SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW với phóng viên bản tin vtv24, Đài truyền hình Viiệt Nam
1. Người mang sách có bản quyền của nhà xuất bản đi photo và cửa hàng thực hiện việc photo thì bên nào sẽ là người vi phạm bản quyền tác giả?
- Đối với chủ thể đầu tiên, nếu người này đi photo nhằm mục đích “nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân” hoặc “để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu” thì không được coi là vi phạm bản quyền vì đây là các trường hợp được phép “sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao”. Đối tượng này chủ yếu là học sinh sinh viên photo giáo trình, tài liệu để phục vụ việc học tập. Nội dung trên đã được quy định rõ ràng tại khoản 1 điểm a, đ của điều 25 trong luật Sở hữu trí tuệ.
Các trường hợp khác thì hành vi mang sách có bản quyền của nhà xuất bản đi photo có thể được coi là đã xâm phạm quyền tác giả theo khoản 6 và khoản 16 điều 28 Luật SHTT.
- Đối với cửa hàng cung cấp dịch vụ photocopy, trong mọi trường hợp, chủ thể này luôn là bên vi phạm bản quyền tác giả. Vì ở đây người kinh doanh dịch vụ photocopy mới là người trực tiếp “bấm máy”, nói cách khác là trực tiếp “tự sao chép”. Hơn nữa, họ đã thực hiện việc sao chép tác phẩm bản quyền sử dụng vào mục đích thương mại lấy lợi nhuận (giá tiền bản photocopy sẽ được tính bằng tổng chi phí giấy + mực + hao mòn máy + tiền công).
2. Những hoạt động nào tại các cửa hàng photocopy thì được coi là vi phạm bản quyền tác giả? Còn những trường hợp photocopy sách, tài liệu như thế nào thì được pháp luật cho phép?
Căn cứ theo khoản 6 và khoản 16 điều 28 Luật SHTT, các hành vi xâm phạm quyền tác giả tại cửa hàng photocopy thường gặp là:
“Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả:
6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này
16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.”
Tất cả các hoạt động sao chép tác phẩm có bản quyền mà chưa có sự cho phép của tác giả, bao gồm trường hợp tại câu hỏi 1, hoặc sao chép sách, tư liệu, giáo trình sau đó bày bán,... tại cửa hàng photocopy đều được coi là vi phạm bản quyền tác giả.
Ngược lại, pháp luật cho phép photocopy sách, tài liệu có bản quyền trong trường hợp tác giả cho phép, hoặc trong các trường hợp thuộc khoản 1 điểm a, đ của điều 25 luật Sở hữu trí tuệ. Cần lưu ý rằng, “tự sao chép” có nghĩa là người sử dụng trực tiếp đọc để ghi âm, trực tiếp viết lên giấy, hoặc trực tiếp bấm máy photocopy để sao chép...
3. Hiện nay, 1 số cửa hàng photo tại các trường đại học còn bán sẵn cả giáo trình photo, như vậy có phải là vi phạm bản quyền tác giả hay không?
Theo khoản 6 và khoản 16 điều 28, Luật sở hữu trí tuệ, các hành vi “Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này” và “Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả” được coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Như đã phân tích ở trên, việc các cửa hàng photo bán sẵn giáo trình không thuộc các trường hợp tại điểm a và điểm d Điều 25 Luật SHTT. Vì vậy, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng bản quyền tác giả do đã có sự sao chép hàng loạt, với số lượng nhiều để đem đi kinh doanh, hay nói cách khác là đã có hành vi nhân bản, sản xuất, phân phối bản sao của tác phẩm làm phương hại đến các quyền tác giả và việc khai thác tác phẩm của tác giả cũng như nhà xuất bản.
Căn cứ Điều 15 và Điều 18 Nghị định 131/2013/ND-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì hành vi photo sách trái phép khi không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ: 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng và hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ: 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
4. Theo ông, cần làm gì để hạn chế việc vi phạm bản quyền tác giả tại các cửa hàng photocopy?
Chúng ta có thể tuyên truyền để những người kinh doanh dịch vụ photocopy và cả những người có nhu cầu sao chép tác phẩm bản quyền nắm được nội dung của luật.
Thứ nữa, tôi nghĩ các chủ thể quyền là nhà xuất bản, tác giả, người sở hữu tác phẩm cần kịp thời lên tiếng phản ánh, tố cáo để cơ quan chức năng xử lí những trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, vai trò của cơ quan chức năng trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra loại hình kinh doanh dịch vụ này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các trường hợp vi phạm.