có người thừa kế hợp pháp hoặc không sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký trong 05 năm liên tục.
Câu hỏi 7: Nếu cá nhân/ tổ chức đăng ký tên miền có tên trùng với nhãn hiệu/ thương hiệu đã định vị trên thị trường nhưng doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu đó lại chưa đăng ký mua tên miền của nhãn hiệu, thương hiệu đó thì tranh chấp này sẽ được giải quyết như thế nào để tránh thiệt hại của doanh nghiệp và khách hàng khi sau này có thể bị nhầm lẫn hàng hóa, dịch vụ có cùng tên gọi/ kiểu dáng?
Trả lời:
Theo nguyên tắc chung trên thế giới cũng như quy định của pháp luật Việt Nam, tên miền sẽ được cấp dựa trên 02 nguyên tắc: (i) Tên miền đăng ký là duy nhất; (ii) Tên miền được cấp cho những ai đăng ký trước.
Vì vậy, thường có những tranh chấp phát sinh do nhiều cá nhân đã đăng ký tên miền trùng với tên nhãn hiệu của doanh nghiệp trước khi doanh nghiệp kịp đăng ký.
Điểm d Khoản 1 Điều 130 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Căn cứ theo Điều 76 Luật Công nghệ thông tin, Điều 16 Nghị định 72/2013/NĐ-CP việc giải quyết tranh chấp về tên miền sẽ được thực hiện theo một trong các phương thức sau:
– Thông qua thương lượng, hoà giải
– Thông qua trọng tài
– Thông qua khởi kiện tại Toà án
Phương thức thương lượng, hoà giải hoặc khởi kiện tại toà án là 02 phương thức phổ biến, bởi nếu giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài phải tồn tại một thoả thuận trọng tài mà thường sẽ không có đối với tranh chấp về tên miền.
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng thoả hiệp mua lại tên miền để tiết kiệm thời gian, nhanh chóng bảo vệ hình ảnh thương hiệu. Nhưng tuỳ vào mong muốn và tình hình thực tế, mà doanh nghiệp hoàn toàn có căn cứ để khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi đó căn cứ để xác định hành vi đăng ký, chiếm giữ hoặc sử dụng tên miền có bị xem là hành vi vi phạm được quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Ngoài ra, hành vi này, căn cứ theo khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp. Theo đó, theo khoản 16 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác được bảo hộ nhằm chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh hiệu của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng; với biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền.
Theo đó, chủ thể bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp có thể có khiếu nại, chứng minh đối với cơ quan có thẩm quyền để họ có sự điều tra, xử phạt hợp lý.
Câu hỏi 8: Trong trường hợp 2 tên nhãn hiệu chỉ sai biệt 1-2 chữ cái hoặc chi tiết và có kiểu dáng bao bì bên ngoài giống nhau nhưng lại đại diện cho 2 loại sản phẩm khác nhau thì có bị coi là vi phạm kiểu dáng công nghiệp không, thưa ông?
Trả lời:
Căn cứ theo Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, thì hành vi được xác định là hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp bao gồm:
– Sử dụng, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời theo quy định pháp luật.
Cụ thể, hành vi xâm phạm đối với kiểu dáng công nghiệp được quy định chi tiết tại Điều 12 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN:
– Sản phẩm/phần sản phẩm bị xem xét được coi là bản sao của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu sản phẩm/phần sản phẩm đó có tập hợp các đặc điểm tạo dáng (hình dáng) bên ngoài chứa tất cả các đặc điểm tạo dáng cơ bản và không cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.
– Sản phẩm/phần sản phẩm bị xem xét về bản chất được coi là bản sao của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu sản phẩm/phần sản phẩm đó có tập hợp các đặc điểm tạo dáng bên ngoài chứa tất cả các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ được.
– Trường hợp tổng thể các đặc điểm tạo dáng bên ngoài của một sản phẩm/phần sản phẩm bị coi là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của tập hợp các đặc điểm tạo dáng bên ngoài của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm thuộc kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thì cũng bị coi là xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đó.
– Đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ được hiểu là đặc điểm tạo dáng dễ dàng nhận biết, ghi nhớ, được dùng để phân biệt tổng thể kiểu dáng công nghiệp này với kiểu dáng công nghiệp khác. Tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản có thể là hình khối, đường nét, tương quan giữa các đặc điểm hình khối và/hoặc đường nét, các đặc điểm màu sắc được xác định trên cơ sở bộ ảnh chụp/bản vẽ kèm theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Chính vì vậy việc khác biệt 1 – 2 chữ cái có thể đươc xem là trường hợp : “Sản phẩm/phần sản phẩm bị xem xét về bản chất được coi là bản sao của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu sản phẩm/phần sản phẩm đó có tập hợp các đặc điểm tạo dáng bên ngoài chứa tất cả các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ được.”
Ngoài ra, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tức là bảo vệ hình dáng bên ngoài, không phụ thuộc vảo sản phẩm bên trong.
Chính vì vậy, các hành vi trên đều vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Câu hỏi 9: Nếu người dân mua phải hàng hóa bị làm giả kiểu dáng công nghiệp thì họ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Trả lời:
Căn cứ theo Điều 10 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010, các hành vi nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có bao gồm: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau: Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.”
Theo đó, tuỳ theo từng trường hợp mà hành vi làm giả kiểu dáng công nghiệp có thể bị xử phạt Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng gỉa, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Người tiêu dùng nên khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền để xử lí hành chính với vi phạm này đồng thời khiếu nại đối với doanh nghiệp để họ có ý thức về tình hình và thực hiện thủ tục yêu cầu xử lí vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Câu hỏi 10: Nếu cơ sở kinh doanh vi phạm sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng, hình dáng công trình với sản phẩm khác đã đăng ký bảo hộ thì người tiêu dùng có thể kiện đơn vị đó về tội lừa đảo không?
Trả lời:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều174 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Theo đó, tuỳ theo tính chất vụ việc mới có thể coi là người tiêu dùng liệu có bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không, còn nếu người tiêu dùng chỉ ý thức được là cơ sở đó đang kinh doanh hàng hoá vi phạm quyền sở hữu công nghiệp thì có thể thực hiện xử lý theo quy định về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Câu hỏi 11: Trong trường hợp gây hậu quả đối với sức khỏe của người tiêu dùng thì chế tài xử lý với cá nhân, tổ chức vi phạm được quy định ra sao, thưa luật sư?
Trả lời:
Tuỳ theo mức độ nghiêm trọng mà việc buôn bán hàng giả đến người tiêu dùng sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Đối với việc tổn hại tới sức khoẻ người tiêu dùng, tuỳ theo mức độ tổn hại sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ Luật Hình sự 2015 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
[….]
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;”.
Câu hỏi 12: Ông có lời khuyên nào đối với người tiêu dùng khi mua, sử dụng sản phẩm và dịch vụ bị làm giả, làm nhái?
Trả lời:
Trước tiên, người tiêu dùng nên tìm đến cơ sở chính hãng, uy tín để mua bán, bởi nếu có vấn đề gì phát sinh, thường để xử lý vi phạm sẽ kéo dài và người tiêu dùng, người ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên khó khăn hoặc mất nhiều thời gian để đòi lại quyền lợi cho mình.
Tuy nhiên, trong trường hợp có xảy ra thiệt hại, người tiêu dùng cũng nên có những động thái phản ứng lại thay vì chỉ im lặng cho qua, ví dụ như: có ý kiến đối với cơ quan có thẩm quyền hoặc đối với doanh nghiệp bị làm giả, làm nhái sản phẩm để các bên liên quan có những biện pháp can thiệp kịp thời, dần dần chấm dứt nạn làm giả, làm nhái sản phẩm.